Dân Việt

Sau 6 giờ 21/9, Hà Nội nới lỏng một số hoạt động, người dân di chuyển trong TP thế nào?

Hoàng Thành 20/09/2021 18:25 GMT+7
Lãnh đạo UBND TP.Hà Nội và các Sở, ngành vừa có ý kiến về việc: "Hà Nội sẽ tiếp tục nới lỏng giãn cách, và việc người dân di chuyển trong địa bàn TP như thế nào sau 6 giờ ngày 21/9".

Chiều 20/9, Thành uỷ Hà Nội tổ chức Hội nghị thông tin báo chí về tình hình phòng, chống dịch Covid-19. Hội nghị được tổ chức ngay trước thời điểm TP chuẩn bị hết giãn cách xã hội đợt 4 theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ (6 giờ ngày 21/9).

Tại hội nghị, phóng viên báo chí đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề đi lại của người dân sau 6 giờ ngày 21/9; việc di chuyển trong nội bộ TP ra sao, cần những điều kiện gì? Người dân có nhu cầu ra - vào TP phải đáp ứng những điều kiện nào?.

Sau 6 giờ 21/9, Hà Nội nới lỏng một số hoạt động, người dân đi đường thế nào? - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chử Xuân Dũng thông tin tại hội nghị. Ảnh: HN.

Nới lỏng một số hoạt động, không kiểm soát giấy đi đường

Trả lời các câu hỏi, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, từ 6 giờ ngày 21/9, Hà Nội sẽ có các biện pháp nới lỏng một số hoạt động, trên cơ sở ưu tiên hàng đầu vẫn phải đảm bảo an toàn cho sức khoẻ nhân nhân, giữ an toàn cho Thủ đô vì dịch bệnh tại một số địa phương trên cả nước vẫn diễn biến phức tạp.

"Nguyên tắc, định hướng lớn là Hà Nội sẽ không áp dụng quy định phân vùng, không áp dụng việc cấp giấy đi đường với tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp di chuyển trên địa bàn TP. 

Đồng thời, Hà Nội sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin cho công tác phòng chống dịch và quản lý giám sát di biến động trên địa bàn Hà Nội.

Nguyên tắc thứ 2 là không phát sinh thủ tục hành chính với cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp trên địa bàn TP”, ông Dũng nói.

Sau 6 giờ 21/9, Hà Nội nới lỏng một số hoạt động, người dân đi đường thế nào? - Ảnh 2.

Lực lượng chức năng kiểm tra giấy đi đường tại chốt kiểm soát đầu cầu Diễn (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) hôm 3/9. Ảnh: Ngọc Hải

Ông Dũng yêu cầu: Các cá nhân, tổ chức đơn vị cần tiếp tục thực hiện các tiêu chí về an toàn phòng chống dịch. Trong quá trình triển khai, TP sẽ phân cấp, ủy quyền cho các sở ngành, địa phương tiếp tục hướng dẫn các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp để thực hiện tốt nhất việc phục hồi sản xuất kinh tế, kinh doanh dịch vụ đảm bảo quy định an toàn phòng chống dịch. 

TP sẽ tiếp tục duy trì việc phong tỏa hẹp, quản lý chặt các điểm phong tỏa, đặc biệt ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy nhanh việc truy vết khi có các trường hợp dương tính.

Không phải cấm vào TP, nhưng vào phải có điều kiện

Đại tá Trần Ngọc Dương - Phó Giám đốc Công an Hà Nội cho biết, sẽ tiếp tục duy trì 22 chốt cửa ngõ Thủ đô, 33 chốt ở các đường ngang lối mở, đảm bảo kiểm soát được người, phương tiện ra vào Thủ đô, ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào TP.

Hà Nội không áp dụng giấy đi đường sau 6 giờ ngày 21/9   - Ảnh 4.

Đại tá Trần Ngọc Dương - Phó Giám đốc Công an Hà Nội phát biểu tại hội nghị. Ảnh: HN.

Ông Dương nêu một số nguyên tắc kiểm soát ra vào TP, gồm: Kiểm soát cả chiều ra và chiều vào; kiểm soát chặt chẽ người về từ các vùng có dịch, nguy cơ, nguy cơ cao. 

"Không phải cấm vào TP, nhưng vào phải có điều kiện. Chúng tôi sẽ căn cứ vào cập nhật mức độ dịch tại các địa phương để đề ra các yêu cầu khi vào TP, công bố công khai", ông Dương nói.

Lãnh đạo Công an Hà Nội cũng cho biết, sẽ áp dụng công nghệ thông tin, phối hợp với Sở TTTT để triển khai quét mã QR, người dân khai báo y tế. 

"Kiểm soát người vào TP sẽ chú trọng vấn đề khai báo y tế, xét nghiệm, yếu tố dịch tễ. Khi thành phố có chỉ đạo mới, chúng tôi sẽ cụ thể hoá các điều kiện", ông Dương nêu rõ.

Trao đổi về các biện pháp quản lý việc đi lại, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện thông tin: Hiện Sở đã tham mưu TP tiếp tục duy trì các chốt cửa ngõ Thủ đô, đảm bảo kiểm soát việc người dân ra vào TP.

"Việc vận chuyển hàng hoá sẽ tạo điều kiện tối đa cho các xe luồng xanh đi qua TP. Riêng các xe đi vào TP vẫn được kiểm soát chặt chẽ theo quy định hiện hành", ông Viện cho hay.

Hà Nội không áp dụng giấy đi đường sau 6 giờ ngày 21/9   - Ảnh 3.

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện phát biểu tại hội nghị. Ảnh: HN.

Cũng theo ông Viện, TP dự kiến cũng tiếp tục dừng hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh, hoạt động vận tải công cộng đến Hà Nội và hoạt động vận tải công cộng nội bộ TP. Hoạt động vận chuyển hàng hoá trong nội đô sẽ được tạo điều kiện tối đa để đảm bảo cung ứng các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống người dân.

Nhấn mạnh, thời gian tới Hà Nội sẽ nới lỏng một số biện pháp phòng, chống dịch, một số địa phương ở Hà Nội đã được bán hàng mang về, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, Sở tham mưu TP nghiên cứu cho phép thêm lượng người vận chuyển hàng hoá (shipper) hoạt động trên địa bàn TP, vừa đảm bảo phục vụ nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, vừa đảm bảo giải quyết công ăn việc làm cho lực lượng này.

"Nguyên tắc đi lại của người dân trên địa bàn TP vẫn theo hướng khuyến cáo không ra ngoài khi không thực sự cần thiết dù rằng một số hoạt động sẽ được mở cửa", ông Viện nhấn mạnh.

Trước đó, UBND TP.Hà Nội quyết định giãn cách xã hội toàn TP từ 6 giờ ngày 24/7 đến 6 giờ ngày 8/8.

Tiếp đó, do tình hình dịch bệnh vẫn có diễn biến phức tạp, thành phố đã tiếp tục giãn cách xã hội đợt 2 từ 6 giờ ngày 8/8 đến 6 giờ ngày 23/8. Đợt giãn cách xã hội thứ 3 được tính từ 6 giờ ngày 23/8 đến 6 giờ ngày 6/9.

Tuy nhiên, chiều 3/9 (trước thời hạn kết thúc giãn cách xã hội đợt 3), Hà Nội quyết định tiếp tục giãn cách xã hội từ 6 giờ ngày 6/9 đến 6 giờ ngày 21/9 và triển khai các biện pháp phòng chống dịch tại 3 vùng cụ thể với các mức: Chỉ thị 16 ở mức cao, Chỉ thị 15 ở mức cao và Chỉ thị 15...

Như vậy, Hà Nội sắp trải qua 60 ngày thực hiện giãn cách xã hội toàn TP để phòng, chống dịch Covid-19.