Cuốn sách kể lại hành trình xuyên Á của Marco Polo (1254 – 1324), một thương gia, nhà thám hiểm người Venise (Italia), từ phương Tây đi sang phương Đông, đến tận thủ phủ của đế quốc Mông Cổ hùng mạnh thế kỷ XIII. "Marco đã ở bên cạnh Đại Hãn Hốt Tất Liệt 17 năm, và trong quãng thời gian này, ông liên tục đi đây đi đó, gánh trên vai những sứ mệnh đặc biệt […]. Đại Hãn Hốt Tất Liệt hài lòng với cách Marco Polo xử lý công việc tới mức thể hiện rõ sự tôn trọng hết mực đối với Marco, đồng thời ưu ái ông, gần gũi với ông khiến các vị quan khác ghen tị. Nhờ vậy mà Marco có được cái nhìn sâu sắc và rộng lớn về đế quốc này hơn bất kỳ người nào khác, vì không một ai từng trải qua những cuộc hành trình cay đắng và mênh mông ở những vùng đất xa lạ nhiều như ông, cũng như không một ai dành hết tâm trí để quan sát, chiêm nghiệm nhiều như Marco." (tr. 19). Chính lẽ đó trong những người châu Âu được coi đã bắc nhịp cầu nối văn minh phương Tây và phương Đông thời Trung Cổ Marco Polo là cái tên nổi bật, mặc dù ông không phải là người đầu tiên, càng không phải là người nhà Polo đầu tiên, mạo hiểm đi đến vùng đất nay được biết đến là Trung Hoa.
MARCO POLO TỪ VENISE TỚI THƯỢNG ĐÔ
Tác giả: Laurence Bergreen
Omega & Nhà xuất bản Thế Giới (2021)
Số trang: 540 (khổ 16x24cm)
Số lượng: 3000
Giá bán: 239.000
Tác giả Laurence Bergreen (sinh 1950) là một sử gia, một nhà viết biên niên sử. Dựa vào các hồi ký, ghi chép của Marco Polo để lại, và qua sự nghiên cứu, khảo nghiệm của mình, ông đã viết nên cuốn tiểu sử dày dặn của Marco Polo, dựng lại những chuyến hành trình gian khổ, nguy hiểm của người Venise này trên Con Đường Tơ Lụa thuở xưa.
Mỗi trang sách đưa người đọc đi cùng bước chân của Marco Polo trên từng chặng đường khám phá ra những vùng đất mới với những cảnh sắc thiên nhiên, văn hóa, con người khác lạ, từ châu Âu đến châu Á và Ấn Độ. Đi theo ông như bị cuốn theo cơn gió số phận. Bởi "Marco không phải là một nhà thám hiểm theo ý nghĩa hiện đại, được định hướng mục tiêu, khoa học. Ông là nhà du hành sẵn sàng đi đến bất cứ nơi nào cơn gió của số phận cuốn ông tới. Ông vẫn cởi mở với những trải nghiệm mơ hồ, liên tục điều chỉnh thái độ của mình với những con người, địa điểm và sự kiện hiển hiện trước mặt ông." (tr. 476).
Cuốn sách của Laurence Bergreen được viết căn cứ vào tác phẩm "Những chuyến du hành" do chính Marco Polo ghi chép lại các sự việc trong những chuyến đi của mình khi ông đang bị giam tù sau thất bại của người Venise trước người Genoa. Theo Laurence Bergrenn "Những chuyến du hành" của Marco Polo "vừa là một biên niên lịch sử vừa là một tác phẩm nghệ thuật, mô tả về các vùng đất trên thế giới đã biến mất dưới dạng một cuộc phiêu lưu vượt thời gian." (tr. 456). Tác giả đã cho biết lịch sử cụ thể của tác phẩm đó ở phần kết sách.
Đọc cuốn sách này, ta thấy nổi bật lên hai chân dung của nhà thám hiểm Marco Polo và vị hoàng đế Hốt Tất Liệt. Thậm chí, theo nhà phê bình sách Bruce Barcott trong bài viết đăng trên tờ "The New York Times" (2007) thì gây ấn tượng nhất trong sách này lại không hẳn là Marco Polo, mà là vị Đại Hãn của xứ Mông Cổ. Marco là mọi thứ: nhà tư bản bậc thầy, nhà báo cổ xưa, nhà lữ hành hàng đầu mọi thời đại. Nhưng ông giống một người bình thường hơn ở sự quan sát và ghi nhận những sự việc đáng kinh ngạc diễn ra trong chuyến đi của mình. Hốt Tất Liệt thì ngược lại, đó vừa là một nhân vật lớn của lịch sử vừa là một con người bằng xương bằng thịt. Nhà văn Italo Calvino (Italia) đã lấy cảm hứng từ cuộc lữ hành phương Đông của Marco Polo và cuộc gặp gỡ của ông với Hốt Tất Liệt để viết tiểu thuyết "Những thành phố vô hình" (đã có bản dịch tiếng Việt). Cuối cùng, đọc xong cuốn sách, người đọc có thể chia sẻ cảm nhận của Bruce Barcott: "Đóng góp lớn nhất của Marco Polo cho lịch sử là đã truyền những tin tức đơn giản này cho châu Âu: người châu Á không phải là xấu xa, họ cũng là loại người như chúng ta, mà về một số mặt họ còn tốt hơn".
Bản tiếng Anh của "Marco Polo từ Venise tới Thượng Đô" ("Marco Polo from Venise to Xanadu") xuất bản năm 2007. Đây là một cuốn sách hay, nhưng là một thách thức lớn cho người dịch vì chứa đầy những kiến thức tư liệu về địa lý lịch sử văn hóa kinh tế quân sự của nhiều vùng đất thế giới trong quá khứ xa xưa. Chưa nói đến vô vàn những khó khăn to lớn khác khi chuyển ngữ, chỉ nói riêng tên địa danh, nhân danh đã phức tạp (như "Xanadu" kinh đô của đế quốc Mông Cổ phải tra cứu để dịch là "Thượng Đô").
Bản dịch tiếng Việt của Đào Quốc Minh thật xứng đáng. Dịch giả đã lao động công phu, nghiêm túc để đưa đến bạn đọc một cuốn sách đáng đọc và đọc thích. Người nào làm công việc dịch thuật còn có thể biết được thêm cho mình những từ ngữ, thuật ngữ dịch ở đây. Mà cùng với sách này, Đào Quốc Minh còn ra liên tiếp những cuốn sách viết, sách dịch khác. Tôi có thể mách bạn một cuốn dịch khác của anh là "Lịch sử của sách" (IPER & Nxb Dân Trí, 2021). Với tư cách cũng là một người dịch, đọc các sách dịch này của Đào Quốc Minh tôi thật sự khâm phục và biết ơn.
Hẹn bạn lần tới với một cuốn sách mới khác!
Hà Nội, 14/9/2021