"Lạm phát điểm chuẩn" tới 8,23 điểm khiến thí sinh "trượt đau": Trường lý giải nguyên nhân

Tào Nga Thứ năm, ngày 16/09/2021 09:04 AM (GMT+7)
Mặc dù đã tính toán đăng ký các nguyện vọng an toàn nhưng thí sinh không ngờ điểm chuẩn nhiều ngành năm nay tăng vọt.
Bình luận 0

"Lạm phát điểm chuẩn"

Theo Bộ GDĐT, tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học theo phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT 2021 là 795.353 thí sinh. Ngay khi kết thúc "lọc ảo", từ 17h ngày 15/9, các trường đại học đã đồng loạt công bố điểm chuẩn trúng tuyển.

Điều đặc biệt năm nay ghi nhận điểm chuẩn của nhiều ngành ở các trường tăng vọt, có trường tăng đến hơn 8 điểm khiến thí sinh bất ngờ trượt ở "phút 89".

Có thể kể kến một số ngành như Ngành Ngôn ngữ Ả Rập - Đại học Ngoại ngữ - ĐH Quốc gia Hà Nội. Đây là một trong những ngành có điểm chuẩn tăng vọt mùa tuyển sinh năm 2021.

Năm 2020, ngành Ngôn ngữ Ả Rập lấy điểm chuẩn là 25,77 thì năm nay ngành này lấy 34 điểm (theo thang điểm 40). Trừ những thí sinh yêu thích ngôn ngữ Ả Rập thì đây là ngành được xem là "vé vớt"; "chống trượt" cho những thí sinh yêu thích trường Đại học Ngoại ngữ có cơ hội trúng tuyển vào trường. Tuy nhiên việc tăng bất ngờ lên 8,23 điểm khiến nhiều thí sinh phải ngậm ngùi.

Ngỡ ngàng điểm chuẩn nhiều trường tăng vọt tới 8,23 điểm: Nhiều thí sinh "trượt đau"  - Ảnh 1.

Điểm chuẩn năm 2021.

Ngỡ ngàng điểm chuẩn nhiều trường tăng vọt tới 8,23 điểm: Nhiều thí sinh "trượt đau"  - Ảnh 2.

Điểm chuẩn năm 2020.

Đại học Tài nguyên và Môi trường vừa công bố điểm chuẩn năm 2021. Theo đó, ngành có điểm số tăng vọt là ngành Marketing của trường tăng tới 8 điểm từ 18 lên 26 điểm.

Ngoài ra, ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng lấy 25 điểm. Điều bất ngờ là ngành này năm 2020 chỉ lấy 18 điểm, thấp hơn 7 điểm khiến nhiều thí sinh năm nay ngỡ ngàng vì "trượt đau".

Ngỡ ngàng điểm chuẩn nhiều trường tăng vọt tới 8,23 điểm: Nhiều thí sinh "trượt đau"  - Ảnh 3.

Điểm chuẩn năm 2021.

Ngỡ ngàng điểm chuẩn nhiều trường tăng vọt tới 8,23 điểm: Nhiều thí sinh "trượt đau"  - Ảnh 4.

Điểm chuẩn năm 2020.

Tại Học viện Chính sách và Phát triển, có 2 ngành tăng cao là Kinh tế phát triển và Quản lý nhà nước. 

Năm 2020, ngành Kinh tế phát triển lấy 19 điểm thì năm 2021 lấy 24.85 điểm, tăng 5,85 điểm. Và ngành Quản lý nhà nước năm 2020 lấy 18,25 điểm thì năm 2021 lên 24 điểm, tăng 5,15 điểm. 

Ngỡ ngàng điểm chuẩn nhiều trường tăng vọt tới 8,23 điểm: Nhiều thí sinh "trượt đau"  - Ảnh 5.

Điểm chuẩn năm 2021.

Ngỡ ngàng điểm chuẩn nhiều trường tăng vọt tới 8,23 điểm: Nhiều thí sinh "trượt đau"  - Ảnh 6.

Điểm chuẩn năm 2020.

Tương tự, tại ĐH Sư phạm Hà Nội, điểm chuẩn khối D01 của ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành tăng gần 8 điểm, từ 16,7 (năm 2020) lên 23,95 điểm (năm 2021).

Nhà trường lý giải nguyên nhân

Chia sẻ về điểm chuẩn cao bất thường năm nay, trao đổi với PV báo Dân Việt, PGS.TS. Hoàng Anh Huy, hiệu trưởng Trường Đại học Tài Nguyên và Môi Trường Hà Nội cho biết: "Năm nay phổ điểm thí sinh cao nên điểm chuẩn vào trường cũng tăng cao hơn so với các năm trước. Trung bình các ngành của trường đều tăng từ 1-2 điểm. Đặc biệt, ngành Marketing của trường tăng tới 8 điểm vì đây là ngành hot nên lượng thí sinh đăng ký lớn, dẫn đến điểm chuẩn ngành này biến động nhiều".

Trao đổi với PV, PGS. TS. Trần Trọng Nguyên, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển cho hay: "Điểm chuẩn đại học một số ngành năm nay cao vọt có nguyên nhân. Đầu tiên là do đề thi tốt nghiệp THPT của Bộ GDĐT đưa ra nhẹ nhàng hơn, phù hợp với tình hình dịch bệnh Covid-19. Phổ điểm từ 23-27 điểm rất rộng, nhiều thí sinh đạt được điểm đó nên các trường có nguồn thí sinh dồi dào để xét tuyển, đặc biệt là khối ngành Kinh tế.

Một số ngành tại Học viện Chính sách và Phát triển tăng đến hơn 5 điểm cho thấy xu hướng thí sinh đăng ký theo xu hướng chọn trường. Nghĩa là các em đăng ký một trường với nhiều nguyện vọng khác nhau. Bên cạnh một số nguyện vọng ưu tiên là ngành hot vào trường thì thí sinh còn chọn thêm ngành điểm thấp hơn, an toàn hơn ở những nguyện vọng 5, 6. 

Lựa chọn của thí sinh cũng đa dạng hơn, thí sinh không đăng ký tập trung vào một số nhóm ngành nổi trội mà được trải rộng hơn các ngành khác nhau. 

Đặc biệt, những năm gần đây, Bộ GDĐT cho phép các trường đưa ra phương án thi riêng. Nhiều trường đã dành hẳn 50% chỉ tiêu đợt 1 để xét tuyển chứng chỉ và học bạ. Chỉ còn 50% cho đợt 2 nên số nguyện vọng tăng lên và số chỉ tiêu ít đi dẫn đến điểm chuẩn sẽ cao hơn. 

Ngoài ra, điểm chuẩn cao cũng cho thấy trong những năm qua uy tín đào tạo của trường tăng lên. Số thí sinh đăng ký vào trường nhiều hơn gấp 5, 6 lần năm trước nên điểm chuẩn của trường đã tăng dần theo các năm".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem