Chúng tôi tìm đến căn nhà chỉ rộng khoảng 40 m2, mái lợp tôn của gia đình anh A Phít (38 tuổi, ở thôn 4, xã Đăk Tờ Re), trong nhà không có vật dụng gì đáng giá ngoài chiếc tủ lạnh. Vợ chồng anh có 2 người con, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào 1 ha mì và mấy con bò nên cũng không dư giả gì nhiều.
"Hiện tại gia đình cũng chỉ đủ ăn thôi, nhưng tôi vẫn quyết định viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã để nhường sự hỗ trợ của nhà nước cho những hộ khác. Bởi nhiều người còn khó khăn, vất vả hơn gia đình tôi", anh A Phít nói.
Cũng tại thôn 4, gia đình anh A Kưng (34 tuổi) cũng tình nguyện làm đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã. Vợ chồng anh có 3 người con đang trong độ tuổi ăn học, cả gia đình chỉ trông chờ vào 8 sào đất trồng mì. Ngoài thời gian làm rẫy, vợ chồng anh phải đi làm thuê để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Thế nhưng anh vẫn quyết tâm xin ra khỏi danh sách hộ nghèo vì cho rằng mình còn trẻ, đủ sức khỏe để lao động sản xuất.
Anh A Kưng chia sẻ: "Tôi còn trẻ, còn đủ sức lao động sản xuất, đảm bảo được đời sống hàng ngày và đủ khả năng vươn lên thoát nghèo. Vì vậy tôi viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo để giảm bớt gánh nặng cho xã hội, cũng là tạo động lực để gia đình phấn đấu".
Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Quốc Thái, Chủ tịch UBND xã Đăk Tờ Re (huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum) cho biết địa phương là xã đặc biệt khó khăn, có tới 79% là người đồng bào dân tốc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo chiếm khoảng 27,67% dân số của xã (khoảng 360 hộ/1.300 hộ). Người dân chủ yếu trồng mì và cao su nhưng mấy năm gần đây giá cả bấp bênh, lại thêm ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên gặp không ít khó khăn.
Mặc dù vậy, trong giai đoạn 2019-2020 toàn xã đã có khoảng 46 hộ dân viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo, năm nay có thêm một số hộ tiếp tục viết đơn.
"Việc nhiều hộ dân của xã vươn lên thoát nghèo cho thấy nhận thức của họ không còn trông chờ, ỷ lại vào chính sách của nhà nước, có ý thức vươn lên thoát nghèo. Đây cũng là động lực để để các hộ dân khác trong xã phấn đấu, noi theo", ông Thái cho biết thêm.