Đọc sách cùng bạn: "Phải thành thực với mình"

Phạm Xuân Nguyên Thứ sáu, ngày 03/09/2021 13:32 PM (GMT+7)
Chào bạn, ta gặp lại nhau. Hôm nay, tôi giới thiệu với bạn bộ sách có tên gọi chung là "Nguyễn Hiến Lê tác phẩm đăng báo" do Nguyễn Tuấn Bình sưu tầm và giới thiệu.
Bình luận 0
Đọc sách cùng bạn: "Phải thành thực với mình" - Ảnh 1.

Nguyễn Hiến Lê (1912 – 1984) là học giả, nhà văn, dịch giả, nhà ngôn ngữ học, nhà giáo dục và nhà hoạt động văn hóa độc lập, đã có 122 tác phẩm sáng tác, biên soạn và dịch thuật được in thành sách. Ông sinh tại Sơn Tây nhưng từ 1934 vào làm việc tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ và từ 1952 thì ở hẳn Sài Gòn viết văn, viết báo, dịch thuật và mở nhà xuất bản mang tên mình chỉ in sách của mình. Đây là một sự lựa chọn tự do của ông và nhờ đó ông đã để lại được cho đời cả một sự nghiệp trước tác giá trị. 

Ông viết: "Mỗi người đã phải đóng một vai trò trong xã hội thì tôi lựa vai trò thư sinh. Sống trong một gia đình êm ấm giữa sách và hoa, được lòng quý mến, tin cậy của một số bạn và độc giả, tôi cho là sướng hơn làm một chính khách mà được hàng vạn người hoan hô, mà còn có phần giúp ích cho xã hội được nhiều hơn bạn chính khách nữa. Nhưng làm nhà văn thì phải độc lập, không nhận một chức tước gì của chính quyền". Trong hồi ký ông tóm tắt đời mình trong hai chữ học và viết: "Hai việc đó liên quan mật thiết với nhau gần suốt đời, tôi VIẾT để HỌC và HỌC để VIẾT."

NGUYỄN HIẾN LÊ TÁC PHẨM ĐĂNG BÁO

Nguyễn Tuấn Bình sưu tầm và giới thiệu,

Nhà xuất bản Tổng Hợp, Thành phố Hồ Chí Minh, 2021

THEO DÒNG THỜI CUỘC

Số trang: 592 (khổ 16x24cm)

Số lượng: 1000

Giá bán: 250.000

BÊN LỀ CON CHỮ

Số trang: 656 (khổ 16x24cm)

Số lượng: 1000

Giá bán: 275.000

Các sách của Nguyễn Hiến Lê viết và dịch trải rộng trên nhiều lĩnh vực văn học, triết học, lịch sử, giáo dục, chính trị, kinh tế, danh nhân, khảo luận, du ký, học làm người. Sức đọc, sức viết, sức nghĩ của ông quả thật là lớn. 

Nhiều cuốn sách của ông đã là hành trang trí tuệ, tinh thần của nhiều độc giả nhiều thế hệ, nhất là các độc giả phía Nam. 

Sau 1975 các sách của ông lần lượt được tái bản và có thêm nhiều lớp độc giả mới. Họ đọc sách ông và chia sẻ quan niệm của ông về hạnh phúc: "Hồi trẻ, quan niệm của tôi về hạnh phúc là được tự do, độc lập, làm một công việc hữu ích mà mình thích, gia đình êm ấm, con cái học được, phong lưu một chút chứ đừng giàu quá. Nhưng hồi năm mươi tuổi tôi thấy bấy nhiêu chưa đủ, cần thêm điều kiện này nữa: sống trong một xã hội lành mạnh, ổn định và tương đối thịnh vượng".

Trong số những độc giả trẻ mới của Nguyễn Hiến Lê có Nguyễn Tuấn Bình. Anh là giảng viên bộ môn Cầu Hầm của trường Đại học Giao thông Vận tải (Hà Nội). Lòng yêu sách vở đã dẫn anh đi vào thế giới chữ nghĩa, xuất bản và tạo duyên cho anh đóng góp phần mình vào việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của tiền nhân. Trường hợp làm bộ sách này của Nguyễn Hiến Lê là cái duyên của Nguyễn Tuấn Bình. "Tôi luôn coi ông là Thầy dù chưa từng gặp trên bục giảng. Dịp 20-11 năm rồi, khi biết tin có nhà xuất bản cho phép bạn đọc đăng ký in tên người Thầy yêu quý của mình lên trang đầu sách, tôi lặng lẽ ghi danh: Nguyễn Hiến Lê".

Anh đọc ông, thích ông, cảm phục ông và muốn đọc ông thêm nữa, thế nên mới nghĩ ra là ngoài hơn một trăm cuốn sách đã in Nguyễn Hiến Lê còn rất nhiều bài báo đã đăng trên nhiều báo chí ở miền Nam trước 1975. Vậy là anh bắt tay vào công việc lục lọi sách báo cũ, một công việc chưa bao giờ là dễ dàng và dễ chịu đối với người làm tư liệu, để tìm các bài viết đăng báo của Nguyễn Hiến Lê. May cho anh là có những người cùng một lòng yêu Nguyễn Hiến Lê đã kết nối, giúp đỡ. May cho anh là thời đại Internet đã giúp cho việc tìm kiếm có phần thuận tiện hơn. Nhưng trên hết vẫn là tâm huyết và công sức của anh dành cho vị học giả mà anh ngưỡng mộ, yêu kính và khâm phục. 

Kết quả công việc của anh, như anh cho biết: "Tới nay, tôi gom góp được khoảng 280 trong hơn 320 bài báo của ông Lê. Hy vọng theo thời gian, con số ấy sẽ tăng thêm". Từ những bài báo đã tìm được đó anh biên soạn thành hai cuốn sách dày dặn này. Công phu của Nguyễn Tuấn Bình sưu tầm, biên soạn, khảo luận, tập hợp các bài báo của Nguyễn Hiến Lê thành hai mảng lớn "Theo dòng thời sự" và "Bên lề con chữ" theo các chủ đề khác nhau trong các bài viết như vậy là rất lớn. Một bộ sách khổ to, dày trang, in ấn tốt, có cả những ảnh chụp một số trang báo đăng bài Nguyễn Hiến Lê để bạn đọc thấy tận mắt.

Đọc hai tập sách này ta biết thêm, hiểu thêm con người Nguyễn Hiến Lê. Càng biết và hiểu ta càng ngưỡng mộ và khâm phục ông ở nhân cách, đạo đức và phẩm giá của một người trí thức, một nhà văn hóa, một nhà văn, dịch giả. Đọc các bài báo của ông, từ những bài đầu tiên đăng trên tờ "Tân Việt Nam" năm 1945 cho đến những bài cuối đời, người đọc hôm nay vẫn biết được nhiều kiến thức, tiếp nhận được nhiều tri thức, gợi mở được nhiều suy nghĩ có giá trị thời sự. Vì Nguyễn Hiến Lê viết với tâm niệm đóng góp xây dựng cuộc sống, xây dựng con người. Vì những điều ông viết thiết thực vừa có tính cách thời sự vừa có ý nghĩa lâu dài. Vì ông viết bằng một giọng văn điềm đạm, khúc triết, phân minh, vừa có tính khoa học vừa có tính phổ cập. Vì ông viết tuân theo quy tắc quan trọng nhất của người cầm bút: "Phải thành thực với mình".

Lấy những bài ở chủ đề giáo dục chẳng hạn, có những chuyện ông nói đầu những năm sáu mươi thế kỷ hai mươi vẫn như nói cho bây giờ. Thí dụ từ năm 1962 ông đã có bài viết "Phải mạnh bạo cải tổ nền giáo dục Việt Nam" đăng 5 kỳ trên tạp chí "Bách Khoa". Đó là về phương hướng chung. Còn cụ thể một chuyện như "văn mẫu" hơn nửa thế kỷ trước ông cũng đã nói rồi.

Ông nói thế này: "Tôi rất ghét lối dạy viết văn mà đưa những bài kiểu mẫu cho trẻ bắt chước, thậm chí ra một dàn bài đầy đủ chi tiết cho chúng cứ theo đó viết lại thành câu nữa: như vậy là giết cá tính của trẻ. Và tôi phục Léon Tolstoi đã để cho trẻ muốn viết sao thì viết. Ta phải giúp trẻ tự tìm được cá tính của chúng và phát huy cá tính đó, nhất là trong thời đại này mà con người ở khắp thế giới như bị nhốt vào một cái khuôn theo kiểu con người "mass-man" của Mỹ." ("mass-man" là con người đại chúng). Đoạn này ở trong bài "Bút pháp và cá tính của nhà văn" đăng trên tờ tạp chí "Giữ thơm quê mẹ" ở Sài Gòn số 7-8 ra Giêng, Hai (1966).

Có nhiều những đoạn như thế trong các bài báo của Nguyễn Hiến Lê được Nguyễn Tuấn Bình tập hợp trong sách này mà tôi chắc bạn đọc sẽ thích thú chiêm nghiệm, đọc sách mà như tưởng tác giả đang ngồi nói chuyện với mình. Tôi muốn dẫn thêm ra đoạn này có thể coi như một thứ "di chúc tư tưởng" của Nguyễn Hiến Lê mà Nguyễn Tuấn Bình đã cho in vào tay gấp bìa trước ở cả hai cuốn dưới chân dung ông qua ký họa của họa sĩ Tạ Tỵ. 

Nguyễn Hiến Lê viết: "Chúng ta còn phải tiếp tục đấu tranh cho sự tự do ngôn luận. Không phải dễ đâu. Mươi mười lăm năm nữa chưa chắc đã thành công. Muốn thành công thì một mặt chúng ta phải coi chừng bọn người muốn bịt miệng chúng ta, mặt khác phải có thái độ đúng đắn. Chính quyền có điều đáng khen thì ta khen - chứ không nịnh; chính quyền lầm lẫn thì ta thẳng thắn đưa nhận định với những lý lẽ vô tư và vững vàng, những lời nhã nhặn và minh bạch, chúng ta vì quốc gia mà xây dựng. Tất nhiên có những lúc ta phải tỏ nỗi bất bình - chẳng phải của ta, mà của quốc dân - chẳng hạn với kẻ bán nước; lúc đó giọng của ta có thể gay gắt nhưng lòng ta không hề có chút căm thù cá nhân. Chúng ta đả một thái độ, một chính sách chứ không đả một con người..."

Ông không chỉ nói một lần mà còn nhắc lại nhiều lần: "Tôi nghĩ rằng cái thú nhất của người cầm bút là được độc lập, và cái vinh dự lớn nhất của họ là giúp chút gì cho quốc dân. Muốn giữ được độc lập và giúp được quốc dân thì nên ở ngoài chính quyền. Đối lập không nhất định là chỉ trích lại càng không có nghĩa là đả đảo. Đối lập là một cách hợp tác hữu hiệu nhất và nghiêm chỉnh nhất. Ta không lệ thuộc chính quyền thì mới dám nói thẳng với chính quyền, và chính quyền mới chú ý tới lời nói của ta. Alain và André Maurois đều từ chối những chức trọng quyền cao để được là người tự do, được là một công dân giám thị các ông lớn..."

Nguyễn Hiến Lê quan niệm thế và đã sống đúng thế. Ông đã từng được giới thiệu cho giải thưởng văn học nghệ thuật của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa nhưng đã từ chối. Ông viết văn một cách lương thiện, giữ được tư cách, phẩm giá ngòi bút mình để phụng sự nhân sinh. Nhờ đó những cái viết của ông phần nhiều không bị thời gian vượt qua, vẫn có ích dụng cho người đời, bằng chứng là sách ông được in lại hầu hết. Và còn có thêm những cuốn in mới, như "Nguyễn Hiến Lê tác phẩm đăng báo" cho chúng ta đọc hôm nay.

Hẹn bạn lần tới với một cuốn sách mới khác!

Hà Nội 3/9/2021


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem