Đối với người dân lao động, nghỉ làm một ngày là thiếu ăn một ngày. Thế nhưng, nhiều tháng qua họ đã phải "chôn chân" một nơi, không thể về quê cũng chẳng thể đi làm kiếm tiền. Chính vì vậy, cuộc sống đã khó khăn, càng khó khăn.
Chồng chất khó khăn
Trong căn phòng trọ chật hẹp chưa đến 10m2, bà Nguyễn Thị Mai (sinh năm 1968, quê Sóc Trăng) đang ở cùng mẹ và chị gái. Trong phòng, chỉ có chiếc tivi cũ kỹ là đồ dùng có giá trị, còn lại chỉ toàn dăm ba thứ cũ mèm, mốc meo.
Vì phòng quá nhỏ, bà Mai dành một góc để kê tấm nệm sờn rách cho người mẹ già nằm nghỉ, còn mình thì mắc cái võng bên cạnh để tiện trông nom. Người chị gái hơn sáu chục tuổi vẫn phải leo lên gác xép nhỏ để chợp mắt mỗi đêm.
Vừa bóp tay cho mẹ, bà Mai vừa kể, lúc dịch chưa bùng phát, để mẹ ở quê không đành nên hai chị em đưa mẹ lên thành phố để tiện chăm sóc. Đã 96 tuổi nên sức khỏe mẹ bà Mai rất yếu, hay đau ốm, chân tay lúc nào cũng run rẩy. Chị em bà Mai phải thường xuyên đưa mẹ lên chùa châm cứu và bốc thuốc bồi bổ.
Trước đây, mỗi ngày chị gái của bà Mai đi bán vé số, cứ gần trưa thì chạy về lo cơm nước cho mẹ. Còn bà Mai làm nghề tự do, ai kêu gì làm đó. Hôm thì phụ hồ, hôm chở đồ thuê, vệ sinh nhà cửa… thậm chí chạy xe ôm. Cứ có việc gì là bà Mai làm hết, không nề hà khó khăn, miễn có tiền để trang trải. Cuộc sống của ba mẹ con vốn rất chật vật, chưa bao giờ bớt khó khăn thì đại dịch ập đến.
"Suốt mấy tháng qua, tôi thất nghiệp ở nhà. Cả ngày chỉ biết ngồi trước cửa nhìn ra, tiền không có nên thực phẩm, thuốc thang để chăm sóc mẹ cũng đành chịu. Thời gian đầu, khi chị tôi còn đi bán vé số được thì còn đỡ, sau này chị ấy cũng phải ở nhà luôn nên cả nhà rơi vào cảnh túng thiếu. Ngày trước đi làm ngày nào biết ngày đó, tiền có bao nhiêu thì dành ra để trả thuê phòng trọ, còn lại là lo ăn uống, thuốc thang cho mẹ. Giờ chỉ biết bất lực nhìn nhau" – bà Mai nói.
Cầm cự được một tháng, thấy tình hình không ổn, hai chị em bà Mai bàn tính đưa mẹ về quê. Lúc này, TP.HCM cũng rơi vào trạng thái căng thẳng nhất vì dịch bệnh nên cấm người dân di chuyển ra khỏi thành phố. Thế là ba mẹ con mắc kẹt, về không được, mà ở lại thì khó khăn chồng chất khó khăn.
"Cũng nhờ mạnh thường quân hỗ trợ gạo, rau rủ, đồ hộp các kiểu nên mẹ con tôi và các gia đình ở đây có thể bám trụ được tới giờ. Đợt vừa rồi, dãy trọ này cũng nhận được tiền trợ cấp, mỗi phòng 1,5 triệu đồng. Có tiền, tôi chạy đi mua ít đồ ăn bồi bổ cho mẹ, mua thuốc, vitamin C và ít trái cam để mẹ uống phòng bệnh… là hết luôn. Cũng may chủ trọ tốt bụng, tháng thì bớt vài ba trăm, tháng thì cho nợ lại tiền thuê nên cũng không bị áp lực trả chi phí ở trọ" – bà Mai thở dài.
Hiện tại, bà Mai cho biết đang rất sốt ruột, mong chờ được đi làm trở lại. Bởi, ròng rã hơn 4 tháng trời chật vật với cuộc sống, suốt ngày chỉ biết chờ đợi, trông vào sự quan tâm của xã hội nên ai cũng mỏi mệt.
"Giờ chỉ mong sớm được đi làm trở, kiếm tiền trả nợ và lo cho cuộc sống. Kéo dài thêm nữa chắc không ai chịu nổi. Dãy trọ này có cả chục trường hợp đang vật lộn với cuộc sống mỗi ngày, nhà thì có con nhỏ, nhà có mẹ già, nhà lại có người bệnh… tất cả đều chỉ biết ngồi ngóng được đi làm trở lại" - bà Mai cho biết.
Cách nhà bà Mai khoảng 25km, tại ấp Bình Lợi, phường Thạnh Mỹ Lợi, TP.Thủ Đức, rất nhiều người dân các tỉnh như Bạc Liêu, Tiền Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng… cũng bị mắc kẹt lại thành phố trong thời gian dài và đang rất chật vật với cuộc sống.
Cũng như những lao động khác, trước khi dịch bệnh, những người dân này đã làm đủ nghề để mưu sinh. Đàn ông thì làm thợ hồ, phụ hồ, bốc vác, xe ôm… phụ nữ thì làm công nhân, dọn xà bần, làm vệ sinh tại các công trình… Cuộc sống dù không dư dả nhưng vẫn có thể chắt chiu, tiết kiệm để lo chi phí hàng ngày và gửi về quê cho con cái học hành.
Vừa ngồi sơ chế cá rô phi mới đi bắt từ kênh trở về, chị Trần Thị Thủy (sinh năm 1974, quê Bạc Liêu) cho biết, xóm trọ chị đang ở có 6 hộ dân từ các tỉnh miền Tây lên TP.HCM lập nghiệp.
Theo đó, khoảng 3 tháng nay, tất cả người dân tại đây đều rơi vào cảnh thất nghiệp. Ban đầu, ai cũng nghĩ như các đợt dịch trước, chỉ một thời gian ngắn thì mọi việc trở lại bình thường nên ráng nán lại thành phố để chờ đợi. Nhưng không ngờ, đợt dịch lần này nguy hiểm và kéo dài cho tới hiện tại.
"Tiền bạc thì ngày càng cạn kiệt mà thông tin dịch bệnh vẫn cứ tăng, không thấy giảm. Cứ vài ngày lại thấy nhân viên y tế đến đưa người đi cách ly ở các dãy nhà gần đây, thậm chí có cả người qua đời vì Covid-19 khiến chúng tôi sợ hãi vô cùng. Chúng tôi ở đây ai cũng muốn về quê, vừa được gần gia đình, vừa đỡ lo sợ dịch bệnh. Song, đi không được, ở thì chẳng có gì ăn" - chị Thủy ngậm ngùi.
Chị Thủy cho biết, để có thức ăn, cứ vài ngày một lần đàn ông trong dãy trọ lại đi bắt cá tại các kênh, rạch gần nhà. Hôm nào trúng thì được vài ký cá mang về kho mặn để ăn dần, hôm nào xui thì chỉ được vài con cá rô phi, cá lòng tong hoặc mấy con ốc. Các chị thì len lén chạy ra đồng nhổ bông súng, hái rau dại về để cải thiện bữa ăn.
"Khổ quá làm liều cô chú ơi, gạo hết, thức ăn hết, mắm muối cũng hết. Tiền thì không có, giờ không đi săn bắt hái lượm thì lấy gì ăn. Người lớn có thể ăn mì gói ngày này qua tháng nọ, chứ để trẻ con ăn vậy không đành lòng. Chỉ mong sao dịch sớm hết, sớm được ổn định lại cuộc sống chứ giờ khổ, quá khổ. Chúng tôi ngồi trông từng giờ, từng phút để được đi làm lại!" - chị Thị Ngọc Hai (31 tuổi, quê Hậu Giang), người dân cùng xóm trọ với chị Thủy cho biết.
Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Văn Ngoan (60 tuổi, chủ dãy trọ nơi 6 hộ dân đang sinh sống tại ấp Bình Lợi, phường Thạnh Mỹ Lợi, TP.Thủ Đức) cho biết, vợ chồng ông cùng một đứa cháu ngoại cũng đang sinh sống kế dãy nhà này.
Thông thường, tiền thuê trọ mỗi căn là 1,5 triệu đồng, thấy người thuê trọ không đi làm được nên ông bà miễn phí một tháng. Các tháng tiếp theo thì cho họ nợ lại, chừng nào đi làm có tiền thì đóng.
"Vợ chồng tôi vay mượn tiền để xây được mấy căn phòng trọ này, cuộc sống của gia đình cũng trông cậy vào đây. Thấy mọi người khó khăn, vất vả quá nên vợ chồng tôi hỗ trợ 1 tháng tiền nhà, thi thoảng tặng thêm gạo, đồ ăn giúp họ. Tiền thuê trọ các tháng tiếp theo nếu ai có thì đóng, không có thì cứ để đó tính sau" - ông Ngoan nói.