Trung Quốc mua nhiều trái cây của Việt Nam nhưng đòi hỏi phải có mã số vùng trồng

Khánh Nguyên Thứ ba, ngày 03/08/2021 13:58 PM (GMT+7)
6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu rau quả đạt 2,03 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2020. Hiện, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu trái cây chủ lực của Việt Nam nhưng thị trường này đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng và phải có mã số vùng trồng.
Bình luận 0

Trung Quốc mua nhiều trái cây Việt, nhưng đòi hỏi ngày càng cao

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng rau quả trong quý II/2021 đạt 1,06 tỷ USD, tăng 22,3% so với quý II/2020. 

Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu rau quả đạt 2,03 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2020. 

Xuất khẩu hàng rau quả tăng trưởng khả quan trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, nhờ việc điều hành hoạt động xuất khẩu linh hoạt từ phía cơ quan chức năng, nên không còn tình trạng ùn ứ, đặc biệt tại các cửa khẩu.

Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu hàng rau quả lớn nhất của Việt Nam, cũng là thị trường nhập khẩu hàng rau quả lớn thứ 3 trên thế giới, với trị giá nhập khẩu trong quý I/2021 đạt 5,27 tỷ USD, tăng 32,3% so với quý I/2020, chiếm 7,5% tổng trị giá nhập khẩu hàng rau quả thế giới. 

Tỷ trọng nhập khẩu hàng rau quả từ Việt Nam chiếm 6,8% tổng trị giá nhập khẩu mặt hàng này của Trung Quốc trong quý I/2021, giảm 2,4 điểm phần trăm so với quý I/2020.

Thị trường Trung Quốc hiện nay đòi hỏi rất cao về chất lượng, mẫu mã, bao bì, quy cách đóng gói, đặc biệt là Trung Quốc rất chú trọng mã số vùng trồng. Yêu cầu này bắt buộc đối với hàng hóa của tất cả các quốc gia. 

Để xuất khẩu bền vững sang thị trường lớn này, cần đẩy mạnh xây dựng các mã số vùng trồng nhằm đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc, đảm bảo minh bạch, an toàn đối với hàng rau quả của Việt Nam.

Sầu riêng rớt giá may quá Trung Quốc đồng ý phương án xuất khẩu tạm thời  - Ảnh 1.

Trung Quốc mua nhiều trái cây của Việt Nam. Trong ảnh: Nông dân Cần Thơ thu hoạch sầu riêng. Ảnh: Báo Cần Thơ.

Mỹ, Nhật Bản tăng mua, trái cây Việt Nam nhiều cơ hội

Triển vọng xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong nửa cuối năm 2021 có nhiều thuận lợi, nhất là ở thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản. 

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã chính thức được cấp phép xuất khẩu 6 loại quả tươi sang Mỹ gồm xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa. Các loại quả khác có thể được xuất khẩu ở dạng đông lạnh hoặc sản phẩm chế biến (đóng hộp, sấy khô).

Quý I/2021, thị trường Mỹ chi 13,2 tỷ USD nhập khẩu hàng rau quả, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ trọng nhập khẩu hàng rau quả của Mỹ chiếm 18,9% tổng trị giá nhập khẩu hàng rau quả trên thế giới.

Tuy nhiên, trị giá nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm 0,6% trong tổng trị giá nhập khẩu hàng rau quả của Mỹ, như vậy thị trường Mỹ vẫn còn có rất nhiều tiềm năng đối với hàng rau quả của Việt Nam.

Bên cạnh những thuận lợi, hoạt động xuất khẩu trái cây, đặc biệt là trái cây tươi sang Mỹ cũng gặp các khó khăn như: Sản phẩm của Việt Nam phải cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại được trồng ngày càng nhiều tại các bang ở Mỹ hay tại Mexico và các nước Nam Mỹ có điều kiện tự nhiên gần giống Việt Nam, cũng như sản phẩm của các nước châu Á khác và sản phẩm thay thế được trồng ngay tại Hoa Kỳ.

Do khoảng cách địa lý, chi phí vận chuyển, bảo quản cao nên giá thành trái cây của Việt Nam sẽ khó cạnh tranh. Quả tươi có mùa vụ ngắn cũng đòi hỏi các khâu trong chuỗi phân phối phải rất kỹ càng và cẩn thận.

Trung Quốc cho xuất khẩu tạm thời sầu riêng Việt Nam, Mỹ, Nhật Bản mua nhiều nhưng yêu cầu cao - Ảnh 2.

Xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Anh có nhiều triển vọng. Trong ảnh: Tỉnh Sơn La cắt băng đưa lô hàng nhãn xuất khẩu sang EU và Vương quốc Anh năm 2021. Ảnh: Sùng Thiên Long

Anh là thị trường nhập khẩu hàng rau quả lớn thứ 4 trên thế giới trong quý I/2021, đạt 4,04 tỷ USD, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Tuy nhiên, cho đến nay, thị phần hàng rau của của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Anh ở mức rất thấp. 

Trong quý I/2021, mặc dù nhập khẩu hàng rau quả của Anh từ Việt Nam tăng, nhưng thị phần hàng rau quả của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Anh chỉ chiếm 0,1%. 

Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Anh sẽ mang lại cơ hội tiếp cận và mở rộng thị trường cho doanh nghiệp rau quả. 

Nhiều sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam như: Vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, dứa, dưa… sẽ có thêm lợi thế tiếp cận thị trường trong bối cảnh các loại hoa quả nhiệt đới xuất xứ từ các quốc gia cạnh tranh như Brazil, Thái Lan, Malaysia… đều chưa có FTA với Anh. 

Cũng giống như EU, Anh kiểm soát rất chặt chẽ việc sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón và các sản phẩm hóa chất dùng trong sản phẩm nông nghiệp.

Để có thể mở rộng thị phần tại Anh, doanh nghiệp xuất khẩu rau quả Việt Nam phải đáp ứng một cách bền vững các quy định pháp luật của Anh về an toàn vệ sinh thực phẩm, giới hạn dư lượng thuốc trừ sâu thấp, kiểm dịch thực vật, giống cây biến đổi gien, khả năng truy xuất nguồn gốc rõ ràng... 

Nhật Bản là một thị trường xuất khẩu rau quả tiềm năng của Việt Nam khi đây là một trong 10 thị trường nhập khẩu hàng rau quả lớn trên thế giới. 

Trong quý I/2021, nhập khẩu hàng rau quả của Nhật Bản đạt 2,21 tỷ USD, giảm 2,7% so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ trọng nhập khẩu của Nhật Bản trong tổng nhập khẩu của thế giới quý I/2021 chiếm 3,1%.

 Mặc dù đây là thị trường tiềm năng, nhưng thị phần hàng rau quả của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Nhật Bản mặc dù đã cải thiện so với cùng kỳ năm 2020, nhưng cũng chỉ chiếm 1,8% trong quý I/2021. 

Hiện nay Việt Nam đã được cấp phép xuất khẩu chuối, xoài, thanh long và vải sang Nhật Bản. Nhu cầu của thị trường Nhật Bản cho các loại quả tươi này là rất lớn, nhưng sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ. Do đó đây là thị trường nhiều tiềm năng đối với ngành rau quả Việt Nam.

Tuy nhiên, Nhật Bản là quốc có yêu cầu cao về tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây là thách thức đối với ngành hàng rau quả của Việt Nam. 

Theo các quy định của Nhật Bản, các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm rau quả được yêu cầu rất cao, đòi hỏi về tiêu chuẩn chất lượng và dư lượng hóa chất nông nghiệp. Nếu bị phát hiện có các dư lượng vượt quá mức cho phép, sau đó các sản phẩm này sẽ bị giám sát rất chặt chẽ. 

Các mặt hàng khi đến thị trường Nhật Bản không thể thiếu 5 yếu tố (5S) gần như đã thành quy chuẩn gồm: sạch sẽ, sàng lọc, cắt bỏ những thứ không cần thiết, môi trường trong sạch và để đồ đạc ngăn nắp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem