Hà Nội không áp dụng giấy đi đường sau 6 giờ ngày 21/9
Hà Nội không áp dụng giấy đi đường sau 6 giờ ngày 21/9
Hoàng Thành
Thứ hai, ngày 20/09/2021 16:39 PM (GMT+7)
Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, về nguyên tắc, sau 6 giờ ngày 21/9, Hà Nội sẽ không áp dụng quy định phân vùng, không cấp giấy đi đường với các tổ chức, cá nhân.
Chiều 20/9, Thành ủy Hà Nội và UBND TP.Hà Nội tổ chức họp thông tin về các giải pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong và Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chử Xuân Dũng chủ trì cuộc họp. Cùng tham gia họp có đại diện các sở ngành có liên quan trực tiếp đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.
Không kiểm soát giấy đi đường
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, về nguyên tắc, sau 6 giờ ngày 21/9, Hà Nội sẽ không áp dụng quy định phân vùng, không cấp giấy đi đường với các tổ chức, cá nhân.
Đồng thời, TP sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để giám sát di biến động theo nguyên tắc không phát sinh thủ tục hành chính với cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn TP.
Ông cũng khẳng định, trong quá trình triển khai, TP phân cấp, ủy quyền cho các sở ngành, địa phương tiếp tục hướng dẫn các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp để thực hiện tốt nhất việc phục hồi sản xuất kinh tế, kinh doanh dịch vụ đảm bảo quy định an toàn phòng chống dịch.
Hà Nội cũng tiếp tục duy trì việc phong tỏa hẹp, quản lý chặt các điểm phong tỏa trên địa bàn TP và đặc biệt ứng dụng công nghệ thông tin đẩy nhanh việc truy vết.
Đồng thời, TP sẽ điều chỉnh các hoạt động tại các khu vực ổ dịch, các khu vực có nguy cơ cao, khu vực cách ly và phong tỏa cũng như điều chỉnh các hoạt động trên địa bàn, bám sát thực tiễn một cách hết sức linh hoạt giữa các Chỉ thị 15, 16, 19 trên địa bàn Hà Nội.
Nghiên cứu, cho phép thêm lượng shipper hoạt động
Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho hay, những thông tin tại hội nghị cũng mới là định hướng tham mưu của các sở, ban, ngành với TP, chưa phải là quy định chính thức do Công điện của UBND TP chưa ban hành. Tuy nhiên, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội sẽ thông tin về các định hướng lớn sau 6 giờ sáng ngày 21/9.
Trao đổi về các biện pháp quản lý việc đi lại, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, sở đã tham mưu TP tiếp tục duy trì các chốt cửa ngõ Thủ đô, đảm bảo kiểm soát việc người dân ra vào TP. Việc vận chuyển hàng hoá sẽ tạo điều kiện tối đa cho các xe luồng xanh đi qua TP. Riêng các xe đi vào TP vẫn được kiểm soát chặt chẽ theo quy định hiện hành.
Cũng theo ông Viện, TP dự kiến cũng tiếp tục dừng hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh, hoạt động vận tải công cộng đến Hà Nội và hoạt động vận tải công cộng nội bộ TP. Hoạt động vận chuyển hàng hoá trong nội đô sẽ được tạo điều kiện tối đa để đảm bảo cung ứng các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống người dân.
Nhấn mạnh, thời gian tới, Hà Nội sẽ nới lỏng một số biện pháp phòng, chống dịch, một số địa phương ở Hà Nội đã được bán hàng mang về, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, Sở tham mưu TP nghiên cứu cho phép thêm lượng người vận chuyển hàng hoá (shipper) hoạt động trên địa bàn TP, vừa đảm bảo phục vụ nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, vừa đảm bảo giải quyết công ăn việc làm cho lực lượng này.
Tiếp tục duy trì 22 chốt cửa ngõ thành phố
Đại tá Trần Ngọc Dương - Phó Giám đốc Công an Hà Nội cho biết, sẽ tiếp tục duy trì 22 chốt cửa ngõ Thủ đô, 33 chốt ở các đường ngang lối mở, đảm bảo kiểm soát được người, phương tiện ra vào Thủ đô, ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào TP.
Ông Dương nêu một số nguyên tắc kiểm soát ra vào TP, gồm: Kiểm soát cả chiều ra và chiều vào TP; kiểm soát chặt chẽ người về từ các vùng có dịch, nguy cơ, nguy cơ cao. "Không phải cấm vào thành phố, mà vào phải có điều kiện gì. Chúng tôi sẽ căn cứ vào cập nhật mức độ dịch tại các địa phương để đề ra các yêu cầu khi vào thành phố, công bố công khai", ông Dương nói.
Lãnh đạo Công an Hà Nội cũng cho biết, sẽ áp dụng công nghệ thông tin, phối hợp với Sở TTTT để triển khai quét mã QR, người dân khai báo y tế. "Kiểm soát người vào thành phố sẽ chú trọng vấn đề khai báo y tế, xét nghiệm, yếu tố dịch tễ. Khi thành phố có chỉ đạo mới, chúng tôi sẽ cụ thể hoá các điều kiện", ông Dương nêu.
Đã kiểm soát được 11/13 khu vực nguy cơ rất cao
Trước đó, thông tin tại cuộc họp, bà Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của Hà Nội đã thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP và những giải pháp trong thời gian tới.
Theo đó, trong đợt giãn cách xã hội lần tư, từ 7/9 đến nay, Hà Nội ghi nhận 353 ca Covid-19, trung bình là 27,7 ca/ ngày, trong đó có 32 ca cộng đồng. Hiện toàn TP còn 10 chùm ca bệnh mới, phức tạp.
Số ca mắc trung bình tại đợt giãn cách thứ tư này đã giảm mạnh so với đợt giãn cách thứ nhất (từ 24/7 đến 7/8/2021, trung bình ghi nhận 71,2 ca/ ngày); số ca mắc cộng đồng cũng giảm mạnh từ 35 ca/ ngày ở đợt giãn cách thứ nhất xuống còn 2,7 ca/ ngày ở đợt giãn cách thứ tư.
Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.Hà Nội đánh giá, TP đã cơ bản kiểm soát tốt được dịch bệnh, đã kịp thời khoanh vùng đúng và trúng các đối tượng nguy cơ cao.
Các khu vực nguy cơ rất cao và nguy cơ cao đã dần được kiểm soát thông qua các biện pháp cách ly và xét nghiệm diện rộng. Đến nay, đã kiểm soát được 11/13 khu vực nguy cơ rất cao.
Cũng vì thế, hiện TP đã điều chỉnh một số biện pháp phòng chống dịch tại một số quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn không có ca bệnh mắc mới tại cộng đồng (vùng xanh).
Theo đó, người dân đang thu hoạch vụ mùa, cơ sở kinh doanh dịch vụ đã hoạt động trở lại tại một số nơi từ 12h ngày 16/9…
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, thay mặt Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP Hà Nội, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, TP sẽ phân loại mức độ nguy cơ để có biện pháp phòng chống dịch phù hợp theo nguyên tắc "bảo vệ vững chắc vùng xanh", "xanh hoá vùng vàng", "thu hẹp vùng đỏ".
Cùng đó, tiếp tục rà soát tiêm vét mũi 1 vaccine Covid-19 cho người dân từ 18 tuổi trở lên; tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 trên cơ sở vaccine được phân bổ của Bộ Y tế.
TP.Hà Nội cũng sẽ tiếp tục duy trì các chốt kiểm soát ra vào TP sau khi hết thời gian áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để kiểm soát dịch bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào TP.
Đặc biệt, sẽ tạo điều kiện tối đa cho người dân đảm bảo các sinh hoạt hàng ngày đảm bảo an sinh xã hội và nhu cầu thiết yếu khác; Hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh an toàn đảm bảo quy định phòng chống dịch, đảm bảo không để đứt ngãy chuỗi sản xuất, lưu thông hàng hoá…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.