Hà Nội những ngày giãn cách: Lao động nghèo được phát phiếu đi chợ, cũng không có tiền để mua

Nhóm PV Thứ bảy, ngày 28/08/2021 08:47 AM (GMT+7)
Hà Nội cách ly xã hội để chống dịch, bà Mai 2 lần được phường phát phiếu đi chợ. Bà chẳng có tiền nên tờ phiếu vẫn còn mới cứng vì chưa một lần dùng đến. Giờ đây, khi bà nhận được phần quà từ Báo NTNN/Dân Việt, phiếu đi chợ sẽ được sử dụng.
Bình luận 0


Báo NTNN/Điện tử Dân Việt trao những phần quà của các nhà hảo tâm đến sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Video: Phạm Hưng - Viết Niệm.

Hơn 2 tháng chưa một lần đi chợ

Căn nhà trọ ẩm thấp, nắng chẳng bao giờ tới còn khi mưa ngập vào tận giường là nơi ở bà Vũ Thị Mai (SN 1955, quê Nam Định). Nó nằm trong con ngõ nhỏ 121 đường Lê Thanh Nghị (Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Ngày 27/8, Báo Nông Thôn Ngày Nay/Điện tử Dân Việt cùng các Mạnh Thường Quân trao tặng gần 500 suất quà cho gia đình người lao động nghèo, người già neo đơn, ốm nặng trên địa bàn Hà Nội.

Mỗi phần quà gồm: 5kg gạo, trứng, dầu ăn, rau.

Trường hợp hoàn cảnh đặc biệt đoàn từ thiện dành tặng thêm tiền mặt.

Hơn 10 năm trước, bà lên Hà Nội để chăm sóc người chồng phải chạy thận ở bệnh viện Bạch Mai. Kể từ đó phòng trọ ẩm thấp với mức giá 1 triệu đồng/tháng thành nơi trú chân của ông bà.

Con cái đã có gia đình riêng nhưng cũng không có điều kiện để hỗ trợ nên ông bà tự chăm nhau. Mấy năm trước, ông mất, bà chẳng về quê mà chọn ở lại Hà Nội để bán bánh mì, hoa quả dạo quanh bệnh viện Bạch Mai.

Ngày bán xông xênh bà cũng có được 100.000 đồng – 200.000 đồng để trang trải cuộc sống. Khi Hà Nội bùng phát dịch bệnh, cuộc sống của bà đi vào bế tắc. 

Hơn 2 tháng nay, bà không thể đi làm, không có tiền, bà cũng chẳng một lần đi chợ dù được phường phát phiếu.

"Năm ngoái, bệnh viện là ổ dịch nên năm nay khi bùng dịch là người ta không cho bán hàng rong, giờ cũng không đi ra ngoài nên cũng chẳng làm được gì. Phường cũng 2 lần phát cho phiếu đi chợ nhưng bà có ra đến chợ bao giờ. Tiền đâu mà mua, đi làm gì" – bà Mai ngậm ngùi.

Từ mai phiếu đi chợ được dùng - Ảnh 2.

Bà Mai (bên phải) chia sẻ về hoàn cảnh gia đình mình. Ảnh: Bảo Yến

Khi được hỏi về việc ăn uống trong những ngày giãn cách xã hội bà cho biết có được nhận gạo từ phường và bà cũng nhận được sự chia sẻ từ những người dân ở xóm chạy thận bên cạnh.

"Ở xóm chạy thận họ được nhiều quà hỗ trợ từ các đoàn từ thiện nên khi thấy mình khó khăn họ lại chia cho gói mì tôm, cân gạo, bó rau. Vậy là mình cũng qua bữa" - bà Mai cho biết.

Cúi người xuống giũ ống quần đang ướt, bà bảo đang tát nước ra khỏi phòng thì nhận được điện thoại ra nhận quà từ Báo NTNN/Dân Việt, vui quá nên chẳng kịp thay đồ cứ thế đi luôn.

Từ mai phiếu đi chợ được dùng - Ảnh 3.

Bà Nguyễn Phương Thảo - Phó Bí thư đoàn cơ quan Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao tặng quà cho một số người dân tại ngõ 121, đường Lê Thanh Nghị. Ảnh: Bảo Yến

"Đây là lần đầu tiên bà được nhận nhiều quà vậy đó, xóm trọ của bà ở tít sâu trong ngõ nên các nhóm từ thiện chưa đến bao giờ. 5kg gạo này bà cũng ăn được 2 -3 tuần. Các cháu lại còn cho bà tiền nữa, từ mai phiếu đi chợ của bà cũng được dùng rồi" – Bà Mai cười nói.

Không để ai ở lại phía sau

Cùng lúc đó, đoàn từ thiện Báo NTNN/Dân Việt đang đội mưa đến trao quà tận tay cho 400 người lao động nghèo, người có hoàn đặc biệt khó khăn tại phường Phúc Xá (Quận Ba Đình).

Tại đây, đoàn đến thăm và trao phần quà tận tay bà Kim Thị Thành (quê ở Vĩnh Phúc). Để có thể ở lại Thủ đô, ngày ngày bà Thành đi nhặt nhạnh, thu gom phế liệu khắp nơi.

Tối đến, bà trở về căn phòng trọ chưa nổi 3m2. Căn phòng chỉ kê được cái phản bé xíu đủ cho bà ngả lưng sau một ngày làm việc vất vả.

Từ mai phiếu đi chợ được dùng - Ảnh 4.

Bà Thành bật khóc khi được đoàn từ thiện đến thăm và tặng quà. Ảnh: Phạm Hưng

Bà khóc tâm sự, chồng bà mất lúc 27 tuổi. Một mình bà gồng gánh nuôi 5 người con nhưng 3 người con bị mất tích khi đi làm, 2 người còn lại còn đang đi học.

Phường Phúc Xá trong thời điểm giãn cách xã hội có trên 1.000 người có hoàn cảnh lao động khó khăn, riêng khu vực gầm cầu Long Biên là 680 người lao động nghèo".

Ông Ngô Ngọc Điển – Chủ tịch UBMTTQ Phường Phúc Xá

Bà đi nhặt ve chai, mỗi tháng kiếm được khoảng 700.000 đồng – 1 triệu đồng, trong đó phải chi mất 500.000 đồng thuê phòng trọ, số tiền còn lại bà để trang trải cuộc sống. Việc học tập của con ở quê cũng nhờ sự hỗ trợ của xã hội.

Cách đó không xa, gia đình ông Hùng cũng bi đát không kém. Ông bà không có con cái. Nơi ở của ông bà là cái lán của người bán rau thương tình cho ở ké. Cái "nhà" thấp bé đến nỗi muốn vào sẽ phải cúi gập người xuống mới chui nổi.

Ông bà tuổi cao, bệnh tật. Ngày khỏe ông bà đi nhặt phế liệu bán, kiếm "đồng ra đồng vào". 

Những hôm "trái gió trở trời", ông bà chỉ nằm ở lán, hàng xóm hay những người bán hàng ở chợ thương tình qua thăm ai cho được cái gì thì ăn cái đó.

Nhận suất quà từ đoàn từ thiện, ông Hùng không khỏi xúc động không ngớt lời cảm ơn.

Từ mai phiếu đi chợ được dùng - Ảnh 6.

Gia đình ông Hùng không ngớt lời cảm ơn khi nhận phần quà. Ảnh: Phạm Hưng

Ông Ngô Ngọc Điển – Chủ tịch UBMTTQ Phường Phúc Xá cho biết, trên địa điểm phường trong thời điểm giãn cách xã hội có trên 1.000 người có hoàn cảnh lao động khó khăn, riêng khu vực gầm cầu Long Biên là 680 người lao động nghèo. Chương trình "gian hàng 0 đồng" đã diễn ra xuyên suốt trong nhiều đợt từ lúc Hà Nội giãn cách.

"Chúng tôi luôn cố gắng, vận động và kêu gọi thật nhiều các nhà hảo tâm, có gạo cho gạo, có rau cho rau… Cân đối làm thế nào để 1 suất quà trao cho một người có thể sử dụng cho 1 tuần. Cách thức tổ chức cũng được lên kế hoạch chi tiết. Tổ dân phố có trách nhiệm rà soát lập danh sách đưa lên. 

Từ đó, chúng tôi cung cấp phiếu mời theo đúng thứ tự để đảm bảo giãn cách xã hội sao cho hợp lý nhất. Tất cả các phần quà của các nhà hảo tâm sẽ đến tận tay từng người lao động. Với phương châm không để ai ở lại phía sau. Rất cảm ơn các nhà tài trợ đã hỗ trợ bà con", ông Điển cho biết.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem