Mùa thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học năm nay khiến không ít thí sinh hoang mang khi điểm chuẩn tăng chóng mặt, một số ngành điểm chuẩn vượt mức trần 30. Còn theo thống kê mới đây của ĐH Bách khoa Hà Nội, toàn trường có đến 67 thí sinh “đỗ hụt”, bởi dù đủ điểm thi tốt nghiệp THPT, nhưng những em này lại không đáp ứng tiêu chí về điểm học bạ từ 7,0 các môn xét tuyển theo quy định của trường. Thậm chí có thí sinh điểm học bạ môn Tiếng Anh chưa đến 6,0, trong khi điểm thi lại đạt 9, 10 điểm.
Tương tự, Cục Đào tạo Bộ Công an cũng đã lý giải về việc 55/58 thí sinh từ 29,25 điểm trở lên vẫn trượt nguyện vọng vào các trường khối ngành Công an do có môn trong tổ hợp xét tuyển dưới 6,5 điểm.
Việc chênh lệch quá lớn giữa điểm thi và điểm học bạ của thí sinh cũng đặt ra không ít câu hỏi về kỳ thi năm nay, đặc biệt là việc sử dụng kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển đại học liệu có còn phù hợp?
GS.TS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã có trao đổi với VOV.VN về vấn đề này.
PV: Thưa ông, ông có nhận định gì về hiện tượng “lạm phát” điểm chuẩn các trường đại học như năm nay, đặc biệt là sự chênh lệch lớn giữa điểm thi và điểm học bạ ở một số thí sinh như ĐH Bách khoa Hà Nội và Bộ Công an đã công bố?
GS.TS Đào trọng Thi: Trước tiên, nói về sự chênh lệch giữa điểm thi và điểm học bạ, khi đánh giá qua 1 bài thi của một kỳ thi, rất khó để phản ánh được thật chính xác năng lực của thí sinh, nên sẽ không thể tránh khỏi sự chênh lệch giữa điểm học bạ và điểm thi. Đó là về mặt lý thuyết, khách quan, nếu có những yếu tố chủ quan khác thì lại càng khó để 2 mức điểm này tương đồng nhau. Ví dụ 2 trường khác nhau, giáo viên khác nhau thì điểm học bạ giữa các trường đã có thể khác nhau. Có rất nhiều yếu tố để dẫn đến sự chênh lệch của điểm học bạ và điểm thi, 2 loại điểm này đối sánh phản ánh lẫn nhau.
Chưa cần nói đến những lý do khác, thì khi điểm thi tốt nghiệp quá cao, điểm học bạ lại thấp, có thể thấy đề thi quá dễ so với mức chung. Việc so sánh phải dựa trên đề thi có chuẩn hóa hay không. Trong các kỳ thi đánh giá năng lực trên thế giới đều nhấn mạnh đến yếu tố chuẩn hóa đề thi, đề thi mỗi năm khó dễ khác nhau như tại Việt Nam hiện nay thì chưa thể đạt đến độ chuẩn hóa đó. Nếu như vậy có lẽ điểm học bạ còn phản ánh thực chất năng lực học sinh hơn điểm thi, nhưng điểm học bạ của ta cũng chưa chuẩn ở chỗ sẽ có sự chênh lệch giữa các cơ sở giáo dục khác nhau, vùng miền khác nhau…
Còn điểm chuẩn đại học tới mức 30, hoặc trên 30, tức thí sinh đạt 10 điểm một môn vẫn trượt thì có nghĩa đề thi không phù hợp. Trong một kỳ thi tuyển, đề thi để so sánh năng lực của thí sinh này với thí sinh khác, nhưng nếu cả học sinh trung bình lẫn học sinh giỏi điểm đều cao như nhau thì đề thi không còn đạt được vai trò chọn lọc, so sánh thí sinh.
PV: Từ thực tế này, theo ông, tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT như hiện nay và các trường đại học sử dụng kết quả này để xét tuyển liệu còn phù hợp?
GS.TS Đào Trọng Thi: Quan điểm của tôi, thi tuyển đại học và thi tốt nghiệp là 2 kỳ thi khác nhau với mục đích khác nhau, nên không thể tổ chức 1 kỳ thi mà sử dụng cho 2 mục đích như hiện nay. Thi tốt nghiệp để kiểm tra học sinh có đạt trình độ, năng lực của chương trình phổ thông hay không. Trong khi đó, đề thi tuyển đại học phải có tính phân loại cao, để so sánh, chọn lọc những thí sinh phù hợp với từng trường.
Thường đề thi tốt nghiệp phải dễ hơn đề thi tuyển sinh đại học, nên nếu kết hợp 2 kỳ thi này với nhau là rất khó. Bộ GD-ĐT cũng đã nhận thức ra điều này, nên quy định kỳ thi tốt nghiệp THPT nhằm mục đích chính là xét tốt nghiệp, giao quyền chủ động cho các địa phương nhiều hơn, việc sử dụng kết quả này để tuyển sinh đại học là quyền tự chủ của các trường đại học.
Trên thực tế, nếu các trường đại học tự tổ chức 1 kỳ tuyển sinh riêng theo đúng tinh thần tự chủ đòi hỏi rất nhiều sự cố gắng, đầu tư. Nhiều trường ĐH lớn như 2 ĐH Quốc gia đã đầu tư tổ chức thi đánh giá năng lực riêng, nhưng cũng có nhiều trường khi được giao quyền tự chủ tuyển sinh, vẫn không thực hiện hết trách nhiệm của mình.
Dù đã nói rằng không còn kỳ thi 2 trong 1, nhưng kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay vẫn mang tính “bình mới rượu cũ”, vương vấn nhiều cái cũ. Lỗi do cả Bộ GD-ĐT và các trường đại học. Bộ GD-ĐT ra đề thi, tổ chức thi vẫn là tính chất của kỳ thi tốt nghiệp, nhưng các trường đại học sử dụng kết quả này để xét tuyển thì đã dùng sai mục đích.
PV: Hiện nay kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn được sử dụng để xét tuyển đại học, nhưng lại giao về cho địa phương tổ chức, liệu có đáng ngại, thưa ông?
GS.TS Đào Trọng Thi: Bộ GD-ĐT giao quyền nhiều hơn cho các địa phương trong kỳ thi này vì quan niệm đây là kỳ thi tốt nghiệp, phục vụ mục đích xét tốt nghiệp. Nhưng nếu các trường đại học sử dụng kết quả này để tuyển sinh thì lại là chuyện khác. Đại học tuyển sinh thì chính những trường này phải đứng ra tổ chức, được giao quyền nhiều hơn trong kỳ thi, bởi kết quả thi ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng tuyển sinh của các trường. Do đó, cần xem xét đến mục đích của kỳ thi là gì để giao quyết định giao cho ai tổ chức. Như hiện nay mục đích của kỳ thi đang không được xác định rõ ràng.
PV: Vậy trong thời gian tới, theo ông, kỳ thi này cần thay đổi ra sao?
GS.TS Đào Trọng Thi: Trước hết cần xác định mục đích của kỳ thi là gì, khi chưa xác định được mục đích thì rất khó xác định được phương thức tổ chức ra sao. Theo quan điểm của tôi, để xét tuyển đại học, tương lai cần xây dựng các trung tâm khảo thí độc lập, đánh giá khách quan, Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm xây dựng các bộ đề thi chuẩn hóa, giao cho các trung tâm sử dụng trong kỳ thi. Các trường đại học sử dụng kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực này để tuyển sinh.
Các trung tâm khảo thí có thể do các trường đại học hoặc chính Hiệp hội Các trường đại học thành lập, hoạt động độc lập.
Về kỳ thi tốt nghiệp, nên giao cho các địa phương tổ chức như hiện nay. Nhiều ý kiến cho rằng, nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp khi tỷ lệ đỗ tốt nghiệp hầu hết trên 90% nhưng học sinh vẫn có tâm lý không thi, không học.
Hơn nữa, dựa vào kết quả thi tốt nghiệp cũng có thể đánh giá được chất lượng học sinh giữa các địa phương, các cơ sở giáo dục khác nhau. Hay như hiện nay điểm thi tốt nghiệp được sử dụng để đối sánh với điểm học bạ, từ đó phát hiện ra có tiêu cực hay không trong quá trình cho điểm học bạ. Một số nơi, một số trường vẫn có hiện tượng xin điểm, chạy điểm, làm đẹp học bạ. Nếu đề thi được chuẩn hóa, điểm thi phản ánh đúng năng lực của học sinh thì sẽ nhìn thấy những bất cập trong việc cho điểm thường xuyên tại các trường.
Đề thi tốt nghiệp cũng nên nhẹ nhàng, phù hợp với mục đích của kỳ thi, không quá khó cũng không quá dễ, học sinh trung bình phải đạt được mức điểm trung bình, như vậy kỳ thi mới đạt yêu cầu. Thi tốt nghiệp là một biện pháp để giám sát quá trình học tập của học sinh, do đó tôi cho rằng, không nên bỏ hẳn kỳ thi này trong bối cảnh hiện nay. Nếu tương lai, những yêu cầu trên không còn cần thiết có thể cân nhắc tới việc bỏ thi.
PV: Xin cảm ơn ông.