Dân Việt

Vietcombank chính thức lên tiếng về tài khoản "tạm khóa báo có"

H.Anh 22/09/2021 21:19 GMT+7
Liên quan đến cụm từ "tạm khóa báo có" về vấn đề "sao kê" của Thuỷ Tiên và Công Vinh gây xôn xao dư luận những ngày qua, Vietcombank đã chính thức lên tiếng giải đáp về quy trình và thời gian ngân hàng xử lý đối với các khoản tiền người khác chuyển đến tài khoản "tạm khóa báo có".
Vietcombank thông tin về tài khoản "tạm khóa báo có"  - Ảnh 1.

“Tạm khóa báo có” được cho là từ khóa gây tranh cãi nhất mạng xã hội sau khi một nữ CEO liên tục nhắc đến từ này xoay quanh 18.000 trang sao kê của vợ chồng Thủy Tiên - Công Vinh. (Ảnh: DV)

Thông tin tới Dân Việt, Vietcombank cho biết Điều 16, Thông tư 23/2014/TT-NHNN ngày 19/08/2014 v/v hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán quy định: "Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thực hiện tạm khóa tài khoản thanh toán của khách hàng (tạm dừng giao dịch) một phần hoặc toàn bộ số tiền trên tài khoản thanh toán khi có văn bản yêu cầu của chủ tài khoản (hoặc người đại diện hợp pháp của chủ tài khoản) hoặc theo thỏa thuận trước bằng văn bản giữa chủ tài khoản với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán".

Do đó, "tạm khóa báo có tài khoản" được hiểu là việc ngân hàng tạm dừng giao dịch ghi có vào tài khoản của khách hàng.

Vietcombank thông tin về tài khoản "tạm khóa báo có"  - Ảnh 2.

Vietcombank giải đáp các thắc mắc liên quan đến "tạm khóa báo có". (Ảnh: VCB)

Nếu tài khoản được khóa toàn bộ cả 2 chiều ghi nợ và ghi có hoặc tài khoản được khóa chiều ghi có thì số tiền người khác chuyển vào tài khoản này sẽ không được ghi có vào tài khoản và được hoàn trả cho người chuyển tiền.

Đối với các trường hợp tạm dừng giao dịch ghi có vào tài khoản của khách hàng, tài khoản sẽ không ghi có bất cứ giao dịch nào kể từ thời điểm ngân hàng thực hiện khóa chiều ghi có theo yêu cầu của khách hàng. Theo đó, Vietcombank xử lý theo nguyên tắc sau:

Đối với các giao dịch chuyển tiền trong hệ thống Vietcombank và chuyển tiền nhanh 24/7 ngoài hệ thống qua Napas: hệ thống hiển thị thông báo cho khách hàng và chặn không cho thực hiện giao dịch.

Đối với các giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng qua hệ thống IBPS của Ngân hàng Nhà nước và các giao dịch chuyển đến từ nước ngoài: Khi Vietcombank nhận được các giao dịch chuyển đến này sẽ thực chuyển trả lại ngân hàng chuyển (để ngân hàng này chuyển tiền trả lại người chuyển tiền). Thời gian xử lý giao dịch tuân thủ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (giao dịch qua IBPS) và theo quy định của SWIFT/công ty chuyển tiền nước ngoài.

Như Dân Việt đã đưa tin trước đó, tối ngày 19/9, nữ đại gia Bình Dương Nguyễn Phương Hằng đã có những chia sẻ liên quan đến văn bản mà ngân hàng Vietcombank gửi tới ca sĩ Thủy Tiên trong lần sao kê hơn 177 tỷ đồng tiền từ thiện vừa qua. Đáng chú ý trong văn bản này, nữ đại gia nhấn mạnh đến thuật ngữ "tạm khóa báo có" và có khá nhiều chia sẻ xung quanh vấn đề này.

Với từ khóa "tạm khóa báo có", bà chủ Đại Nam tạm giải thích đây là một cách "treo" tài khoản, tài khoản bị treo này vẫn nhận được tiền sau khi mở trở lại bình thường và trường hợp người khác chuyển vào tài khoản đang tạm khóa báo có thì vẫn chuyển được như bình thường.

Phía Thủy Tiên cũng đã có phản hồi nhanh chóng, làm rõ sự việc. Theo đó, FC Thủy Tiên là cộng đồng fan chính thức và có mối quan hệ thân thiết với nữ ca sĩ, thường được cô cũng như ông xã Công Vinh chia sẻ và đồng tình các ý kiến đưa ra, nêu rõ vấn đề: “Khi chủ tài khoản yêu cầu “tạm khóa báo có”, tiền chuyển vào sẽ tạm thời bị giữ lại theo quy định ngân hàng. Tuy nhiên, số tiền bị đóng băng này sẽ bị treo trong khoảng vài chục phút hoặc vài ngày tùy theo qui trình của từng ngân hàng, sau đó tiền được trả về cho người gửi”. 

Fan của nữ ca sĩ cũng khẳng định Thủy Tiên đã sao kê 3 tháng sau khi báo khóa tài khoản. Điều này được thể hiện rõ ràng trong sao kê, tài khoản không hề nhận thêm bất cứ khoản tiền nào, có nghĩa là toàn bộ tiền đã được trả về cho người gửi.