Hôm nay (17/9), Bộ NNPTNT tổ chức Hội nghị trực tuyến về phòng, chống dịch bệnh động vật các tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Tham dự Hội nghị có 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố. Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến chủ trì hội nghị.
Kiểm soát tốt dịch bệnh
Theo ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT), từ đầu năm 2021 đến nay, về cơ bản các loại dịch bệnh động vật cơ bản được kiểm soát tốt, đặc biệt là bệnh cúm gia cầm, dịch tả lợn châu Phi, tai xanh, lở mồm long móng.
Tuy nhiên bệnh viêm da nổi cục ở trâu bò và chủng mới của bệnh cúm gia cầm đã và đang lây lan trên phạm vi diện rộng. Như bệnh viêm da nổi cục đã xuất hiện tại 51 tỉnh thành trên phạm vi cả nước, buộc phải tiêu hủy số lượng lớn trâu, bò với gần 25.000 con.
Cục Thú y nhận định từ nay đến cuối năm 2021, đầu năm 2022, nguy cơ xảy ra các loại dịch bệnh là rất cao với nhiều lí do như tổng đàn gia súc, gia cầm hiện nay rất lớn (hơn 515 triệu con gia cầm, gần 27 triệu con lợn, 10 triệu con trâu bò và diện tích nuôi thủy sản gia tăng); Chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản nhỏ lẻ chiếm tỷ trọng lớn.
Các loại mầm bệnh còn lưu hành với tỷ lệ cao, ở phạm vi rộng, trong đó có các loại mầm bệnh tồn tại lâu ngoài môi trường như dịch tả lợn châu Phi và lây lan nhanh, rộng do các véc tơ truyền bệnh như viêm da nổi cục.
"Công tác phòng, chống dịch bệnh động vật thời gian qua bị ảnh hưởng rất lớn do dịch bệnh Covid-19, nhất là việc tổ chức tiêm các loại vaccine phòng bệnh bị hạn chế, thậm chí nhiều nơi không tiêm được. Nhu cầu vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật các tháng cuối năm tăng mạnh, trong khi giết mổ nhỏ lẻ chiếm đa số. Bên cạnh đó, thời tiết biến động bất lợi (mưa, rét ở các tỉnh phía Bắc, miền Trung), tạo điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển, lây lan", ông Long cho biết.
Theo ông Long, nhận định được những nguy cơ dịch bệnh, Bộ NNPTNT đã kịp thời tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các chương trình quốc gia làm cơ sở triển khai phòng chống dịch bệnh. Đồng thời Bộ đã thường xuyên thành lập các đoàn công tác cũng như tổ chức các hội nghị để quán triệt, hướng dẫn các địa phương trong triển khai phòng chống dịch bệnh.
Theo đó, các địa phương cần khẩn trương rà soát tiêm phòng, tiêm phòng bổ sung cho đàn gia súc với những bệnh đã có vaccine như cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh, đặc biệt là bệnh viêm da nổi cục…
Với đặc thù chăn nuôi nhỏ lẻ, mầm bệnh còn lưu hành nhiều, các địa phương cần chủ động phòng bệnh bằng các biện pháp vệ sinh, sát trùng, tiêu độc thường xuyên, đặc biệt là những tháng cuối năm. Thường xuyên giám sát, chủ động phát hiện những ca bệnh mới để kịp thời xử lý triệt để, tránh để phát tán.
Đặc biệt, phải đẩy mạnh phát triển các chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Đây là giải pháp hiệu quả nhất, chi phí thấp nhất để phát triển chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản với sản lượng, chất lượng cao nhất không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Công tác nghiên cứu vaccine dịch tả lợn châu Phi hiện nay đã tiến tới bước cuối cùng.
Hiện Bộ NNPTNT đã thành lập Hội đồng khoa học, thực hiện khảo nghiệm trong tháng 11 theo dự kiến. Kết quả mang lại rất khả quan mang đến hi vọng vaccine sẽ được phép lưu hành theo quy định trong năm 2021.
Bên cạnh đó, Bộ NNPTNT đã chỉ đạo 3 đơn vị doanh nghiệp phối hợp với các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, kiểm nghiệm vaccine viêm da nổi cục theo quy định. Nhiều chuyên gia đã hy vọng cuối năm 2021, đầu năm 2022 sẽ có vaccine viêm da nổi cục tại Việt Nam.
Kiểm soát chặt dịch bệnh trong điều kiện sản xuất mới
Thứ trưởng Bộ NNPTNT nhận định, trong 8 tháng đầu năm 2021, nhờ có sự chủ động, nhận định tình hình các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên vật nuôi và trên thủy sản đã có những kết quả nhất định.
Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng số lượng đàn gia súc, gia cầm và quy mô thủy sản rất lớn. Do vậy ảnh hưởng của dịch bệnh rất đáng quan tâm.
Đối với dịch tả lợn châu Phi đã làm tốt công tác an toàn sinh học, tuy nhiên còn rất nhiều nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, tỷ lệ tiêu hủy tương đối lớn, gần gấp đôi năm 2020.
Đối với gia cầm, ngoài chủng cũ cũng đã xuất hiện chủng mới như cúm A/H5N6, A/H5N8 gây ảnh hưởng đến việc xử lý, tiêu hủy các ổ dịch, do vậy số lượng tiêu hủy trên 400.000 con.
Nói về nguyên nhân của dịch bệnh, ông Tiến cho rằng, do ảnh hưởng của việc thu hoạch chậm, tiêu thụ khó khăn gây ra dịch bệnh.
"Trong bối cảnh Covid-19 ảnh hưởng rất lớn lên ngành nông nghiệp, để chủ động phòng chống dịch bệnh tốt cho những tháng cuối năm thì công tác phòng, chống dịch bệnh trên vật nuôi và thủy sản có ý nghĩa hết sức quan trọng. Cần tổ chức sản xuất lại, đảm bảo lương thực từ nay đến cuối năm, đặc biệt chuẩn bị cho Tết Nguyên đán", ông Tiến nói.
Theo ông Tiến, khó khăn thách thức trước mắt là rất lớn, nhưng Bộ NNPTNT đã có những bước chủ động. Thứ nhất về triển khai Luật Thú y; thứ hai là các bệnh nguy hiểm trên vật nuôi và thủy sản đều nằm kế hoạch Quốc gia.
Thứ trưởng Tiến đề nghị, Cục Thú y bám sát kế hoạch Quốc gia về phòng, chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhập khẩu vaccine, cũng như tổ chức, giám sát chặt chẽ vùng an toàn dịch bệnh.
Do tác động của Covid-19, 40% doanh nghiệp giảm doanh thu, nửa số người lao động mất việc làm, giảm thu nhập đã ảnh hưởng rất lớn. Ông Tiến đề nghị các địa phương, tạo điều kiện tối đa cho người dân, Hợp tác xã, doanh nghiệp được hỗ trợ về vốn, giãn nợ, cơ chế chính sách để phục hồi sản xuất.
Thứ trưởng Tiến cũng đề nghị các địa phương ưu tiên tiêm vaccine Covid-19 cho nông dân, người lao động làm trong các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp để nhanh chóng bắt tay vào khôi phục sản xuất, đảm bảo an toàn dịch bệnh.