Ngày 22/9, lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh Bình Định cho biết, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) đã có văn bản đề nghị tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn Bình Định.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, thời gian qua, công tác quản lý bảo vệ rừng tại tỉnh Bình Định được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo và đã có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, gần đây tình trạng lấn chiếm, phá rừng tự nhiên, khai thác lâm sản trái pháp luật còn diễn ra ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh.
Dẫn chứng vụ việc lấn chiếm, phá rừng phòng hộ ven biển để làm nhà máy điện năng lượng mặt trời tại huyện Phù Mỹ và vụ phá rừng tự nhiên tại xã Tây Thuận (huyện Tây Sơn), Tổng cục Lâm nghiệp đề nghị Sở NNPTNT Bình Định chỉ đạo lực lượng kiểm lâm phối hợp với các cơ quan chức năng ở địa phương kiểm tra, xác định diện tích rừng bị thiệt hại của các vụ phá rừng trái pháp luật xảy ra tại huyện Phù Mỹ và huyện Tây Sơn.
"Nếu xác định có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì củng cố hồ sơ, chuyển cơ quan điều tra, Viện kiểm sát xem xét xử lý đúng theo quy định của pháp luật", Tổng cục Lâm nghiệp đề nghị.
Ngoài ra, chỉ đạo các đơn vị chủ rừng, cơ quan kiểm lâm phối hợp với địa phương tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng, mở các đợt cao điểm kiểm tra, truy quét đối tượng phá rừng, khai thác rừng trái phép tại các khu vực trọng điểm, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi xâm hại rừng.
Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra tình trạng phá rừng trong thời gian qua nhưng không phát hiện, ngăn chặn kịp thời.
Trước đó, dự án nhà máy điện mặt trời do công ty CP phát triển tầm nhìn Năng lượng sạch làm chủ đầu tư (ở xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ) để xảy ra sự việc lấn chiếm phá 5,26ha rừng phòng hộ.
Giải trình sự việc với UBND tỉnh Bình Định và nhiều cơ quan chức trách địa phương, lãnh đạo công ty CP phát triển tầm nhìn Năng lượng sạch cho rằng, trong quá trình chuẩn bị mặt bằng thi công giai đoạn 2 tại dự án nhà máy 1 (xã Mỹ An), do nhầm lẫn trong xác định ranh giới, cột mốc dự án nên đơn vị thi công đã tác động đến phần đất nằm ngoài ranh giới được UBND tỉnh Bình Định cho thuê với diện tích khoảng 5,2ha, phần lớn là đất trống và rải rác một số cây phi lao, keo.
Vụ việc lấn chiếm phá 5,26ha rừng phòng hộ trái phép ở xã Mỹ An (huyện Phù Mỹ), Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Phù Mỹ Bùi Long Thăng thừa nhận, diện tích rừng bị xâm chiếm, tàn phá khoảng 10 năm tuổi, thuộc rừng phòng hộ ven biển do đơn vị này quản lý.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ Phan Hữu Duy ký báo cáo vụ việc gửi UBND tỉnh Bình Định (ngày 16/9) chỉ nhắc đến hành vi sai phạm lấn chiếm đất của doanh nghiệp và đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long ra quyết định xử phạt hành chính. Trong báo cáo, không hề thống kê, làm rõ số lượng, khối lượng cây do Ban quản lý rừng phòng hộ huyện quản lý bị "đốn hạ" cũng như việc điều tra hành vi phá rừng phòng hộ trái phép.
Sau đó, UBND tỉnh Bình Định đã giao UBND huyện Phù Mỹ chỉ đạo các cơ quan chức năng của huyện này rà soát lại các thủ tục, hồ sơ để có báo cáo cụ thể, chi tiết vụ việc.
Vụ phá 5,06 ha rừng tự nhiên, có chức năng rừng sản xuất, do UBND xã Tây Thuận (huyện Tây Sơn) quản lý, kiểm lâm địa phương cho biết, đây là rừng tự nhiên thường xanh nghèo (trữ lượng gỗ nhỏ), việc phá rừng nghi để lấy đất rừng để trồng keo lai.
Khẳng định vụ phá rừng này, diện tích vượt khung xử phạt vi phạm hành chính, có dấu hiệu tội phạm; Sở NNPTNT tỉnh Bình Định đề nghị UBND huyện Tây Sơn chỉ đạo Công an, Viện kiểm sát, UBND xã Tây Thuận và các cơ quan có liên quan của huyện phối hợp với Hạt Kiểm lâm tiến hành điều tra, xác minh tìm ra đối tượng phá rừng, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.