Không phải ngẫu nhiên mà trái vải thiều Bắc Giang lại được xuất khẩu đi các thị trường khó tính nhất thế giới hiện nay như: Nhật Bản, EU, Mỹ, Úc…
Đó là kết quả của cả một quá trình nông dân dày công chăm sóc, tuân thủ quy định nghiêm ngặt từ phía đối tác đặt ra, cùng với sự quyết tâm từ chính quyền địa phương. Trong đó, việc cấp mã số vùng trồng cho trái vải thiều là một trong những dấu ấn như vậy.
Nhìn lại giá trị mang lại của trái vải thiều, ông Nguyễn Thế Thi - Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) cho biết, vải thiều Lục Ngạn được cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại thị trường khó tính Nhật Bản là thành quả từ sự nỗ lực của tỉnh, huyện cũng như người trồng vải trong suốt gần 2 năm.
"Người trồng vải ở Lục Ngạn sẽ có thêm những cơ hội để nâng giá trị loại cây đặc sản này" - ông Thi nói.
"Yếu tố cốt lõi để có thể xây dựng, quản lý và đẩy mạnh việc cấp mã số vùng trồng là khâu tổ chức sản xuất. Mã số vùng trồng là giai đoạn sau của tổ chức sản xuất nên việc phải thực hiện đầu tiên là hình thành được những vùng trồng tập trung".
Ông Nguyễn Hồng Yến - Chi cục trưởng
Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Hòa Bình
Tận dụng cơ hội này, ngay từ đầu năm 2021, cơ quan chuyên môn của huyện Lục Ngạn đã chỉ đạo triển khai 27 mã số vùng trồng đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản với diện tích 194,5ha, tăng 9 mã so với năm 2020 (tăng 96,5ha).
Để vải thiều đủ điều kiện "đi" Nhật, UBND huyện Lục Ngạn đã trích kinh phí hỗ trợ 100% tem nhãn cho các hợp tác xã, doanh nghiệp; 50% thuốc bảo vệ thực vật (loại thuốc được phía Nhật Bản cho phép sử dụng) đối với các vùng trồng đã được cấp mã số. Đồng thời, huyện sẽ liên kết mở một gian hàng giới thiệu vải thiều tại khu phố đi bộ của TP.Hà Nội - nơi có nhiều khách nước ngoài.
Ông Lê Bá Thành - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bắc Giang cho biết, để duy trì chất lượng, thương hiệu đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, kể cả những thị trường khó tính, tỉnh Bắc Giang đã giám sát nghiêm ngặt các mã vùng trồng, đảm bảo cây vải được chăm sóc, thu hoạch theo đúng yêu cầu kỹ thuật.
Tại tỉnh Hòa Bình, từ năm 2019 đến nay, hoạt động hỗ trợ cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu trái cây đã được Chi cục chú trọng triển khai. Bước đầu, Hòa Bình tập trung cho một số cây có tiềm năng xuất khẩu như nhãn, chuối, thanh long.
Theo bà Hoàng Thị Bích Huệ - Trạm trưởng Trạm Kiểm dịch thực vật nội địa tỉnh Hòa Bình, đến tháng 5/2021, toàn tỉnh đã được Cục Bảo vệ thực vật cấp 8 mã số vùng trồng với diện tích 76,3ha và 6 mã số cơ sở đóng gói.
Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc 6 mã số bao gồm: Nhãn (1 mã), thanh long (2 mã), chuối (3 mã); xuất sang thị trường Úc có 2 mã trên cây nhãn.
Từ những vùng trồng được cấp mã số, trong năm 2020, đã có 120 tấn nhãn Sơn Thủy của huyện Kim Bôi và 180 tấn chuối của TP.Hòa Bình được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Mặc dù tiềm năng rất lớn về cây ăn quả, nhưng việc cấp mã số vùng trồng ở Hòa Bình còn rất khiêm tốn. Công tác tiêu thụ gặp vẫn nhiều bất cập khi chưa có giải pháp cụ thể cho từng loại cây trồng.
Ông Bùi Văn Miển - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Sơn Thủy, huyện Kim Bôi (Hòa Bình) cho biết, HTX có 41 thành viên, với tổng diện tích trồng nhãn 34ha theo tiêu chuẩn VietGAP, trong đó được cấp 2 mã số vùng trồng tương đương 18,8ha.
Năm 2020, HTX đã xuất bán 120 tấn nhãn với giá 12.000/kg, cao hơn hẳn so với những diện tích ngoài vùng được cấp mã chỉ bán cho thương lái trong nước với giá 7.000-8.000 đồng/kg.
Theo ông Miển, quả nhãn được cả thị trường trong nước và ngoài nước ưa chuộng. Tuy nhiên, khả năng tiêu thụ trong nước lại rất hạn chế. Hàng năm, có nhiều cửa hàng nông sản sạch, các siêu thị trong tỉnh cũng như các tỉnh khác đến đặt vấn đề thu mua, nhưng lượng thu mua không đáng kể.
Đối với thị trường xuất khẩu, đến nay việc tiêu thụ của HTX vẫn phải thông qua một đơn vị trung gian ở tỉnh Bắc Giang. Đơn vị này thu mua rồi đóng gói sản phẩm vào bao bì, nhãn mác của họ rồi xuất sang Trung Quốc.
Điều này tạo nên một bất cập rất lớn khi chính các chủ vườn không được tiếp cận trực tiếp với thương lái nước bạn. Thương hiệu nhãn Hòa Bình cũng như lợi nhuận của các hộ trồng bị ảnh hưởng không nhỏ.
Tương tự các hộ trồng nhãn, những hộ trồng thanh long cũng đang gặp khó trong việc tiêu thụ sản phẩm của mình. Ông Vũ Ngọc Quang (khu Quyết Tiến, thị trấn Ba Hàng Đồi, huyện Lạc Thủy, Hòa Bình) cho hay, gia đình có 7,8ha trồng thanh long theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Năm 2020, ông xuất bán được 100 tấn, chủ yếu bán ở thị trường trong nước tại các siêu thị, cửa hàng nông sản sạch như: BigC, mediamart, siêu thị Lan Chi…
Theo ông Quang, bản thân các hộ trồng rất mong muốn sản phẩm của mình được đưa đi xuất khẩu vì nó sẽ mang lại giá trị cao hơn. Từ khi được cấp mã số vùng trồng, các cơ quan quản lý cũng tạo điều kiện liên hệ với các bạn hàng để đưa sản phẩm xuất khẩu.
Tuy nhiên, yêu cầu về sản lượng khi xuất khẩu là rất lớn trong khi diện tích trồng đạt tiêu chuẩn của khu vực chưa nhiều. Mặt khác, các quy định, thủ tục, kế hoạch thu mua lại không phù hợp với khung thời vụ của thanh long.
Ngoài ra, công tác sơ chế, đóng gói sản phẩm theo đúng quy định mới chỉ thực hiện được ở một số ít doanh nghiệp với một số sản phẩm rau, chuối, chè... Đối với những diện tích cấp mã số vùng trồng, hầu hết các sản phẩm do các doanh nghiệp ngoài tỉnh thực hiện sơ chế, đóng gói và xuất khẩu.