Vụ thu hoạch lúa hè thu nữa lại đến. Ngồi xa tít ở một xứ đầy ắp sự bận rộn, chật vật uống vội một ly trà đá vỉa hè, như thói quen tay lướt lướt vào màn hình điện thoại.
Bất chợt hình ảnh cánh đồng quê, dòng người hối hả, tấp nập ôm bao, vác lúa, đẩy xe dưới cái nắng chói tưởng chừng như cắt được cả da thịt. Để rồi tâm hồn tôi lại mênh mang, trong tâm thức nỗi thương nhớ quê nhà một lần nữa lại xoáy sâu trên từng cung bậc của cảm xúc khó diễn tả…
Đang ngồi mơ màng thì mạ (mẹ) gọi hỏi thăm: "Tình hình dịch răng rồi con, có làm ăn chi được không? Mạ coi trên tivi thấy nó căng quá! Ngoài làng mình đổ xô xuống chợ nào mua mì tôm, cá khô giành giật nhau kiểu như chạy giặc con à". Rồi giọng hơi đượm buồn mạ nói tiếp: "Nhà mình vẫn còn mấy sào ruộng, lúa chín rồi không biết có gặt nổi không?".
Tôi nói: "Máy ở mô, máy cắt mạ lo chi". Cắt phăng lời tôi, mạ nói: "Ruộng nẩy (lún, xìn) máy không xuống được mi à. Ba mi mấy hôm nay đã đi cắt chấu (dụng cụ gặt lúa, dài hơn cái liềm, dùng để cắt lúa bị ngã), liềm để chuẩn bị đi cắt tay rồi…".
Trấn an mạ bằng giọng nói điềm tĩnh, dõng dạc nhưng lạ thay trong lòng vẫn nóng hùi hụi như lửa đốt, thế là tôi quyết định gác lại công việc trở về nhà.
Nơi tôi trở về trải dài dọc trên hệ đầm phá Tam Giang, mang theo mình cái tên rất thân thương: Điền Hải (Phong Điền, Thừa Thiên Huế). Có thể hiểu nôm na rằng, trước ruộng sau biển. Nơi đây là một vùng quê nghèo khó, sống chủ yếu vào nông nghiệp lúa nước, người dân quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, bu bám vào cánh đồng để kiếm sống qua ngày.
Sau mỗi vụ gặt, cánh đồng trở nên trơ trọi, hoang vu. Và chính sự trơ trọi, hoang vu đó đã tạo nên một vẻ đẹp yên bình, an nhiên của làng quê.
Thời mà máy liên hợp gặt lúa kiểu công nghiệp hiện đại chưa có mặt tại "làng", hầu hết người dân đều dùng dụng cụ thô sơ lưỡi liềm, vằn dùng để cắt tay và vận chuyển lúa bằng xe kéo một cách đơn thuần.
Tuy thời gian cắt tay lâu nhưng bù lại tôi cảm nhận được sự đoàn kết, tương trợ lẫn nhau của bà con xóm làng, không khí rộn ràng, sôi nổi hẳn. Không như bây giờ có sẵn máy cắt, tuy nhanh nhưng bà con lại cãi nhau chí chóe, tranh dành lẫn nhau kiểu ruộng ông này cắt trước, không cắt ruộng ông kia. Ai cũng muốn nhanh, muốn xong trước và thế là ẩu đả xảy ra buộc chính quyền thôn, xã phải vào cuộc can ngăn, lúc đó người dân mới chịu dừng lại.
Giá như họ hiểu, cảm thông cho nhau một chút, chờ đợi một chút để ai cũng được việc thì tốt hơn và hơn hết là những câu chuyện buồn trong mùa gặt như vậy sẽ bớt đi.
Phải chăng kể từ khi có máy gặt của liên hợp tác xã, bà con dường như ỷ lại và trở nên lười hơn. Chỉ vì cái máy gặt mà xâu xé, ẩu đả nhau làm mất đi tình đoàn kết bấy lâu nay quả là không đáng chút nào!
Vẫn nhớ như in hồi tôi còn học cấp 1, mỗi lần vào mùa gặt, nhiệm vụ chính của tôi đó là ôm bao đi xuống ruộng để đưa cho ba mạ (bố mẹ) đựng lúa, đi sau xe kéo và đẩy xe.
Lớn lên chút nữa thì nhà tôi không làm ruộng mà chủ yếu tập trung xay xát lúa, bán gạo cho những người dân trong làng.
Nhưng đây không phải là lý do để tôi có thể xa cách đồng ruộng. Hằng ngày, sau khi hoàn thành các công việc trong nhà tôi vẫn ra đồng để nô đùa, vật lộn với chúng bạn trên những đống rơm rạ bên đường. Đó là những niềm vui đơn giản, đầy thú vị của con nít làng quê...
Có những tháng ngày cùng với chúng bạn, bậc đàn anh trong xóm "đi săn" mò cua, đạp hến, đi tát cá về mạ đánh toe luôn cả roi tre để rồi có những câu chuyện mỗi khi chúng tôi gặp lại nhau không lúc nào là không nhắc đến...
Rồi những hôm ngẫu hứng, tôi cùng ông anh đi xuống phá đổ trộm nò tép (được đan bằng tre, bên ngoài bện lưới; tôm, tép, cá vào được sẽ khó thoát ra được) của ngư dân làng chài, bị họ phát hiện rượt chạy bở cả hơi tai. Kể từ sau đợt ấy có cho vàng tôi cũng không dám đi đổ trộm nò tép nữa.
Sau này lớn lên mỗi người mỗi hướng rất ít khi có cơ hội để cùng nhau đi "săn", cùng nhau hàn thuyên những câu chuyện cũ, nhưng tôi dám khẳng định sẽ không ai quên được.
Cả một gia tài kỷ niệm ấu thơ luôn hiện hữu trong đầu để rồi nhiều đêm nằm không ngủ được, tôi lại thao thức, trăn trở, hoài niệm về những tháng ngày xưa.
Tôi trong tâm thức chỉ có một chốn để quay về. Đó là cánh đồng quê nghèo nơi tôi đã từng theo chúng bạn chăn trâu, cắt cỏ, vật lộn để lớn lên…
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.
Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!