Kẻ Láng là tên nôm thời trước cho người ba làng Láng: Láng Thượng, Láng Trung và Láng Hạ với một cách gọi dân dã, thân mật, gần gũi cũng như đối với các cư dân được gọi là "kẻ" ở nơi khác. Mỗi nơi "kẻ" đều có nét riêng biệt, độc đáo, không đâu lẫn vào đâu. Bây giờ ngó lại vẫn thấy lưu luyến thân thương bởi kẻ Láng xưa có truyền thống thượng võ, giỏi đấu vật, chọi gà và dân kẻ láng nổi tiếng hiền lành cần mẫn, thuần nông với công việc là trồng rau, nhất là các loại rau thơm: hành, tỏi, hẹ, mùi... thành một nghề kiếm sống chính.
"Kể chơi một huyện Thanh Trì
Mọc làm hàng xáo, Láng thì trồng rau…"
Hay: "Làng Láng Thượng chúng tôi đặc biệt có cây rau thơm húng láng là một thứ rau có danh tiếng hàng đầu trong các loại rau thơm ẩm thực Việt nhiều đời.
Hơn hai mươi năm hòa nhập vào cuộc sống cùng bà con dân làng, mới đầu, cũng như rất nhiều người ngụ cư khác, tôi xăm xắn xởi lởi vui vẻ làm quen với người này người kia của làng. Tôi tự mình tìm hiểu ngõ ngách lối sống chung, tập quán phong tục chung vân vân. Các cụ ta có câu: "Phép vua thua lệ làng"; "Nhập gia tùy tục" là rất chí lý.
Ấn tượng đẹp nhất những ngày đầu đối với tôi có hai người, đó là ông Nhiên, tổ trưởng tổ dân phố tổ 4 (hồi những năm nhà tôi mới về ở) và cô Lê Thị Ngọc Bích, cán bộ phụ nữ Phường. Ông Nhiên thực sự là một trưởng lão, một thủ lĩnh của nhóm, tổ trong làng về mọi nhẽ. Ông lúc nào cũng rất giản dị, dễ tính, nhẹ nhàng, chu đáo và gần gũi.
Nhà ông luôn luôn là một trung tâm sinh hoạt cộng đồng. Hơn thế, thậm chí nhiều nhà quanh ngõ, ai có việc như cưới hỏi hay ma chay đều được ông bà giúp đỡ vô tư. Còn cô Lê Thị Ngọc Bích là một cán bộ phụ nữ phường tươi tắn trẻ trung, một phụ nữ có nét xinh đẹp bình dị của một cán bộ phong trào khiến chúng tôi ngay lập tức nhận ra đây là một người đáng tin cậy, một cán bộ mẫn cán nhanh nhẹn mau mắn. Cô có lối bắt chuyện với những công dân mới nhập cư thật tự nhiên, nhất là đối với cánh chị em bà xã chúng tôi.
Làng Láng sau ngày giải phóng Hà Nội thuộc vùng ven đô, có ga tầu điện cuối cùng về phía Tây thành phố. Sở dĩ tôi biết điều này là hồi những năm sau 1975, tôi từ trong miền Nam ra Bắc, thường lần nào ra cũng được cụ nhà văn Kim Lân, bạn vong niên của tôi dẫn đi tầu điện từ ga Bờ Hồ đến tham quan các nơi qua các ga trong đó có ga Cầu Giấy nhiều lần, chủ yếu là để tới thăm và thắp hương cụ Tú Mỡ, một nhà thơ nổi tiếng từ thời "Tự lực văn đoàn".
Cụ là người xứ Nghệ nhưng sau ổn định sống và lập nghiệp tại làng Láng. Nhà cụ Tú hồi ấy nhỏ nhưng vườn rộng, là nơi quần tụ gặp gỡ của giới văn nghệ sĩ lớn tuổi Hà Nội. Theo cụ Kim Lân kể, thường thì những hôm có ngày lễ lạt gì hay những ngày làng có lễ hội chùa Láng thì nhóm các bạn văn nghệ sĩ già kéo nhau đến nhà cụ Tú đánh chén, đa số là thịt chó nhưng vui đáo để. Tôi và nhà thơ Nguyễn Trọng Tín được làm quen với bác Đoàn Giỏi (người Nam nhưng ở Bắc) vì hai anh em mê các cụ lớp trước, nên bàn nhau đến rủ bác Kim Lân đi uống bia hơi, gạ bác cho chúng con làm quen những bác này, bác này.
Cụ Kim Lân nghe xong nhất trí ngay, liền dẫn dắt hai anh em đến bác Đoàn Giỏi, sau đó được bác đồng ý cùng lên xích lô, "phi" một cuốc lên Cầu Giấy, đi bộ một đoạn vào thắp hương cụ Tú. Ăn theo bác Kim Lân hóng hớt với bậc cha chú văn chương ở vườn nhà cụ Tú rồi kẽo kẹt xích lô về tụ điểm bia hơi, trước nhà hát lớn, quán quen của bác Đoàn Giỏi, tình cờ gặp bác Tô Hoài, anh em chúng tôi mừng "hết lớn" luôn.
Ra Hà Nội, trong một ngày gặp ba cụ nhà văn lớn, cùng lúc, lại được hầu bia hơi, được nghe các câu chuyện đời thường từ các cụ, không thể nói thế nào cho hơn là cái duyên của anh em tôi lớn quá, chỉ tiếc là không có máy ảnh như bây giờ. Tôi về ở làng Láng Thượng đầu tiên mò về quán cà phê vườn giản dị, ấm cúng 1238 đường Láng, nhà cũ của cụ Tú. Bây giờ còn một góc vườn làm một nhà thờ do anh cháu đích tôn và gia đình cụ lập. Làng Láng Thượng ngoài hai ngôi chùa là di tích lịch sử văn hóa kiến trúc sát bên Pháo Đài Láng, một địa danh lừng lẫy với trận đánh cuối cùng nã pháo vào quân đội viễn chinh Pháp.
Bao quanh làng Láng chúng tôi là các trường đại học lớn: Đại học Giao thông vận tải, Đại học Ngoại thương, Học viện Ngoại giao, Học viện Hành Chính Quốc gia, Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội. Gần đó là Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội. Xưa kia đất ngoại thành trù phú và hiền hòa, bên dòng sông Tô Lịch trong xanh, cánh đồng lúa bát ngát chạy tít sang làng Vòng, làng Cốm trứ danh. Đất lành cây cối xanh tốt quanh năm, người dân "kẻ Láng" vì ở sát với đô thành dù cuộc sống làm ăn vất vả nhưng rất chân chất thật thà với nếp sống thuần thục nông gia, có cách giao lưu biến hóa sinh động tháo vát. Cái chất "kẻ" ở xứ Láng, không giống như là "kẻ chợ" mà ở đây chính lại là "kẻ" làm. Làm ăn:
"Ở đâu mà chẳng biết ta
Ta ở kẻ Láng vốn nhà trồng rau
Rau thơm, rau húng, rau mùi
Thì là, cải cúc, dậy mùi hành hoa
Mùng tơi, rau ghém, ớt cà
Bí đao, đậu ván vốn nhà trồng nên.
Những ngày qua có lệnh giãn cách xã hội nên tôi cũng như mọi người ở nhà tránh dịch Covid-19. Bữa trưa đang lơ mơ chợt bật tỉnh sau tiếng loa công cộng của phường, lòng cảm thấy lo lo vì lâu lắm rồi ở phường tôi không còn hoạt động kiểu này. Tôi nhoài dậy bíu vào cửa sổ hóng ra: Tiếng loa thông báo rành rọt, yêu cầu bà con ngõ ta từ số nhà này đến số nhà kia hãy thực hiện ai ở đâu ở yên đó, trong vòng 24 tiếng để các cán bộ y tế đến kiểm tra nhanh Covid-19 thực hiện Nghị định 16, vì ở tổ ta đã có ngưởi ở số nhà… mắc F0!
Chiếc loa cơ động loại to được một "chú Honda" chở, chạy qua và ngay lập tức quay lại. Quay ra quay vào liên tục vài lần, tất nhiên vẫn tiếp tục loa các câu đã phát vừa rồi.
Đấy là dấu hiệu quyết liệt đầu tiên sau mấy tuần giãn cách trong không gian sinh hoạt xã hội của phường chúng tôi. "Thế là FO đã đến sâu ngõ hẹp này rồi", tôi nghĩ. Vài năm trước hai cụm loa treo trên cột điện ngoài ngõ hướng vào hẻm có vẻ đắc ý lắm. Thường tới giờ sáng sớm và chiều chiều đều đồng loạt lên tiếng, rất to, rất kiên quyết. Mỗi lần loa phường cất tiếng đều như một thách thức và nó làm chúng tôi hãi. Cư dân mới, hãi nhưng rồi cũng phải im lặng, tự quen.
Quen rồi nhưng sao vẫn thấy hài hãi, không ai nói ra, biết chính nó chứ không phải ai khác đã gây áp lực không nhỏ chả phải riêng tôi lúc cuộc sống đang an bình. Đấy là nếp sống công cộng phường xã chung cả nước, muốn hay không muốn cũng vấn phải nhất trí. Cũng may, gần đây loa phường tôi đã ngưng. Ngưng một cách đầy thiện chí của các nhà chức trách được bà con ủng hộ. Rất ủng hộ nhưng tất nhiên không ai nói ra, lòng ai cũng hể hả.
Thế đấy, đấy là lối sống cộng đồng cũ của phường xã mà. Vậy đó, hôm nay loa phường trở lại một cách tự nhiên, bằng cách loa đi di động rất hợp lý bởi do tình hình dịch bệnh đã và đang bắt đầu căng thẳng khắp cuộc sống ngoài xã hội. Sự trở lại của "Loa phường" như là một lời nhắc cuộc sống đã và đang chuyển sang một không khí mới khá gấp gáp nhưng không vội vàng, không áp lực mà nó như đã được mặc định cho cộng đồng một nếp sống thiết thực. Dân chúng tự mình thấy đã và đang chuyển hẳn sang thời kỳ mới, thời chống dịch như chống giặc.
"Một cuộc chiến cam go đầy thách thức không tiếng súng!"
Người Việt ta ngàn xưa đều đã quen với nếp sống làng xã "khi tắt lửa lúc tối đèn đều có nhau";"bán anh em xa mua láng giềng gần", mỗi khi cuộc sống chung của cộng đồng có sự cố gì mọi người đều nhất nhất nhìn nhau mà ứng xử… Tôi là cư dân của làng mới có hơn 20 năm. Láng Thượng chúng tôi có hai ngôi chùa cổ thuộc diện lớn và đẹp nhất của Thăng Long kinh kỳ, đó là chùa Láng và chùa Nền lừng danh với rất nhiều huyền tích và nhiều lễ hội.
Nay đến cái đận phải ra tay chống dịch, hai ngôi chùa cũng là hai điểm tập trung của bà con đón chờ nhau kẻ góp công người góp của, rủ nhau quyên góp vì đồng bào Sài Gòn đang bùng phát. Bóng cô Bích khi ở đầu chùa Láng, thoắt cái ngoài chùa Nền. Các cô các bà nhắc nhau thực hiện "năm ka" (5K) rồi lập nhóm giao tiếp trên FB, trên mạng để cập nhật tình hình.
Bây giờ các cuộc giao tiếp mỗi nhà đều qua nhóm cô Bích tổ 6 được tạo lập ngay từ những ngày đầu có dịch. Hóa ra, chỉ khi có sự cố "con Covid" hoành hành tôi mới biết được cư dân làng Láng Thượng của tôi ai ai cũng rành thao tác trên mạng internet. Nó như đã hiện hình trong sinh hoạt của làng từ lâu rồi. "Anh" loa phường di động chỉ được ứng dụng một vài ngày đầu thôi.
Nay cả dân tổ chúng tôi không ai phải chậm trễ từ những chỉ thị của phường, của quận, của Thành Phố, của Chính phủ. Bật điện thoại là có cô Bích với những tin tức nóng và các hình ảnh sinh hoạt chung vừa thân thiện vừa nghĩa tình, không còn cảnh nhà ai đóng cửa biết nhà ấy nữa.
Bốn chấm không (4.0) như là một phép mầu giúp nhân loại xích lại gần nhau hơn, nhất là thời đại dịch giã tàn phá cuộc sống của con người. Việc ứng dụng bốn chấm không thiết thực vào trong cuộc sống hàng ngày, hàng giờ là việc không phải nhỏ, không phải chỉ có một tổ nhóm nào tiện lợi. Nó đã giúp cho các nhà quản lý ở cơ sở nhanh chóng nắm bắt được tình hình địa phương.
Giúp cho mỗi người dân hiểu cụ thể bây giờ ta phải làm gì, chung tay góp sức chống dịch. Các tốp thanh niên phụ nữ tình nguyện hợp tác cùng các anh chị công an Phường thực hiện các chốt xanh chốt đỏ với tinh thần trách nhiệm cao. Mấy bữa nay ngõ chúng tôi, phường Láng Thượng chúng tôi đã và đang mở chiến dịch đi test, đi tiêm phòng tạo nên một niềm phấn khởi, tin tưởng vào công cuộc chống dịch sẽ nhanh hoàn thành, với khẩu hiệu: "Không ai bị bỏ lại phía sau".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.