Mấy ngày qua, dư luận xôn xao hàng loạt vụ việc xảy ra giữa thầy và trò khi học online như một giảng viên nói lời khiếm nhã khi sinh viên xin nghỉ học vì nhà có chuyện buồn, giảng viên đuổi học nam sinh ra khỏi lớp trực tuyến vì đề nghị được giảng lại, hay cô giáo chửi học sinh trong lớp học trực tuyến vì "bị xúc phạm"...
Chia sẻ với PV báo Dân Việt về những thông tin trên, TS Nguyễn Thị Thu Huyền cho hay: "Những sự việc đáng tiếc gần đây của nhiều giáo viên ở các cấp học về sự thiếu khéo léo, thậm chí thiếu tác phong, chuẩn mực sư phạm khi dạy học online, một lần nữa, giáo giới có cơ hội cảnh tỉnh và răn mình nhiều hơn trong việc giáo dục học sinh".
Dưới đây là toàn bộ chia sẻ của TS Nguyễn Thị Thu Huyền với Dân Việt.
"Bản thân tôi là một giảng viên đại học rồi chuyển sang làm giáo viên ở phổ thông, tôi cũng từng phạm những sai lầm nhất định trong nghề. Nhiều năm trôi qua, sự ân hận, day dứt vẫn còn mãi.
Đó là một lần gần ngày 20/11, tôi có lớp dạy với sinh viên Sư phạm. Dù tôi dặn dò kỹ nhưng không một nhóm nào chuẩn bị thiết bị, phần thuyết trình thì sơ sài, tinh thần cả lớp lơ là. Cuối buổi, tôi nhận xét nghiêm khắc và đề nghị chấn chỉnh ngay thái độ học tập.
Tôi nói xong thì một em đại diện cả lớp lên tặng món quà nhân dịp 20/11. Tôi thẳng thừng không nhận và đi ra khỏi lớp. Xuống văn phòng khoa, tôi xổ ra một tràng than phiền nhưng nói vừa xong thấy em lớp trưởng đứng ngây người, mắt đỏ hoe. Em lắp bắp xin lỗi và giải thích đây là quà đã chuẩn bị từ trước chứ không phải để xoa dịu cô. Phải nói là sau chuyện này, sự nóng tính của tôi vốn 10 phần phải giảm đi 5.
Sau này tôi sang Anh học, đồng nghiệp nói với tôi rằng, trong nội dung Classroom Management (Quản lý lớp học) dạy sinh viên Sư phạm và giáo viên nhiều nhất là về sự kiên nhẫn (patience). Làm giáo viên, không có phẩm chất này thì sớm muộn gì cũng thất bại hoặc bỏ nghề.
Lý do lớn nhất khiến giáo viên ở Anh bỏ nghề vì họ nhận ra, họ không đủ sự kiên nhẫn và không tự tin cải thiện nên từ bỏ nghề. Bởi nếu họ tiếp tục, rất có thể họ phạm sai lầm, mà sai lầm trong giáo dục là sai lầm khó tha thứ nhất.
Vẫn biết con người thì ai chẳng có lúc nóng giận nhưng giới hạn sự nóng giận với người làm nghề giáo thì hẹp hơn rất nhiều. Chúng ta cũng không có quyền dùng cái sai của học trò để bào chữa cho những vi phạm chuẩn mực nghề giáo của mình.
Học sinh ở đâu thì cũng đủ trò để thử thách sự kiên nhẫn của giáo viên. Hiểu điều đó để không "mắc bẫy thách thức" của học trò nghịch ngợm.
Thay vì tức giận, cùng lắm, giáo viên chỉ thể hiện sự không hài lòng, không thỏa hiệp và thiết lập lại ranh giới, thông báo cho trò biết không nên vượt qua ranh giới ấy. Hậu quả của hành vi vượt qua ranh giới (tức vi phạm các nguyên tắc lớp học) nên được báo trước cho học trò mà không bao giờ có chuyện đột ngột bắt học trò nhận hậu quả (từ thông thường hay dùng là hình phạt) mà không có lời giải thích, cảnh báo trước.
Trở lại câu chuyện của thầy giáo "bất ngờ nổi tiếng" vừa qua, tôi nghĩ đó là những giây phút thầy muốn quên đi nhất trong cuộc đời. Nó là bài học cho tất cả giáo viên về kiểm soát bản thân trong các tình huống dạy học. Giáo viên cần biết giới hạn của việc thể hiện thái độ của mình trong giáo dục. Khi giáo viên cần chỉnh đốn học trò, vẫn rất nghiêm để nói rõ điều mình không hài lòng. Tuy nhiên, chúng ta không nên tước bỏ cơ hội được giải bày của học trò, luôn cho trò cơ hội sửa sai và tuyệt đối không xúc phạm học trò.
Tôi cảm thấy nhiều giáo viên đang vượt qua giới hạn và kém khắt khe với bản thân trong lời ăn tiếng nói, cách ứng xử. Thầy giáo vừa qua nếu muốn nhắc nhở sinh viên của mình thì chỉ cần nói sinh viên lấy tai nghe hoặc nếu không có thì hỏi bài lại bạn. Nếu đó là tình huống nhiều sinh viên cũng gặp phải thì thầy record (ghi âm/ghi hình) lại phần giảng và gửi lại cho sinh viên.
Cách ứng xử này cho thấy giảng viên tự cho mình quyền được "dạy dỗ" học trò theo cách nào "tùy tôi" mà thiếu đi sự tôn trọng tối thiểu học trò như một cá nhân độc lập".