Dân Việt

Doanh nghiệp khó tiếp cận các gói hỗ trợ

Quốc Hải 28/09/2021 07:00 GMT+7
Dù Chính phủ đã dành nhiều gói hỗ trợ cho doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn do dịch Covid-19 để phục hồi sản xuất, nhưng trên thực tế, các DN vẫn khó tiếp cận các gói hỗ trợ này…

DN vẫn khó tiếp cận vì điều kiện "ngặt nghèo"

Hơn một năm qua, cơ sở may Thanh Loan (huyện Bình Chánh) không thể hoạt động do dịch bệnh. Chị Nguyễn Thị Loan, chủ cơ sở cho biết, vẫn đang còn khoản vay tại một ngân hàng thương mại với giá trị gần 4 tỷ đồng cho máy móc, thiết bị và hiện đang phải "gồng" lãi suất thương mại với khoản vay này.

"Vợ chồng tôi liên tục hỏi ngân hàng về các chương trình hỗ trợ DN gặp khó khăn do dịch Covid-19, nhưng đến nay vẫn chưa có tín hiệu phản hồi", bà Loan cho biết.

Theo bà, khi biết Chính phủ có gói hỗ trợ lãi suất 0% để trả lương công nhân, bà liền liên hệ để vay, nhưng cơ sở lại vướng điều kiện là "không có nợ xấu".

Gỡ khó kinh doanh hậu Covid-19: Doanh nghiệp khó tiếp cận các gói hỗ trợ - Ảnh 1.

Người dân xã Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) xếp hàng chờ nhận hỗ trợ 1,5 triệu đồng/hộ - Ảnh: Quốc Hải

"Thực sự yêu cầu này rất khó đáp ứng, bởi kinh doanh khó khăn, hầu như rất ít DN không có nợ xấu, nhất là trong bối cảnh giãn cách liên tục gần 2 năm qua", bà Loan nói.

Khó khăn của bà Loan cũng là khó khăn chung của nhiều DN. Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cho biết, để tiếp cận nguồn vốn trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất, kinh doanh theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, các DN phải đảm bảo đủ các điều kiện theo Quyết định số 23/2021 của Chính phủ.

Đó là, DN phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết 31/3/2022.

Bên cạnh đó, người lao động phải đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, DN không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, đồng thời, phải hoàn thành quyết toán thuế năm 2020 tại thời điểm đề nghị vay vốn và có phương án hoặc kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh...

Trong khi đó, phần lớn DN hiện nay đều vướng vào điều kiện có nợ xấu tại tổ chức tín dụng hoặc chưa quyết toán thuế năm 2020.

Tại Đối thoại chuyên đề "Gói hỗ trợ lãi suất: Vốn phải đến đúng đích" do VnEconomy tổ chức tối 25/9, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam (Vietravel), cho hay, gói giải ngân hỗ trợ của Chính phủ nhiều vấn đề quá, chủ trương có nhưng thủ tục nhiều. Tại Vietravel 1.700 người lao động nhưng nhận gói hỗ trợ du lịch thì chỉ có 141 người được nhận theo đúng tiêu chí.

Theo ông Kỳ, gói hỗ trợ của Chính phủ thời gian qua, địa phương yêu cầu người lao động phải có giấy thất nghiệp nhưng vướng chỉ thị 16 không thể đi phô tô giấy được .

"Thực tế, đa số DN đang có nhiều khoản vay cần được giãn nợ, cơ cấu lại nợ bởi phải tạm ngưng hoạt động hoặc cắt giảm nhiều hoạt động từ 3 - 4 tháng qua nên gặp khó khăn về dòng tiền để trả nợ ngân hàng. Vì vậy, mong muốn của DN lúc này là được ngân hàng "bơm" một lượng vốn lớn để có thể phục hồi sản xuất", ông Dũng nói.

Doanh nghiệp sản xuất đã khó tiếp cận nguồn vốn, với các DN được "gán mác" nguy cơ cao như các DN BĐS thì càng khó khăn hơn.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp Hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), kẹt tiền, kẹt vốn, bị mất thanh khoản là rủi ro và là nguy cơ lớn nhất mà các DN BĐS phải đương đầu, mặc dù có thể vẫn còn tài sản nhưng do chưa bán được dẫn đến thiếu dòng tiền, nên doanh nghiệp có thể bị… "chết trên đống tài sản" của chính mình.

Cái khó "thiếu dòng tiền" có liên quan trực tiếp đến "cái khó về tín dụng" vì trong lúc này lãi suất vay ngân hàng chưa giảm như kỳ vọng và DN vẫn phải trả lãi ngân hàng đều đặn hằng tháng. Thậm chí, có DN phải đi "vay nóng" để trả lương, duy trì hoạt động tối thiếu…

"Oxy" cho doanh nghiệp liệu đã đủ mạnh?

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho biết thời gian qua ngành ngân hàng đã tận lực hỗ trợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã liên tiếp 3 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản, tạo điều kiện tiếp cận vốn đầu nguồn để các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay.

Gỡ khó kinh doanh hậu Covid-19: Doanh nghiệp khó tiếp cận các gói hỗ trợ - Ảnh 3.

Các chuyên gia tài chính đề xuất nhiều giải pháp để hỗ trợ lãi suất trúng đích - Ảnh chụp màn hình: Quốc Hải

Nhờ vậy, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khoảng 1%/năm trong năm 2020 và xu hướng giảm lãi suất này vẫn tiếp tục trong hơn nửa năm 2021 với mức giảm khoảng 0,55%/năm (tổng cộng giảm 1,55%/năm so với trước dịch).

Luỹ kế từ 23/1/2020 đến 31/8/2021, tổng số tiền các tổ chức tín dụng miễn, giảm, hạ cho khách hàng lên tới 26.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, nhờ có Thông tư 01, Thông tư 03 và hiện tại là Thông tư 14, đã có 215.320 khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ. Lũy kế giá trị nợ được cơ cấu từ 23/1/2020 là khoảng 520.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, cho biết gói cấp bù lãi suất 3.000 tỷ đồng tương đương quy mô dư nợ hơn 100.000 tỷ đồng sẽ được ngành ngân hàng "bơm" ra nền kinh tế trong thời gian tới để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Gỡ khó kinh doanh hậu Covid-19: Doanh nghiệp khó tiếp cận các gói hỗ trợ - Ảnh 5.

Người dân vay vốn tại NHCSXH TP.HCM chi nhánh Củ Chi - Ảnh: Thanh Tàu

Tuy nhiên, đánh giá về gói hỗ trợ này, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, cho rằng, quy mô gói cấp bù lãi suất 3.000 tỷ đồng vẫn quá nhỏ, không thấm vào đâu để tạo ra sức bật giúp nền kinh tế phục hồi rõ nét.

Theo đề xuất của ông Nghĩa, có thể dùng chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương tạo hiệu ứng giảm mặt bằng lãi suất chung chẳng hạn, 1%/năm. Cộng với gói kích thích lãi suất này, đâu đó 2-3%/năm, tạo nên một hiệu ứng giảm lãi suất tương đối rõ rệt cho các DN, có thể lên đến 4%.