Tại buổi đối thoại, đại diện công ty Kingdom Giang Điền (doanh nghiệp đang thực hiện "3 tại chỗ") bày tỏ mong muốn tỉnh Đồng Nai sớm có các phương án, chính sách cụ thể về việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.
Điện công ty này cho biết, "3 tại chỗ" vẫn khó giải phóng cho người lao động mà có nguy cơ kéo dài thêm nữa. Do đó, cần có thêm các quy chế tạo điều kiện cho công nhân có hoàn cảnh đặc biệt, có lý do chính đáng được về nhà. Bởi lúc đầu đi làm, doanh nghiệp và người lao động đều nghĩ chỉ đi khoảng nửa tháng nhưng nay đã qua tháng thứ 3 vẫn chưa được trở về nhà nên cũng rất khó khăn cho công nhân. Hiện có trên 10 công nhân xin nghỉ không hưởng lương và chấm dứt hợp đồng nhưng công ty vẫn chưa giải quyết được để cho họ về nhà, hàng ngày công ty vẫn phải sắp xếp cho công nhân ở riêng, lo ăn ở chu đáo và test Covid-19 theo định kỳ rất tốn kém...
Đại diện tập đoàn Phong Thái bày tỏ mong muốn tỉnh Đồng Nai ưu tiên tiêm vaccine Covid-19 cho người lao động. Bên cạnh đó là lên phương án hỗ trợ việc đi lại của công nhân sao cho phù hợp, đảm bảo an toàn cho doanh nghiệp. Đặc biệt hiện nay mỗi tháng Phong Thái vẫn phải trả trên 300 tỷ đồng tiền lương cho người lao động nên doanh nghiệp muốn sớm hoạt động ổn định sản xuất trở lại để có thể đảm bảo được đời sống cho người lao động.
Còn ông Wu Ming Ying, Hội trưởng Hiệp hội thương mại Đài Loan tại Đồng Nai cũng bày tỏ mong muốn Đồng Nai tạo điều kiện sớm tiêm chủng vaccine cho người lao động. Bởi theo kế hoạch trở lại trạng thái bình thường mới thì công nhân muốn đi làm phải được tiêm từ 1 mũi vaccine phòng Covid-19. Do đó, việc ưu tiên vaccine cho công nhân tại các doanh nghiệp cần được đặt lên hàng đầu.
Tại hội nghị, đa số các doanh nghiệp đều mong muốn sớm trở lại hoạt động sản xuất trong môi trường an toàn. Doanh nghiệp được địa phương đồng hành hỗ trợ trong mọi mặt trên đà phục hồi lại sản xuất. Bên cạnh đó các doanh nghiệp mong muốn sớm có phương án giải phóng doanh nghiệp "3 tại chỗ", đưa ra kế hoạch để công nhân ở nhà có thể được đi làm nhưng vẫn an toàn.
Trước những ý kiến của doanh nghiệp, ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm đến các doanh nghiệp. Khi có vaccine về, Đồng Nai sẽ ưu tiên cho các doanh nghiệp tiêm chủng cho công nhân để hoạt động sản xuất an toàn.
Đối với việc lưu thông hàng hoá, ông Dũng nhấn mạnh: Đồng Nai luôn cố gắng tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp, không để xảy ra tình trạng cản trở lưu thông hàng hoá. Tỉnh đã giao cho cho công an và Sở Giao thông Vận tải cấp phép luồng xanh để doanh nghiệp vận chuyển hàng thuận lợi nhất. Trong quá trình sản xuất, nếu doanh nghiệp xuất hiện F0 thì phải chủ động bóc F0 xác định F1 rồi báo cho ngành y tế để đưa F0 và F1 đi cách ly.
"Chúng tôi vẫn đang cố gắng thí điểm các phương án vùng xanh, nới lỏng giãn cách để phục vụ tốt nhất cho doanh nghiệp. Sau đó tỉnh sẽ đánh giá lại kế hoạch "mở cửa" để có thể đưa ra phương án tốt nhất. Tương lai gần nhất Đồng Nai sẽ quy định vùng đỏ, cam, vàng nhỏ hơn theo khu phố, ấp. Nếu khu vực nào sát đường lớn, không phải đi ngang qua vùng đỏ sẽ tính toán để cho thành vùng xanh, giúp công ty dễ hơn trong hoán đổi công nhân", ông Cao Tiến Dũng nhấn mạnh.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Nai đánh giá cao các doanh nghiệp đã cố gắng sản xuất, không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hoá. Ông Lĩnh cho biết, địa phương rất thấu hiểu và sẻ chia khó khăn cùng các doanh nghiệp. Mặc dù giai đoạn này các doanh nghiệp đang khó khăn nhưng vẫn đồng hành cùng địa phương trong công tác phòng chống dịch.
Cũng theo ông Nguyễn Hồng Lĩnh, tỉnh Đồng Nai gặp rủi ro cao trong đại dịch vì là tỉnh phát triển công nghiệp. Nhiều cơ sở vật chất của doanh nghiệp xây dựng từ rất lâu nên điều kiện ứng phó với dịch bệnh cũng kém hiện đại hơn. Do đó, tỉnh Đồng Nai sẽ cố gắng không để dịch bùng phát. Cần xem doanh nghiệp là một pháo đài, chủ doanh nghiệp phải bảo vệ được doanh nghiệp của mình, không để dịch bệnh tấn công.
"Doanh nghiệp tự đưa ra kế hoạch cho mình, Nhà nước không can thiệp vào hoạt động và phương án chống dịch của doanh nghiệp. Lãnh đạo doanh nghiệp phải tự quyết định sinh mạng của doanh nghiệp trong đại dịch, quan trọng nhất người lao động có an toàn hay không. Bảo vệ người lao động tức là bảo vệ sự bền vững của doanh nghiệp. Nhà nước sẽ hỗ trợ tiêm vaccine cho người lao động, hỗ trợ cách ly F1, điều trị F0. Tỉnh sẽ giúp doanh nghiệp xét nghiệm chi phí thấp nhất, nhanh nhất và test theo kế hoạch của doanh nghiệp. Đối với ý kiến của doanh nghiệp sẽ bàn bạc cụ thể với lãnh đạo tỉnh để đưa ra các quyết sách phù hợp", ông Lĩnh nói.