Phiên họp đã tập trung thảo luận, cho ý kiến vào nhiều nội dung liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Ninh như: Tình hình giải ngân vốn đầu tư công; Đề án thành lập thị xã Quế Võ trực thuộc tỉnh Bắc Ninh; Sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 147 ngày 6/12/2018 của HĐND tỉnh về việc ban hành quy định hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp...
Theo Đề án thành lập thị xã Quế Võ và thành lập các phường thuộc thị xã Quế Võ thông qua tại phiên họp, dự kiến, thị xã Quế Võ được thành lập trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số và đơn vị hành chính cấp xã của huyện. 11 xã sẽ lên phường, đó là: Phố Mới, Việt Hùng, Bằng An, Phượng Mao, Phương Liễu, Đại Xuân, Nhân Hòa, Quế Tân, Phù Lương, Bồng Lai, Cách Bi.
Cũng theo đề án, thị xã Quế Võ cùng với thành phố Bắc Ninh, thành phố Từ Sơn và thành phố Chí Linh trở thành chuỗi đô thị liên hoàn, có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng phía Bắc của thủ đô Hà Nội. Đây cũng là tiền đề quan trọng, góp phần sớm đưa tỉnh Bắc Ninh trở thành đô thị loại I, thành phố trực thuộc Trung ương trong thời gian tới.
Sau khi xem xét, tham vấn các ngành, bà Nguyễn Hương Giang, Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý chủ trương thành lập thị xã Quế Võ; Thống nhất với các Đề án, báo cáo tờ trình của Sở Xây dựng về điều chỉnh quy hoạch chung đô thị phố Mới, đô thị Lim và vùng phụ cận; Điều chỉnh chương trình phát triển đô thị đến năm 2030; đề án thí điểm tăng cường nhân lực quản lý xây dựng trên địa bàn các huyện.
Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Xây dựng tiếp thu các ý kiến đóng góp, trình Bộ Xây dựng công nhận tiêu chuẩn đô thị khu vực dự kiến thành lập thị xã Quế Võ và các phường; Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp các sở, ngành, địa phương tham mưu tỉnh nội dung đề xuất với Trung ương các tỉnh thành lân cận đầu tư kết cấu hạ tầng kết nối Thủ đô Hà Nội và các địa phương.
Tính đến ngày 13/9, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công toàn tỉnh đạt 59,86%. Trong đó, vốn ngân sách tỉnh đạt 48,63%; vốn ngân sách huyện, xã đạt 67,83%. Trên cơ sở phân tích những khó khăn, thuận lợi trong quá trình triển khai, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Tổ công tác của tỉnh tiếp tục rà soát, giải quyết khó khăn và đôn đốc tiến độ giải ngân, kiên quyết đạt mục tiêu 100%.
Các công trình đã được bố trí vốn phải cam kết triển khai theo đúng tiến độ; khi được bàn giao mặt bằng phải tiến hành ngay việc xây lắp. Đối với các chủ đầu tư không đảm bảo tiến độ sẽ có chế tài xử lý theo quy định.
Từ ngày 31/8 đến 17/9, toàn Bắc Ninh ghi nhận 38 ca mắc Covid–19 (Tiên Du 23 ca, thị xã Từ Sơn 9 ca, Thuận Thành 1 ca, 5 ca từ vùng dịch thành phố Hồ Chí Minh). Tỉnh Bắc Ninh đã tiêm gần 522.000 liều vaccine cho hơn 313.000 người, trong đó gần 209.000 người đã tiêm đủ 2 mũi.
Cùng với việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, ngành Y tế tổ chức thẩm định kế hoạch triển khai khi có 10.000 ca mắc đối với các sở, ngành, địa phương; tuyên truyền, hướng dẫn người dân tự lấy mẫu và làm xét nghiệm nhanh tại nhà; bố trí nhân lực hỗ trợ tiêm phòng và lấy mẫu làm xét nghiệm cho người dân Gia Lâm (Hà Nội)...
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang cho biết, lãnh đạo tỉnh đã và đang rất nỗ lực tiếp cận nguồn vaccine với mong muốn để người dân Bắc Ninh được tiêm vaccine trong thời gian sớm nhất.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch, chủ động ứng phó với mọi tình huống. Các Trung tâm chỉ huy cấp huyện, cấp xã phải đảm bảo người thường trực 24/7.
Chỉ đạo nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý nhà nước và nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư công; chuẩn bị các nội dung trình Kỳ họp thứ Ba, HĐND tỉnh.
Chủ động các phương án phòng, chống úng khi có mưa lớn xảy ra; triển khai kế hoạch sản xuất cây vụ Đông; thực hiện tiêm phòng đại trà cho đàn gia súc, gia cầm vụ Thu - Đông và thực hiện Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường.