"Siêu bão" SARS-CoV-2 càn quét qua Sài Gòn một cách khốc liệt, mọi thứ trở nên tan nát. Hệ quả để lại là những mất mát, đau xót và những cái chết tức tưởi. Hôm nay còn khỏe mạnh, hôm sau chưa kịp vào viện đã mãi mãi trở về với cát bụi, đau thương cứ thế chồng chất lên nhau.
Mảnh ký ức vỡ vụn về ba
Ngày mà những con người xấu số như cha mẹ - trụ cột trong gia đình - ra đi cũng là ngày trong sổ hộ khẩu của những đứa trẻ vô tội ghi "họ và tên cha, mẹ" "đã mất".
Kể từ đó, những đứa trẻ này được định danh là mồ côi, lớn lên trong tình yêu chắp vá, thiếu hụt trăm phương tứ bề.
Sự đáng yêu, hoạt ngôn của bé Hiếu Tài. Clip được ghi lại chiều 21/9. Clip: Chinh Hoàng.
"Ba ơi, ba chưa được 100 tuổi mà, chị Hai nói với con người ta 100 tuổi mới mất đi. Mỗi lần sinh nhật ba hay mẹ con đều đếm số tuổi mà, sao ba đi để lại con một mình vậy ?
Rồi khi chị Hai lấy chổi đánh vào mông con, ai sẽ bênh con đây, ba ơi"... Đó là những lời thổn thức đầy ám ảnh trong giấc mơ mỗi khi gặp ba của em Lê Huỳnh Hiếu Tài (9 tuổi) trú tại (56/26 Bùi Minh Trực, phường 5, quận 8, TP.HCM).
Ngày 19/7, ba của Tài đã không qua khỏi, khi đang điều trị tại khu bệnh nhân mắc Covid-19 nặng, thuộc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương.
Theo Tài, hôm 16/7, ba thấy cơ thể khó chịu, nhức mình và có triệu chứng sốt kèm theo khó thở. Dấu hiệu rõ rệt nhất là khi ba mất vị giác; đồng thời chị gái thứ hai của Tài cũng trong tình trạng này. Không gọi được xe cấp cứu, hai cha con tự lái xe máy vào Bệnh viện Nguyễn Tri Phương để test nhanh Covid-19.
Kết quả test nhanh cho thấy ba cùng chị gái đã mắc bệnh, chị được chuyển đi cách ly tại bệnh viện dã chiến ở Ký túc xá Đại học quốc gia TP. HCM. Ba có dấu hiệu bệnh nặng được các bác sĩ giữ lại tại chỗ để điều trị.
"Hôm chủ nhật, ba vẫn còn gọi điện nói chuyện động viên mẹ với em cố gắng đợi ba về. Ba nói ông trời thương ba lắm, ba sẽ nhanh chóng khỏi bệnh thôi.
6h sáng ngày thứ 2, hay tin ba mất ở bệnh viện, em không tin nổi đó là sự thật. Vì mới hôm qua, ba còn khỏe mạnh, giọng nói của ba vẫn rất dõng dạc như mọi ngày. Em đã tự hỏi mình liệu đây có phải là giấc mơ không ? Nếu là thật, vậy từ nay ai sẽ cùng em chơi cờ, đi tập thể dục, nấu cho em những món ngon yêu thích đây. Ba đã không giữ lời hứa, ba mãi không trở về bên mấy chị em và mẹ nữa" - Tài chua xót.
Quá bất ngờ trước thông tin này, Tài đã bị sốc tâm lý một thời gian, mỗi ngày trôi qua đối với em không còn nhiều ý nghĩa. Thiếu vắng bóng ba bên cạnh, em như mất phương hướng, không muốn nói chuyện nhiều với mọi người trong nhà. Mặc dù trước đó, Tài là một đứa bé rất hoạt ngôn.
Kể về ba với giọng đầy tự hào, Tài nói: "Ba là một người rất cao to, khỏe mạnh. Ngoài công việc làm thợ trang sức bạc ra, khi mẹ đi dạy, ba sẽ thay mẹ ở nhà nấu những món ăn ngon, đón em mỗi lúc đi học về.
Mỗi khi tan trường, Tài đều chạy thật nhanh đến để ôm ba, cảm giác ấm áp đến khó tả. Đối với Tài, ba chính là người anh hùng, là siêu nhân vĩ đại nhất. Cạnh ba, em luôn được cảm giác bình yên, an toàn. Thiếu vòng mất vòng tay của ba đối với em đó là sự mất mát, khủng hoảng tinh thần nhất từ trước đến nay.
Tài nói, trước đây khi ba còn sống, hai cha con mỗi ngày đều chơi đánh cờ tướng để giải trí, nhất là trong thời gian thành phố đang có chỉ thị nghiêm ngặt "ai ở đâu, ở yên đó".
Trước khi trò chơi diễn ra, ba và em sẽ cá cược sau mỗi ván đấu ai thua thì sẽ đấm lưng cho đối phương 5 phút, xong mới bắt đầu lại ván thứ 2.
Vì là môn sở trường của mình, Tài luôn dành chiến thắng trước ba. Không những được đấm lưng, em còn được ba thưởng kèm món cơm gà yêu thích do chính tay ba làm.
"Thời gian gần đây, nhìn đâu hay làm gì em cũng đều như thấy hình dáng của ba, nhất là khi nhìn xuống bếp, bàn ăn gia đình, hay cả trong mơ. Uớc gì em sở hữu được "cây đèn thần" như các YouTuber trên mạng, em sẽ ước ba hồi sinh quay về sống bên gia đình em mãi mãi" - Tài xúc động.
Là một giáo viên của một trường tiểu học trên địa bàn thành phố, mẹ của Tài - chị Huỳnh Thị Tấn Danh cho hay, ngày 16/7, sau khi ba của bọn trẻ nhập viện, thấy tình trạng anh hơi mệt nên chị cũng không gọi điện nhiều.
Liên lạc với con gái để theo dõi tình hình của chồng, chị Danh kể: "Nghe con nói anh đã được đưa vào điều trị đồng thời phải thở oxy, lúc đó tôi đã rất nóng lòng. Điều trị được hai hôm, đến chủ nhật anh khỏe lại và có gọi điện trò chuyện cùng tôi với Tài. Anh nói đã khỏe hơn những ngày trước và tôi đã rất vui mừng. Tuy nhiên sáng hôm sau, bệnh viện báo tin anh mất".
Những cú sốc liên tiếp diễn ra khi vừa nhận được "hung tin", đến con gái thứ 3 của chị Danh cũng dương tính với SARS-CoV-2. buộc phải cách ly điều trị 21 ngày ở Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch. Cố kìm nước mắt, chị giấu nhẹm đi chuyện ba của bọn trẻ đã mất. Tập trung động viên, trấn an tinh thần cho hai đứa con gái nhanh khỏi bệnh.
"Trong cuộc đời tôi, chưa bao giờ gặp cái cảnh tượng khủng khiếp vậy, tôi không dám nghĩ và rất sợ. Thời điểm đó là đỉnh dịch, nhà ai cũng đóng cửa, trong xóm lại có quá nhiều F0. Chồng thì mất ở bệnh viện, hai đứa con cách ly điều trị hai nơi, tình cảnh khốn cùng đến khó tả. Tài khi nghe ba mất cứ chạy ra, chạy vào mếu máo rồi hai mẹ con chỉ biết ôm nhau khóc trong bất lực. Ba bọn trẻ mất rồi, lắm lúc tôi cứ đắm chìm trong những tuyệt vọng, nhìn ba đứa con tuổi chập chững mới lớn đau xót lắm" - chị Danh xúc động.
Theo chị Danh, mùa Trung thu của những năm về trước, gia đình rất hạnh phúc, cả nhà cùng đi chơi. Chị cùng anh dẫn bọn trẻ đi ăn những món mà thường ngày chúng thích, mua cho Tài đèn lồng cùng với những chiếc bánh mà trẻ con thích ăn trong mùa này.
Năm nay có đèn lồng cho Tài nhưng không bánh, không đầy ắp tiếng cười như xưa nữa, thay vào đó là những giọt nước mắt lăn liên hồi trên má của chị và bọn trẻ.
"Vừa qua, hiệu trưởng của trường Tài đang theo học đã có đến thăm hỏi, động viên gia đình tôi đồng thời tặng cho Tài máy tỉnh bảng mini hỗ trợ cho việc học online được thuận tiện hơn. Tôi xin được cảm ơn rất nhiều các tấm lòng hảo tâm của nhà trường đã tạo điều kiện giúp đỡ cho con tôi" - chị Danh nói.
Má nuôi cũng bỏ con đi rồi...
Covid-19 không có hộ khẩu nên nó chẳng biết ranh giới giữa các phường, quận, các tỉnh, thành hay con người để tránh. Nó chỉ biết bu bám, ký sinh trên cơ thể rồi vô tình lấy đi những mạng sống vô tội, biến những đứa trẻ đáng thương trở nên côi cút trong phút chốc.
Nỗi sợ lớn nhất trong đời này không phải là nghèo khó mà là không được thuộc về nơi nào có tình yêu thương. Mồ côi là cảnh đời lạc lõng, khốn khó, thiếu vắng tình cảm cha mẹ và người thân.
Lưu Thiện Lâm trú tại 124/4 Mạc Vân (phường 12, quận 8) có mẹ ruột mắc ung thư mất từ khi bé còn 14 tháng tuổi. Ba Lâm ra ngoài ở riêng, để lại em cùng với hai chị gái của mình sống chung với cậu và dì Hai ở nhà ngoại.
Lâm cho biết, dì Hai (chị đầu của má Lâm) vì lí do riêng không có chồng và con cái, nên xem ba chị em Lâm như những đứa con ruột của mình. Từ nhỏ đã sống chung với dì rất thân thiết, nên ba đứa trẻ này gọi dì Hai bằng má.
"Má Hai buôn bán thực phẩm ở ngoài chợ, ngoài ra còn là tổ trưởng dân phố ở khu vực này. Khi dịch bệnh ập đến, má Hai ngày nào cũng chạy đôn đáo chăm lo cho những người dân sống quanh khu này, vừa chăm lo cho tụi con. Ngày má Hai đổ bệnh rồi mất đi, con khóc nhiều lắm, con phải đi đâu để tìm má Hai về đây" - Lâm nghẹn giọng.
Lâm kể, từ nhỏ, ba chị em Lâm được một tay má Hai nuôi nấng, bất kể đi đâu hay làm gì, má đều quan tâm, giúp đỡ hết mình. Thường ngày, má Hai thương Lâm nhất nhà, chăm lo cho Lâm từng miếng ăn đến giấc ngủ. Đi chợ về có gì ngon đều mua cho Lâm ăn đầu tiên.
"Những lúc má Hai nghỉ bán ở chợ, má dẫn ba chị em con đi sở thú chơi, vì không phải lúc nào cũng có tiền để đến đó chơi nên con thích lắm. Không những được má dẫn đi chơi, má còn mua rất nhiều đồ ăn ngon cho ba chị em.
Con gấu bông sờn rách này là món quà kỉ niệm đắt giá trong một lần sinh nhật của con, má Hai mua tặng. Dù nó có rách nát đến cỡ nào thì đó là món quà duy nhất má để lại, con không quên được hình ảnh của má mỗi khi phiên chợ tan. Con đứng đầu ngõ lóng ngóng đợi má về, tay xách hàng hóa, không quên kèm theo những gói bánh, kẹo cho cả ba chị em. Ngay cả mơ con cũng không dám tin má đã mất, con ghét cái con Covid này" - Lâm òa khóc.
Hụt hẫng, thất vọng, không diễn tả được cảm xúc khi phải nhận tin chị mình ra đi qua đường đột, cậu của Lâm - anh Lưu Thiện Long - cho biết chị Hai (Lâm gọi má Hai) bị phơi nhiễm và mất tại bệnh viện Chợ Rẫy vào ngày 19/8. Trong nhà anh có 8 người (gồm ba đứa anh con, cô ruột anh Long và ba chị em nhà Lâm) rất may không bị nhiễm bệnh.
"Bả thương mấy đứa nhỏ lắm, làm gì cũng nghĩ tới chúng. Buôn bán được bao nhiêu tiền đều để dành lo cho tụi nó hết à. Tôi trước dịch khi đi làm về cũng hỗ trợ chị Hai đóng tiền vào lo cho bọn nhỏ, giờ chị mất rồi, tụi nhỏ ở với tôi, có gì ăn đó, không dám chắc nhưng tôi sẽ cố gắng hết sức chăm lo cho chúng ăn học tử tế" - anh Long bày tỏ.
Theo anh Long, trung thu năm nay dịch bệnh như vậy, trong nhà lại xảy ra đủ thứ chuyện cho nên cũng không tổ chức gì cho bọn trẻ. Mọi năm, anh cùng chị Hai dẫn bọn trẻ đi rước đèn trung thu ở trung tâm văn hóa quận, mua những loại bánh bọn trẻ thích ăn. Tự tay làm ra những cây đèn lồng tặng Lâm vì nó nhỏ nhất trong nhà cho không khí vui tươi hơn.
"Chỉ mong tôi có đủ sức và trông dịch nhanh qua đi, ổn định trở lại công việc để chăm lo cho mấy đứa. giờ chỉ rau cháo lay lắt sống qua ngày thôi" - anh Long chia sẻ.
Chiều 20/9, nhân dịp Tết Trung thu năm 2021, đoàn công tác của Thành ủy, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, do Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên làm trưởng đoàn, đã đến thăm, tặng quà Trung thu và máy tính bảng cho 4 trẻ mồ côi, có cha, mẹ qua đời do Covid-19 trên địa bàn quận 8 (trong đó có 2 trường hợp kể trên là gia đình em Lê Huỳnh Hiếu Tài cùng với em Lưu Thiện Lâm, 2 trường hợp còn lại là gia đình em Huỳnh Minh Thông và Tào Quãng Doanh).
Thay mặt lãnh đạo TP.HCM, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đã thăm hỏi, động viên, chia sẻ với những khó khăn, mất mát to lớn của các em và gia đình, động viên các em cố gắng học giỏi, chăm ngoan để sau này có thể chăm lo cho bản thân, trở thành công dân tốt, có ích cho xã hội.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên khẳng định, TP.HCM sẵn sàng tạo điều kiện cho các cháu học tập; đồng thời lưu ý các gia đình có khó khăn cần liên hệ với địa phương để hỗ trợ cho các em học tập đến nơi đến chốn.