Thông tin TP.HCM mở lại chợ sau ngày 1/10 được nhiều người dân khắp các quận huyện quan tâm. Nguyên nhân là hầu hết chợ truyền thống, đặc biệt ở khu nội thành đã ngưng hoạt động suốt 3-4 tháng qua, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát.
Trao đổi với Dân Việt, bà Đào Thị Ánh Tuyết - Phó trưởng phòng Kinh tế quận 5, cho biết quận đang khẩn trương lên phương án để mở cửa trở lại các chợ trên địa bàn để phục vụ nhu cầu mua thực phẩm của người dân.
Những ngày qua, quận cũng đang khảo sát nhu cầu và tình hình của các tiểu thương hiện nay, đặc biệt là về việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 của tiểu thương. Nguyên nhân là tiểu thương buôn bán tại chợ ở khá nhiều nơi, không chỉ gói gọn trong địa bàn quận.
Bà Tuyết cũng thông tin, trước tiên, quận có thể mở cửa trở lại chợ Hòa Bình và chợ An Đông vì hai chợ này có khu vực nhà lồng kinh doanh thực phẩm, rộng, thoáng, sẽ đảm bảo được các yêu cầu về nguyên tắc 5K phòng chống dịch.
"Việc mở lại chợ cũng phải sau ngày 5/10. Thời gian này, quận vẫn sẽ tổ chức chợ dã chiến cho người dân", bà Tuyết nói.
Hôm nay, ngày 29/9, quận 5 sẽ tổ chức chợ dã chiến tại Trung tâm văn hóa quận 5 cho người dân phường 11. Trước đó, quận này đã tổ chức chợ dã chiến bán thực phẩm giá gốc cho người dân các phường 2, 3, 4, 10.
Các "vùng xanh" và nhiều quận huyện đã công bố kiểm soát dịch cũng đang khẩn trương lên kế hoạch mở cửa lại nhiều hoạt động, trong đó có chợ truyền thống. Các chợ đầu mối, mắt xích quan trọng nhất trong việc cung cấp thực phẩm khi chợ truyền thống mở lại cũng gấp rút lên phương án.
TP.HCM cũng đã đưa điểm trung chuyển hàng hóa tại ba chợ đầu mối vào hoạt động. Tổng lượng hàng hóa nhập chợ vào đêm 26/9 tại chợ đầu mối Bình Điền khoảng 124 tấn thủy hải sản đạt và 24 tấn rau củ quả; chợ đầu mối Thủ Đức khoảng 118 tấn trái cây và chợ đầu mối Hóc Môn khoảng 60 tấn rau củ quả.
Người dân "vùng xanh" quận 5 được tự tay đi chợ. Video: Hồng Phúc.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối Hóc Môn, cho biết công ty sẽ xây dựng lộ trình từng bước, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, điều chỉnh cho phù hợp điều kiện thực tế.
Cụ thể, ban đầu mở 10% rồi tiến dần lên 20%, 30%, 50%... với điều kiện là tất cả thương nhân và nhân viên lao động tham gia làm việc, buôn bán tại chợ được phủ 2 mũi vaccine ngừa Covid-19 và bảo đảm đáp ứng tất cả tiêu chí đánh giá trong Bộ tiêu chí hoạt động an toàn chợ đầu mối do Ban Chỉ đạo phòng chống dịch TP HCM ban hành.
Theo đánh giá của Sở Công Thương TP.HCM, lộ trình dự kiến mở cửa sau ngày 1/10 của TP.HCM có thể khiến nhu cầu đi lại của người dân và lưu thông hàng hóa thông thoáng hơn, nhu cầu đi chợ hộ sẽ tiếp tục giảm, khả năng gây áp lực cục bộ lên các chợ đầu mối và hệ thống phân phối hiện đại trên địa bàn TP.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết ngày 27/9, Sở đã đề nghị UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện chủ động xây dựng phương án hoạt động các chợ.
Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM cũng đã ban hành Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn tại chợ truyền thống. Theo đó, người dân và tiểu thương phải tiêm đủ hai mũi vaccine ngừa Covid-19 (thẻ xanh).
Đơn vị quản lý chợ cũng phải có phương án, biện pháp kiểm soát người ra vào chợ và quy định số lượng khách ra vào để không ùn ứ; tạo vách ngăn giữa các quầy hàng và giữa người mua, người bán. Chợ truyền thống không có nhà lồng không áp dụng mật độ tối thiểu là 4m2/người nhưng phải đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người.
Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cũng nhấn mạnh trong quá trình xây dựng phương án hoạt động lại các chợ, TP.Thủ Đức và các quận, huyện nếu gặp khó khăn, vướng mắc, Sở sẽ phối hợp các ngành chức năng hỗ trợ giải quyết.
Đồng thời, cơ quan này sẽ tiếp tục phối hợp các sở ngành, địa phương liên quan tổ chức kiểm tra chặt chẽ việc đáp ứng các điều kiện về an toàn phòng, chống dịch Covid-19; đánh giá nguy cơ và khả năng kiểm soát trước khi đưa vào hoạt động các chợ đầu mối nông sản, thực phẩm trên địa bàn.
Đại diện Sở Công Thương TP.HCM cũng cho biết sẽ hỗ trợ các đơn vị thực hiện tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho người lao động, khi TP đang dần mở cửa lại các hoạt động để khôi phục kinh tế.