Người miền Nam nói chung và người Sài Gòn nói riêng, rất thích đọc truyện kiếm hiệp Kim Dung. Một trong những bộ nổi tiếng là Tiếu ngạo giang hồ.
Trong bộ này, vượt lên trên cảnh giang hồ chém giết gió tanh mưa máu, là tiếng đàn của những đôi tri kỷ: Khúc Dương – Lưu Chính Phong, Lệnh Hồ Xung – Nhậm Doanh Doanh; hoặc tiếng độc cầm ai oán của Mạc Đại tiên sinh.
Nhưng đấy là truyện bên Tàu, còn ở Việt Nam, ngay giữa vùng "thủ phủ" giang hồ quận tư, vẫn có tiếng đàn cao vút, vượt trên những cuộc đánh đấm ghê rợn. Có tiếng hát át tiếng bom, cũng có tiếng đàn át tiếng đao.
Ai cũng biết, quận Tư nổi tiếng giang hồ, trong đó, khu Tôn Đản khét tiếng nhất. Ấy vậy mà nơi này có nguyên một xóm làm đàn guitar nằm khuất sau những con hẻm. Thời cực thịnh có thể xem đây là làng nghề thủ công giữa lòng Sài Gòn.
Giờ mấy chục năm biến chuyển, hiện chỉ còn vài nhà làm đàn mà thôi, những nhà khác lặng lẽ treo cây đàn trong phòng khách như tưởng nhớ về một thời vàng son lừng lẫy.
Tuy số lượng nhà làm đàn ít, nhưng ít mà chất. Các tiệm đàn ở Nguyễn Thiện Thuật (quận 3) đều đặt đàn sản xuất, hoặc xuất thân từ chính xóm đàn này. Trong số các nghệ nhân làm đàn, có một số người có kỹ thuật làm đàn rất cao, hoặc nắm giữ các bí truyền khiến nhiều hãng đàn nước ngoài săn đón.
Một nghệ nhân có tuyệt chiêu pha keo và dán keo khiến đàn tăng độ bền, được mời qua nước ngoài làm, lương ngang kỹ sư, nhưng vẫn từ chối để ở nhà gắn bó với xưởng đàn.
Lần về lịch sử, hồi trước 1945, xóm này có nhiều người Bắc di cư đến. Do thuần thục tay nghề từ ở quê, nên khi vào Sài Gòn họ được người Pháp thuê sửa đàn rất nhiều. Sau một thời gian, nghề dạy nghề, rút tỉa thêm kinh nghiệm, từ những người sửa đàn đã trở thành những người làm đàn.
Loại đàn này, với sức hấp dẫn vốn có, đã nhanh chóng được nhiều người ưa chuộng. Việc kinh doanh càng lúc càng phát đạt. Người nhiều tiền mở xưởng, người ít vốn làm gia công, lại mời thêm nhiều thợ lành nghề khác đến chỉ bảo. Chẳng mấy chốc từ vài người, vài nhà làm đàn đã thành xóm làm đàn, làng làm đàn.
Vào khoảng những năm 60-90 của thế kỷ trước, đấy là thời điểm cực thịnh của đàn guitar, cũng là lúc xóm đàn phát đạt nhất. Vì sao? Bởi lúc đấy guitar đang là mốt; lại thêm hàng xóm toàn thứ dữ không, "nói giùm một tiếng" là chuyện làm ăn suôn sẻ ngay.
Ai sống thời đấy chắc cũng nhớ, một chàng trai thư sinh, tóc tai bồng bềnh, ôm cây đàn ngồi suy tư, luôn là hình ảnh được ái mộ của các chị em. Sinh viên ngồi không nhớ mẹ, nhớ cha, nhớ người yêu... đều mang đàn ra vừa đàn vừa hát. Một ông nào khá khá tay nghề đàn hát, không những dễ tán gái mà còn không lo chết đói.
Sinh viên xa nhà, ngày nào chẳng có nơi tổ chức nhậu. Mấy ông nhậu lại đặc biệt thích hát, dù hát dở ẹc, giọng nhựa nhựa chẳng rõ lời. Mà hát chay hoặc gõ chén gõ ly mãi chán quá, vớ được ông bạn nào gần đấy biết đàn guitar, như thể bắt được vàng, thế nào cũng mời sang cho bằng được.
Người ta đã đàn cho hát rồi, sao còn bắt người ta hùn hạp gì nữa, nhậu chùa thôi. Phòng này mời được, phòng khác cũng phải tìm đến. Thành thử, trong ký túc xá sinh viên thời đó, cứ có đàn là có ăn nhậu miễn phí triền miên khói lửa. Nhiều ông đàn dữ quá, bỏ luôn chuyện học. Bạn bè ra trường làm kỹ sư, bác sĩ, ông lại đi làm nhạc công cho mấy quán bar hoặc phòng trà.
Nhưng đấy chưa đỉnh. Nghệ thuật mà đặt nặng cơm gạo với ăn nhậu lại mất cái hay của nó đi. Còn nhớ ở trường Bách Khoa hồi năm 1990, có một anh bộ đội xuất ngũ sau khi từ chiến trường về, cao to như Tây, mũi cao miệng rộng, da ngăm tóc xoăn, vừa đẹp trai lại vừa oai hùng, chơi guitar bass cho ban nhạc của trường, hội diễn văn nghệ chưa bao giờ thiếu mặt.
Anh lên sân khấu biểu diễn cho cả trường xem lúc nào cũng áo quần mướt rượt, ghi – lê bên ngoài, trên cổ cài nơ, thỉnh thoảng lại vờ hất tóc phiêu theo nhạc.
Ngắn gọn thôi: chị em chết như rạ. Ra trường hàng đống cô xin chàng rước về dinh, toàn dạng lá ngọc cành vàng, nghề nghiệp sang chảnh: kỹ sư, nhà báo, giáo viên tiếng Anh... Nhưng anh chàng chối hết, nghe đâu hiện đang bán quán cho quán cà phê của gia đình.
Nhưng cái gì cũng có thời, đến giữa thập niên 90, guitar gặp 2 đối thủ nặng ký: organ và karaoke. Cha mẹ lúc đó, thường cho con học organ điện tử du nhập từ bên Nhật, chết tập 1. Lúc đó lại nổi lên phong trào karaoke với âm thanh, micro, loa liếc đủ cả... ăn đứt cây guitar đơn sơ, chết tập 2. Thế nên ít người chơi và ít người mua guitar hẳn đi. Đến hiện tại, với karaoke loa thùng, coi như dần hết hẳn người chơi guitar. Xóm làm đàn coi như còn lác đác vài nhà cố níu giữ nghề gia truyền.
Dù hiện nay, xóm làm đàn không còn như xưa nữa, nhưng đã từng một thời vút lên tiếng đàn tiếng hát xoa dịu xã hội thời điên đảo ấy. Ít ai biết danh ca cải lương Lệ Thủy, xưa trú cùng gia đình ở đây rồi mới xuất hiện trên sân khấu đầy hào quang lộng lẫy.
Và một trong những cống hiến to lớn nhất của xóm đàn, chính là biến tấu cây guitar thông thường thành guitar phím lõm, một nhạc cụ tối quan trọng của dàn nhạc cải lương đàn ca tài tử. Không ít thì nhiều, chính nơi đây đã góp phần làm giàu cho vốn văn hóa dân tộc.