Tác giả là một người Việt đang làm việc tại một cơ quan truyền thông lớn ở London và hiện định cư tại Anh. Lý Thanh đi từ Hà Nội, đã tới hơn một trăm nước trên thế giới, đã có hàng chục năm sống ở châu Âu và đã viết nhiều bài về lịch sử và văn hóa của vùng đất này. "Oxford và những ngọn tháp mộng mơ" là tập hợp những bài viết của anh chủ yếu về xứ sở sương mù mà vốn sống, vốn kinh nghiệm và vốn hiểu biết đủ cho anh nói được với bạn đọc về một đất nước lâu đời ở "lục địa già".
Đọc sách này vì vậy đầu tiên là ta được cung cấp nhiều kiến thức thú vị, cần thiết về nước Anh. Tác giả dẫn ta "đi tìm đàn sư tử nước Anh" để biết tại sao nước này lại phổ biến hình tượng con sư tử trên quốc huy, gia huy, biểu chương, và trên cả áo thi đấu của đội tuyển bóng đá quốc gia. "Đội tuyển tam sư" ai mê quả bóng tròn đều biết. Các con vật không liên quan gì đến con người, nhưng khi một quốc gia, dân tộc chọn một con vật nào đó làm biểu tượng cho mình, lấy đức tính của nó gán cho mình hoặc gán cho nó những đức tính mình muốn, thì việc đó lại "phản ánh cái nhìn của chúng ta về chính mình". (tr. 18), tác giả suy luận từ những con sư tử nước Anh.
OXFORD VÀ NHỮNG NGỌN THÁP MỘNG MƠ
Tác giả: Lý Thanh
Tao Đàn Thư Quán & Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2020
Số trang: 199 (khổ 14,5x20,5cm)
Số lượng: 1000
Giá bán:125.000
Tác giả tính đếm để mách ta hay "Quý tộc Anh còn bao nhiêu người". Tác giả cho ta "gặp" hai vị thủ tướng nổi tiếng ở hai thời kỳ của Anh Quốc tại nơi xuất phát của họ: Thủ tướng Anh Winston Churchill (1874 – 1965) và Thủ tướng Margaret Thatcher (1925 – 2013). Ngoài những chuyện về sự nghiệp của họ với những tư tưởng, việc làm đến nay vẫn chịu sự phán xét của hậu thế, Lý Thanh còn cho bạn đọc biết chuyện họ khi không còn tại thế. Ông Churchill từng là Bộ trưởng Hải quân, hai lần làm Thủ tướng, là người được giải Nobel văn chương (1953), nhưng nơi chốn cất là tại một nghĩa trang trong nhà thờ không dễ tìm. Bà Thatcher nằm xuống vẫn chưa yên, bức tượng bà ở London do có những người phản đối khiến chính quyền buộc phải chuyển về quê bà.
Tác giả kể chuyện giáo dục ở Anh để giải tín một ý nghĩ của người Việt "Trường lớp ở Anh học ít chơi nhiều". Những thông tin trong bài này không chỉ bổ ích cho những ai định cho con cái sang Anh học, mà còn cần thiết cho các nhà làm giáo dục Việt Nam trong việc hoạch định hệ thống trường lớp của nước nhà.
Tác giả giới thiệu Anh Quốc là "quê hương của người làm vườn" để khi hội nhập xứ người anh lại bâng khuâng nhớ xứ mình: "Tâm tư bỗng thoáng chút tiêng tiếc thời thơ ấu còn nghèo nhưng cuộc sống ít tiếng ồn, ít bụi bậm, mà đầy nhiều tiếng chim, mùi hương hoa trên phố mỗi buổi tối. Nhớ những buổi trời mưa về đêm, sáng ra ao bèo, ruộng rau muống ngoại thành Hà Nội xanh tươi hẳn lên. Hoa bèo nở trên mặt hồ đẹp không kém gì các loài hoa trong English Garden. Đó là ngày xưa rồi." (tr. 81) Từ nước Anh tác giả còn đưa bạn đọc sang Pháp nhìn ngắm những cây cầu nổi tiếng bắc qua sông Seine, hay "đi xuyên châu Âu mùa Covid thăm hai cối xay gió". Theo chân Lý Thanh trên những câu chữ trang viết thoải mái như trò chuyện bạn sẽ biết được và ghi nhớ được nhiều điều về nước Anh.
Bài viết làm tên tập sách "Oxford và những ngọn tháp mộng mơ" (từ câu nói nổi tiếng "Oxford, City of Dreaming Spires") tưởng viết về việc học hành ở ngôi trường đại học danh tiếng này của nước Anh, nhưng không, tác giả nói chuyện di sản thực dân, đế quốc để lại cho một vùng đất, một đất nước, nhân một cuộc tranh luận nổ ra ở Anh năm 2017 về vấn đề này.
Chuyện dấy lên khi vị giáo sư Nigel Biggar ở Đại học Oxford có những phát ngôn và tư tưởng bị phê phán là "bào chữa cho Đế quốc Anh" về những hành động trong quá khứ, khi mà trên thế giới phong trào "Black Lives Matter" đang sôi sục và nước Anh đang vất vả với quá trình Brexit.
Từ lịch sử ra đời của đại học Oxford, Lý Thanh dẫn dắt đến chuyện lịch sử Việt Nam thời nhà Nguyễn và thấy đó đã là quá khứ, nó cần nhớ, nhưng quan trọng hơn là không để nó cầm tù chúng ta. Rồi từ chuyện này anh bàn đến hướng đi của đất nước trong tương lai. Tác giả phóng chiếu tầm mắt đến thế kỷ XXII và đặt câu hỏi: "Việt Nam cần chọn ra từ các di sản bề bộn tự có và ngoại nhập để hun đúc lên cái gì đó riêng cho bản thân trong quỹ thời gian một thế kỷ nữa?".
Anh viết: "Nếu đồng ý rằng sự yếu kém của xã hội đến từ tâm thế èo uột, thiếu ý chí, hoặc vay mượn ý chí, sống ảo, rằng "role model" đại gia vênh vang, hoa hậu nhả nhớt được báo chí tung hô là chỉ dấu của sợ hãi nội tâm, hốt hoảng trước thế giới chuyển động nhanh, chúng ta sẽ vỡ ra hướng đi cao thượng. Cần dám nhìn thẳng lên trời cao, dám nằm mơ như những ngọn tháp Oxford." (tr. 96)
Ở bài "Người thầy của tôi ở Warsaw" Lý Thanh qua lời kể của giáo sư Daniel Grinberg ở Viện Hàn lâm Khoa học Ba Lan, người thầy nhận hướng dẫn luận án tiến sĩ cho anh nhưng sau đó anh bỏ dở vì chuyển công việc sang Anh, kết hợp với việc tìm hiểu sách báo, tư liệu, đã cho bạn đọc biết sâu về lịch sử người Do Thái ở Ba Lan, và nói chung châu Âu, trên dòng lịch sử hiện đại. Số phận của họ là luôn bị ruồng rẫy và xua đuổi và tàn sát ở những quốc gia mà họ đã hết sức cố gắng hội nhập và đã có nhiều đóng góp quý giá. Cuộc diệt chủng người Do Thái thời phát xít Đức còn để lại vết nhơ và vết đen khủng khiếp trong lịch sử châu Âu. Trên cổng vào lò thiêu Auschwitz của Hitler còn có dòng chữ "Arbeit Macht Frei" (Lao Động đem lại Tự Do).
Nhắc chuyện này, Lý Thanh viết như một lời cảnh báo: "Châu Âu sẽ còn bị ám ảnh bởi cuộc tàn sát bằng công nghệ lò thiêu và các khẩu hiệu mỹ miều về "lao động" của cánh tả và "tự do" của cánh hữu. Ý thức hệ chỉ là những con chữ nhưng có tiềm năng gây tội ác khôn lường. Cộng với khả năng hủy diệt của vũ khí ngày càng mới, đâu là mục đích thực sự của phát triển, tiến bộ? Nhân loại cần ghi nhớ rằng với mỗi "bước tiến" người ta lại có thêm cái cớ nào đó, cũ và mới, để giết nhau". (tr. 104).
Những tản văn trong sách này của Lý Thanh, như vậy, không chỉ đọc để vui, để biết, mà còn để ngẫm, để lo, và cũng để tin như tác giả vào các giá trị bao dung, dân chủ của xã hội văn minh. Muốn thế, theo Lý Thanh, "chúng ta cần phải nghĩ nhiều hơn."
Vui lòng nhập nội dung bình luận.