Dân Việt

Chuyển việc cấp giấy phép lái xe sang Bộ Công an, hơn 2.000 người bị ảnh hưởng công ăn việc làm

Thế Anh 16/09/2021 10:39 GMT+7
Mới đây, tại cuộc họp giữa Bộ Công an và Bộ GTVT về việc tách Luật Giao thông đường bộ, 2 Bộ này đã thống nhất việc đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe chuyển sang Bộ Công an quản lý.

Cụ thể, tại dự thảo sửa đổi Luật Giao thông đường bộ, Bộ GTVT thống nhất tiếp tục xây dựng theo hướng tách thành 2 luật, chuyển cơ quan quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe sang Bộ Công an quản lý.

Đây là vấn đề gây ra rất nhiều tranh cãi giữa các chuyên gia, dư luận và cả trên nghị trường tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 10/2020, khi góp ý cho dự thảo luật này, đa số các đại biểu Quốc hội không đồng ý với đề xuất nêu trên.

Đáng chú ý, việc đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe chuyển sang Bộ Công an quản lý, sẽ có hàng nghìn cán bộ, nhân viên của ngành GTVT đang công tác trong lĩnh vực sát hạch giấy phép lái xe có nguy cơ bị mất việc, thất nghiệp.

Chuyển việc cấp giấy phép lái xe sang Bộ Công an, hơn 2.000 cán bộ có thể mất việc - Ảnh 1.

Việc đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe chuyển sang Bộ Công an quản lý. Ảnh: Bạch Long

Để làm rõ vấn để này, trao đổi với PV Dân Việt, ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Quản lý phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ) xác nhận tại cuộc họp giữa Bộ Công an và Bộ GTVT, hai bên đã thống nhất chuyển việc đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe sang Bộ Công an quản lý và đang lấy ý kiến các Bộ, ngành để tháng 10 tới trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Khi được hỏi về việc có chuyển hết cán bộ, nhân viên, hệ thống trường đào tạo sát hạch giấy phép lái xe sang Bộ Công an (?), ông Thống cho hay: "Thủ tục chuyển đổi đều thực hiện theo nội dung đã thống nhất giữa hai Bộ. Về hệ thống trường đào tạo, hệ thống kỹ thuật, công nghệ... đều chuyển hết sang Bộ Công an. Tuy nhiên, về nhân lực là cán bộ, nhân viên thì không chuyển".

Theo ông Thống, sau khi tách thành 2 luật, Bộ GTVT sẽ chuyển hết các nhiệm vụ về đào tạo sát hạch giấy phép lái xe sang Bộ Công an. Tuy nhiên, nhân lực của ngành GTVT thì ngành GTVT phải tự lo công việc cho họ. Đây là nội dung đã được đưa ra tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 10/2020.

"Việc này sẽ làm ảnh hưởng tới hơn 2.000 người, nếu sắp xếp chuyển được ai sang việc khác thì chuyển, còn không thì có người sẽ phải nghỉ việc, hoặc nghỉ hưu sớm", ông Thống chia sẻ.

Hiện nay, Bộ GTVT đã hoàn thiện dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi và gửi lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương. Trong dự thảo, Bộ GTVT bảo lưu quan điểm tách Luật Giao thông đường bộ hiện hành thành 2 luật.

Chuyển việc cấp giấy phép lái xe sang Bộ Công an, hơn 2.000 cán bộ có thể mất việc - Ảnh 2.

Hơn 2.000 cán bộ, nhân viên cần được sắp xếp về công việc. Ảnh: Viết Long

Theo đó, Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) do Bộ GTVT xây dựng, chỉ điều chỉnh các nội dung liên quan tới kết cấu hạ tầng, phương tiện, vận tải và quản lý nhà nước về giao thông đường bộ. Phần quy định về an toàn giao thông, đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe, cấp và thu hồi đăng ký xe... được tách đưa vào Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an xây dựng.

Cũng tại dự thảo này, khi tách thành 2 luật, Luật Giao thông đường bộ sửa đổi sẽ không còn nội dung về quy tắc giao thông và người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.

Ngoài ra, dự thảo của Bộ GTVT cũng đề cập tới nguồn tài chính để đầu tư, xây dựng, quản lý, bảo trì, có ý kiến đề nghị quy định đi kèm với việc thu phí đường cao tốc thì phải quy định xây dựng các công trình song hành để cho người dân lựa chọn.

Đồng thời, Bộ GTVT đề nghị bổ sung quy định tạo nguồn thu với các dự án dùng ngân sách đầu tư đường giao thông; giá trị gia tăng của đất đai khi mở đường phải được thu hồi, đưa trở lại ngân sách nhà nước và được dùng để tái đầu tư cho giao thông vận tải.

Phí sử dụng đường bộ hiện hành đang quy định thu trên đầu phương tiện, có ý kiến đề nghị quy định không nên đánh đồng gây bất bình đẳng vì có nơi được đầu tư, có nơi không được đầu tư.

Bộ GTVT cho biết, ngoài các tuyến đường hiện có đã đảm bảo nhu cầu đi lại bình thường của người dân, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, kết nối các vùng kinh tế trọng điểm, nhà nước sẽ đầu tư, xây dựng đường cao tốc để rút ngắn thời gian lưu thông, vận chuyển người và hàng hóa. Vì vậy, người dân có quyền lựa chọn tuyến đường khi tham gia giao thông phù hợp với nhu cầu đi lại.