Đúng theo kế hoạch của Bộ GDĐT, ngày 15/9 vừa qua, các trường đại học trên cả nước lần lượt công bố điểm chuẩn trúng tuyển theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021.
Tuy nhiên, điều bất ngờ năm nay là điểm chuẩn vào nhiều ngành ở các trường tăng cao so với năm 2020. Thậm chí có ngành "lạm phát điểm chuẩn" tăng gần 9 điểm đã gây "sốc" cho nhiều thí sinh. Vì điểm chuẩn tăng và tính toán các nguyện vọng đăng ký chưa hợp lý, quá ít hoặc không có nguyện vọng "chống trượt" nên không ít thí sinh dù điểm thi khá cao nhưng vẫn trượt.
Ngay sau khi biết điểm chuẩn đại học, số thí sinh trượt nguyện vọng yêu thích này đã vô cùng hoang mang, rối bời đặt câu hỏi khi phải đứng giữa 2 sự lựa chọn: Học ngành/trường không thích hay là nghỉ học 1 năm để ôn năm sau thi lại.
Trao đổi với Dân Việt về việc tư vấn cho thí sinh, PGS. TS Trần Trọng Nguyên, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển bày tỏ: "Tôi có một số lời khuyên với các thí sinh. Trước hết, khi đăng ký nguyện vọng đại học, thí sinh nên chọn ngành nghề yêu thích.
Nếu đỗ vào ngành yêu thích ở trường nào đó, các em yên tâm vì chất lượng đào tạo gần tương đương nhau. Tại Học viện, nhiều em tâm sự rằng đã thi trượt các trường yêu thích nhưng sau khi vào đây học mới biết lựa chọn của mình là đúng đắn.
Nói phải học ngành "không yêu thích" thì chưa đúng vì các em đã đăng ký nguyện vọng chứng tỏ đã có ít nhiều yêu thích ngành đó, chỉ là không phải "thích nhất".
Khi đã đỗ nguyện vọng rồi, các em nên tìm hiểu và khám phá ngành, trường đó. Theo quy định của Bộ GDĐT, sau năm học thứ nhất, sinh viên có thể đăng ký học chuyên ngành thứ 2 mình yêu thích trong trường, nếu sắp xếp được thời gian".
Trao đổi với PV, Trần Hữu Trí, cựu sinh viên ngành Công nghệ thông tin, thủ khoa tốt nghiệp năm 2021 Đại học Bách Khoa Hà Nội chia sẻ: "Mình nghĩ một ngành, có rất nhiều lựa chọn ở các trường đại học khác nhau với các mức điểm khác nhau từ cao đến thấp.
Một số bạn đặt nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2 ở 2 ngành khác hẳn nhau thì có thể do bạn đặt nguyện vọng vì điểm chuẩn, muốn đỗ ngành có điểm chuẩn cao nhất trong khả năng.
Cũng có một số bạn để nguyện vọng 2 là ngành gần với nguyện vọng 1, mình nghĩ các bạn nên lạc quan học tiếp vì chúng sẽ có nên tảng khá giống nhau và đủ đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Ví dụ như nhiều sinh viên học Tự động hóa ở trường ĐH Bách Khoa Hà Nội vẫn có thể làm về Công nghệ thông tin mà không gặp quá nhiều khó khăn.
Kết luận chung là các bạn nên học tiếp, việc thi lại sẽ khá tốn thời gian và rủi ro. Có thể bây giờ các bạn vẫn hừng hực khí thế nhưng ôn thi lại được 2, 3 tháng dễ nản rồi lại nuối tiếc. Các bạn hãy nhập học, học thử trước để cho mình và ngành đó cơ hội tìm hiểu. Nếu không, lúc đó bạn nghĩ đến việc bỏ ngành để thi lại cũng chưa muộn".