"Lạm phát" điểm chuẩn lên 30,5 điểm khiến thí sinh thành phố "chào thua" ở điểm cộng

Tào Nga Chủ nhật, ngày 19/09/2021 06:00 AM (GMT+7)
Trong cuộc cạnh tranh điểm chuẩn ở mức bằng hoặc trên tuyệt đối, thí sinh ở thành phố chắc chắn chịu thua vì không có điểm cộng. Vậy thí sinh muốn vào ngành yêu thích phải làm thế nào?
Bình luận 0

"Sốc" vì điểm chuẩn nhiều ngành cao vút

Kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2021 đã đi đến chặng đường cuối cùng. Các thí sinh đã biết ai trượt, ai đỗ ở nguyện vọng nào và đang chuẩn bị hồ sơ để đăng ký nhập học vào trường. Tuy nhiên, điểm đặc biệt gây chú ý trong mùa tuyển sinh năm nay là có nhiều ngành lấy điểm chuẩn quá cao, thậm chí có ngành vượt điểm tuyệt đối khiến thí sinh choáng vì đạt 30 điểm vẫn trượt đại học. 

Lạm phát điểm chuẩn lên 30,5 điểm khiến thí sinh thành phố "chịu thua" ở điểm cộng: Ý kiến từ nhà trường - Ảnh 1.

Điểm chuẩn Đại học Hồng Đức.

Ngành có điểm chuẩn khối C00 cao nhất năm nay gây xôn xao là ngành đào tạo đại học Sư phạm Ngữ văn chất lượng cao, Trường đại học Hồng Đức. Năm nay điểm chuẩn vào ngành này của trường lên tới 30,5 điểm. Theo tìm hiểu, trong số 15 thí sinh đỗ vào ngành thì có 2 thí sinh điểm tổ hợp 3 môn xét tuyển cao nhất cùng 28,5 điểm và tổng điểm xét tuyển là 31,25 điểm; có 4 thí sinh cùng đạt 28,25 điểm tổ hợp 3 môn xét tuyển và tổng điểm xét tuyển là 31 điểm. 

Lạm phát điểm chuẩn lên 30,5 điểm khiến thí sinh thành phố "chịu thua" ở điểm cộng: Ý kiến từ nhà trường - Ảnh 2.

Điểm chuẩn Học viện Chính trị CAND.

Tương tự tại Học viện Chính trị CAND lấy điểm chuẩn khối C00 năm nay là 30,34 điểm (đối với nữ, ở miền Bắc). 

Thi đạt điểm tuyệt đối đã là "trong mơ" lại không có điểm cộng nên thí sinh ở khu vực thành phố chắc chắn "không có cửa" để vào ngành yêu thích này.

Lạm phát điểm chuẩn lên 30,5 điểm khiến thí sinh thành phố "chịu thua" ở điểm cộng: Ý kiến từ nhà trường - Ảnh 3.

Điểm chuẩn Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.

Tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội những năm gần đây cũng gây bất ngờ với ngành Hàn Quốc học có điểm chuẩn tuyệt đối 30 điểm. Điều này có nghĩa thí sinh ở thành phố phải đạt 3 điểm 10 ở các môn Văn, Sử, Địa mới được ghi tên vào trường. Tuy nhiên, thủ khoa khối C00 toàn quốc năm nay chỉ đạt 29,25 điểm. 

Ngoài ra, ở trường cũng có nhiều ngành lấy điểm chuẩn khá cao, thí sinh phải đạt trên 9 điểm mỗi môn như Đông Phương học (29,8 điểm), Quan hệ công chúng (29,30 điểm), Báo chí, Quản trị văn phòng (28,80 điểm)...

Vậy thí sinh muốn vào ngành yêu thích phải làm thế nào?

Trao đổi với PV báo Dân Việt, TS Hoàng Văn Quynh - Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn chia sẻ: "Hai năm nay, ngành Hàn Quốc học điểm cao tuyệt đối, Nhà trường đã rà soát lại để rút kinh nghiệm, xem xét lại các khâu trong công tác xét tuyển. Tỉ lệ những em thi đỗ vào trường bằng điểm chuẩn 30 hầu như không có. Các em thi đạt điểm dao động trong khoảng 28 điểm và có điểm cộng tối đa 2,75 điểm. Xu hướng của nhà trường sẽ phải thay đổi lại cách thức tuyển sinh. Ví dụ có thể không thi khối C nữa trong 5 năm tới, chỉ ưu tiên cho khối D01, D78".

Tư vấn cho thí sinh muốn vào ngành yêu thích những khối thi có tính cạnh tranh cao, TS Quynh cho hay: "Các em có thể đăng ký tuyển sinh theo các khối còn lại để xét tuyển vào ngành. Ngoài ra, trường còn có những phương thức xét tuyển khác để các em đăng ký như Xét tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh của Bộ GDĐT; Xét tuyển thẳng theo quy định đặc thù của Đại học Quốc gia Hà Nội (học sinh trường chuyên, học sinh hệ không chuyên của các trường THPT thuộc ĐHQGHN...) hoặc Xét tuyển các thí sinh có kết quả thi đánh giá năng lực, chứng chỉ quốc tế A-level, SAT, ACT và chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế".

Chia sẻ về việc điểm cao vẫn trượt đại học, Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn cho biết: "Theo số liệu thống kê, số lượng và tỷ lệ tuyển được thí sinh năm nay cao hơn hẳn năm 2020. Các em đạt điểm cao vẫn trượt chủ yếu là do các em không đặt nguyện vọng ở ngành thấp hơn. Điều này rất đáng tiếc. Tuy nhiên, các trường còn có nhiều hình thức xét tuyển khác nhau nữa để các em trúng tuyển vào ngành học mình mong muốn.

Xét tuyển đại học là câu chuyện cạnh tranh. Khi Bộ GDĐT đưa ra mô hình xét tuyển để các em có nguyện vọng vào nhiều trường, nhiều ngành thì cơ hội hoàn toàn nằm trong tay thí sinh.

Để kỳ thi đi vào thực chất hơn, các trường đánh giá tốt hơn năng lực thí sinh, Bộ đang xây dựng lộ trình, phương án. Đáng lẽ những phương án này đã được từng bước đưa vào thực hiện, một số trường đã xây dựng phương án xét tuyển khác nhau như kỳ thi đánh giá năng lực, kiểm tra tư duy nhưng từ năm 2020 đến nay do hoàn cảnh dịch bệnh Covid-19 chưa thực hiện được.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem