Xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ cả năm 2021 dự báo đạt khoảng 13-14 tỷ USD. Tuy nhiên, để đảm bảo mục tiêu xuất khẩu, các doanh nghiệp cũng cần đặc biệt chú ý, chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào trong thời gian tới.
Phát biểu tại hội thảo "Chuỗi cung ứng nguyên liệu gỗ cho chiến lược phục hồi ngành công nghiệp gỗ sau Covid-19" mới đây, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19 năm nay, dự kiến xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ cả năm đạt khoảng 13-14 tỷ USD.
Hàng năm, ngành gỗ Việt đang sử dụng gần 50 triệu m3 gỗ nguyên liệu, trong đó nguồn nhập khẩu gần 6,0 triệu m3 gỗ quy tròn và trên 1,5 triệu m3 ván các loại, còn lại là gỗ từ rừng trồng trong nước.
Chuẩn bị cho tái sản xuất và phục hồi, đáp ứng các đơn hàng cho mùa hàng cuối năm đã và đang được các doanh nghiệp chú trọng và lên các phương án.
Cũng như các ngành khác, ngành gỗ đang đối mặt với vấn đề giá cước vận tải tăng, giá nguyên vật liệu tăng, thiếu container rỗng…
Đáng chú ý, nguồn cung, giá cả gỗ nguyên liệu… có những thay đổi là vấn đề cần đặc biệt lưu tâm.
"Đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định, giá phù hợp, nắm bắt được thực trạng, những thay đổi tại các thị trường cung nguyên liệu cho ngành gỗ từ đó có thể có sự chủ động về nguồn cung gỗ nguyên liệu đầu vào cho các ngành gỗ là rất cần thiết", ông Lập nói.
Thống kê của VIFOREST cho thấy, bình quân mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 5,5-6 triệu mét khối gỗ nguyên liệu (chủ yếu là gỗ tròn và gỗ xẻ).
Khoảng trên 40-45% lượng nhập khẩu gỗ từ các nước nhiệt đới, chủ yếu là gỗ tự nhiên; 55-60% còn lại là gỗ ôn đới.
Trong 8 tháng đầu 2021, lượng gỗ nguyên liệu nhập khẩu đạt khoảng 4 triệu m3 quy tròn, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, nhìn chung lượng cung gỗ nhiệt đới và gỗ ôn đới trong 8 tháng năm 2021 đã tăng lần lượt 23% và 7% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, gỗ ôn đới được nhập chủ yếu từ Mỹ, các nước châu Âu, Canađa, New Zealand và Australia. Phần lớn nguồn gỗ ôn đới được đưa vào chế biến thành các sản phẩm phục vụ xuất khẩu. Một phần còn lại được sử dụng cho tiêu dùng nội địa.
Với các loại ván nhân tạo, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 1,5 triệu m3, chủ yếu là ván dăm, ván sợi và gỗ dán. Lượng nhập 8 tháng đầu 2021 đạt 1,4 triệu m3, tăng 47% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 4/2021 đến nay lượng nhập nhìn chung giảm.
Các doanh nghiệp ngành gỗ cho biết, trong thời gian khoảng 1 năm tới, luồng cung gỗ ôn đới từ châu Âu và Mỹ có thể tiếp tục giảm, không chỉ do đại dịch Covid-19 mà còn do lượng cung từ các nguồn này được sử dụng phục vụ tiêu dùng nội địa tại chính các thị trường này.
Điều này làm cho giá gỗ nhập khẩu từ những nguồn này vào Việt Nam tăng. Tuy nhiên, một phần giảm sút các nguồn cung này có thể được thay thế từ New Zealand, Mỹ La tinh và đặc biệt là từ Australia.
"Để chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào sắp tới, các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ các nguồn cung gỗ, đặc biệt là nguồn cung từ Mỹ và các nước EU bởi đây là các vùng có nhiều biến động về cung, bao gồm giá nguyên liệu", ông Lập nhấn mạnh.