Giáo dục hot nhất tuần qua: 30 điểm vẫn có nguy cơ trượt đại học, xôn xao thầy “đuổi” trò khỏi lớp online

A.T (t/h) Chủ nhật, ngày 19/09/2021 19:00 PM (GMT+7)
Điểm chuẩn tăng mức kỷ lục khiến thí sinh ngỡ ngàng, giảng viên “đuổi” sinh viên khỏi lớp online vì nhờ giảng bài lại, FPT dự tính nuôi dạy 1.000 trẻ mồ côi… là những sự kiện giáo dục hot tuần qua.
Bình luận 0

Giáo dục hot nhất tuần qua: Vì sao điểm chuẩn tăng sốc?

Sự kiện gây chú ý nhất tuần qua là các trường đồng loạt công bố điểm chuẩn hôm 16/9, xuất hiện điểm chuẩn cao "vượt trần" ở một số ngành, nhiều trường tăng từ 8-11 điểm so với năm ngoái.

Có thể kể đến một số ngành lấy điểm chuẩn cao kỷ lục trên 30, ví dụ như ngành Sư phạm chất lượng cao của Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) điểm chuẩn là 30,5 hay ngành Xây dựng lực lượng CAND lấy điểm chuẩn lên tới 30,34 điểm đối với nữ, ngành Hàn Quốc học của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tiếp tục lấy điểm chuẩn 30.

Giáo dục "hot" nhất tuần qua: 30 điểm vẫn có nguy cơ trượt đại học, xôn xao thầy “đuổi” trò khỏi lớp online - Ảnh 1.

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tại Hà Nội. Ảnh minh họa: P.H

Theo lý giải của đại diện 3 trường trên, thực tế phần lớn thí sinh xét tuyển ngành này đều chưa đạt 30 điểm và có điểm cộng ưu tiên thì mới vượt qua ngưỡng điểm chuẩn trường đã đưa ra.

Mức điểm chuẩn khiến dư luận "té ngửa", thí sinh… ngỡ ngàng, bởi đối với các thí sinh không có điểm cộng, khả năng 30 điểm vẫn trượt đại học là có thể xảy ra.

Mùa tuyển sinh năm 2021 cũng ghi nhận cú sốc tâm lý của rất nhiều thí sinh trượt nguyện vọng yêu thích, hoặc trượt tất cả các nguyện vọng bởi không lường trước được điểm chuẩn tăng chóng mặt, đa số là các trường top giữa.

Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đang có mức tăng điểm gây sốc nhất hiện nay. 26/27 ngành của trường có điểm trúng tuyển cao hơn năm ngoái. Trong đó, 11 ngành có mức tăng từ 8 điểm trở lên. Điểm chuẩn Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội có ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng tăng đến 9 điểm, từ 16 lên 25 điểm. Một số ngành khác cũng tăng cao là ngành Luật (tăng 9 điểm), Ngôn ngữ Anh (9 điểm), Bất động sản (tăng 8 điểm)...

Có 3 lý do được đề cập đến khi điểm chuẩn đại học 2021 tăng mạnh, đó là số lượng thí sinh dự thi năm nay tăng vọt so với năm trước (xấp xỉ 11%), trong khi chỉ tiêu không tăng đột biến; các đơn vị đào tạo cũng tự chủ trong việc xét tuyển và ngày càng sử dụng nhiều phương thức xét tuyển khác ngoài kết quả thi THPT như xét học bạ, đánh giá năng lực, không ít trường có đến gần 50% thí sinh trúng tuyển dạng này, tạo áp lực lên tỷ lệ chọn trúng tuyển từ kết quả thi THPT ngày càng lớn và đẩy điểm trúng tuyển lên cao; cuối cùng là đề thi dễ so với những năm trước đây do tình hình dịch bệnh.

Xôn xao giảng viên đuổi học sinh khỏi lớp học online vì nhờ thầy giảng lại bài

Những ngày vừa qua, trên diễn đàn của cộng đồng sinh viên Thủ Đức xuất hiện một clip ghi lại một buổi học trực tuyến của khoa Điện – Điện tử - Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM, trong đó một sinh viên đề nghị "Dạ bên em mưa to quá em nghe không rõ, thầy có thể nhắc lại được không ạ?".

Giáo dục "hot" nhất tuần qua: 30 điểm vẫn có nguy cơ trượt đại học, xôn xao thầy “đuổi” trò khỏi lớp online - Ảnh 2.

Ảnh chụp màn hình lớp học xảy ra vụ việc tại trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM. Ảnh: CMH

Giảng viên ngay lập tức nổi giận cho rằng: "Mưa to quá thì học làm gì, đi ngủ đi hén. Việc to hay không thì anh tự giác lấy tai phone đeo vô chứ mắc mớ gì mưa to tôi phải giảng nhiều lần", và đuổi sinh viên này ra khỏi lớp. Giảng viên này còn có lời lẽ đe dọa như "bóp cổ" và bắt từng người xác nhận có đủ tai, miệng và giác quan như người bình thường.

Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM xác nhận clip giảng viên đuổi sinh viên ra khỏi lớp trực tuyến và có lời lẽ không chuẩn mực khi sinh viên này đề nghị được giảng lại bài vì nghe chưa rõ, là có thật. Trường cho rằng clip bị cắt ghép chưa phản ánh đúng toàn bộ bối cảnh sự việc nhưng nhiều sinh viên khẳng định, trường nói "clip bị cắt bớt chưa phản ánh đúng toàn bộ bối cảnh sự việc" là không thỏa đáng.

Vị giảng viên hôm nay đã thừa nhận sai sót và xin lỗi vì dùng "ngôn từ chưa phù hợp" trong vụ đuổi nam sinh ra khỏi lớp online.

Cô giáo chửi học sinh trong lớp học online vì cho rằng bị "xúc phạm"

Các ngành chức năng ở Quảng Trị đang làm rõ vụ việc cô giáo buông lời mạt sát học sinh. Giáo được xác định là Trần Thị Hải Y., giáo viên Trường THPT Cam Lộ. Học sinh bị cô giáo chửi là Phạm Thị Hà G., lớp 11A5, THPT Cam Lộ.

Giáo dục "hot" nhất tuần qua: 30 điểm vẫn có nguy cơ trượt đại học, xôn xao thầy “đuổi” trò khỏi lớp online - Ảnh 3.

Trường THPT Cam Lộ - nơi cô giáo Trần Thị Hải Y. đang công tác. Ảnh: Đoàn trường THPT Cam Lộ.

Theo tường trình của cô giáo Y., trong khi cô đang giảng bài trong lớp học trực tuyến thì "em G. có lời lẽ tục tĩu, hỗn láo với cô khiến cô bức xúc, không giữ được bình tĩnh nên cô phát ngôn thiếu chuẩn mực như clip phát tán trên mạng".

Em G. phủ nhận sự việc và cho biết bản thân không tham gia lớp học trực tuyến. Tuy nhiên, 3 học sinh trong ban cán sự lớp 11A5 xác nhận, em G. có tham gia lớp học trực tuyến đó.

"Trước mắt nhà trường đã yêu cầu cô Y. viết bản kiểm điểm, sau đó sẽ căn cứ quy định để xử lý", ông Trần Công Sơn - Hiệu trưởng Trường THPT Cam Lộ nói.

Bé gái tử vong thương tâm, nghi do bị bạo hành

Một vụ việc rúng động tuần qua là vụ bé gái 6 tuổi tử vong tại phường Xuân Đỉnh, Hà Nội, khi bị tạm giữ bố bé gái thừa nhận trước đó đánh con bằng đũa. Vụ việc khiến các chuyên gia rất xót xa, cho rằng, cha mẹ nên kiềm chế cảm xúc của mình và học kỹ năng dạy con.

TS Nguyễn Tùng Lâm (Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội) bày tỏ, vụ việc xảy ra vô cùng đau lòng khi bé gái còn nhỏ tuổi, người cha cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

"Hành vi đánh trẻ không phải nhằm thỏa cơn tức giận của mình để rồi gây ra những sai lầm mù quáng. Trong sự việc này, người cha phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, về đạo lý thì anh ta phải đối diện nhiều điều tiếng. Điều đau lòng nữa cháu bé không thể sống lại được, đó là nỗi ân hận cả cuộc đời người cha", TS. Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ.

FPT dự định mở trường nuôi dạy 1.000 trẻ mồ côi do Covid-19

Mới đây, Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT Trương Gia Bình công bố thành lập trường và chu cấp toàn bộ việc nuôi dưỡng, đào tạo 1.000 em nhỏ mất cha, mẹ vì Covid-19. Dự kiến địa điểm tại FPT City Đà Nẵng - một khu đô thị thông minh, hiện đại với hạ tầng hoàn chỉnh.

Giáo dục "hot" nhất tuần qua: 30 điểm vẫn có nguy cơ trượt đại học, xôn xao thầy “đuổi” trò khỏi lớp online - Ảnh 4.

Theo kế hoạch, Khu đô thị Công nghệ FPT City Đà Nẵng (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) sẽ là nơi Tập đoàn FPT dùng để đào tạo các em từ lớp 1 đến 12 và cả đại học. Ảnh: FPT City

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch tập đoàn FPT cho biết: "Với các em nhỏ mất cha mẹ do Covid-19, tôi mong muốn tạo ra một môi trường để các em được học tập, rèn luyện, biến đau thương thành sức mạnh chinh phục những đỉnh cao. Chúng tôi cam kết giúp các em học tập theo chương trình phổ thông, đại học FPT và học lên cao hơn nếu có nguyện vọng".

Ngay sau khi thông tin được chia sẻ, đa phần ý kiến đều cho rằng đây là một sáng kiến đầy tính nhân văn của Chủ tịch FPT.

PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: "Đây là nghĩa cử rất cao đẹp, thể hiện cái tâm của người doanh nhân Việt Nam muốn tạo ra những giá trị cho xã hội, muốn thể hiện trách nhiệm xã hội của từng công dân trong điều kiện của mình".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem