TP.HCM: Shipper sẽ hoạt động liên quận, các chợ truyền thống dần mở cửa

Nguyên Vỹ Thứ ba, ngày 14/09/2021 05:15 AM (GMT+7)
Shipper sẽ hoạt động liên quận và các chợ truyền thống dần mở cửa. Đó là những giải pháp cần thiết giúp tăng cường phân phối nguồn hàng thực phẩm đến người tiêu dùng.
Bình luận 0

Ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết như thế tại buổi tọa đàm trực tuyến "Kết nối cung cầu nông thủy sản giữa các tỉnh ĐBSCL với TP.HCM", do báo Người Lao Động tổ chức ngày 14/9.

Nông sản thừa thiếu cục bộ

Bà Trần Kim Nga - Giám đốc đối ngoại công ty MM Mega Market Việt Nam cho biết, nhiều tỉnh thành phản ánh nguồn nông sản dồi dào, đang bị ùn ứ. Thế nhưng Mega Market lại thiếu hàng hóa để cung ứng.

Bà Nga kể, với hàng hóa đông lạnh, Mega Market ký hợp đồng với các nhà máy tại ĐBSCL.

Khó khăn trong việc giãn cách, sản xuất 3 tại chỗ khiến nhiều đơn vị chỉ còn hoạt động cầm chừng hoặc sản xuất để trả nợ đơn hàng cũ.

Một gian hàng thực phẩm của công ty MM Mega Market tại TP.HCM. Ảnh: Mega Market

Một gian hàng thực phẩm của công ty MM Mega Market tại TP.HCM. Ảnh: Mega Market

Với đồ khô, đồ hộp, Mega Market ký hợp đồng với 1 nhà máy ở tỉnh Tiền Giang, nhưng hiện tại, nhà máy này ngừng hoạt động.

Mega Market ký hợp đồng với đơn vị nào, đều phải thực hiện quy trình đánh giá năng lực của nhà cung cấp rất nghiêm ngặt.

"Vì thế khi các nhà máy này gặp vấn đề thì Mega market bị thiếu hụt nguồn hàng", bà Nga nói.

Đối với mặt hàng tươi sống, bà Nga cho biết, nông dân ở nhiều tỉnh thành đang có xu hướng sản xuất cầm chừng, do tâm lý lo ngại không biết khi nào hết dịch. Việc này cũng gây nên tình trạng thiếu hàng cung ứng cho Mega Market.

Bà Đinh Thị Phương Khanh - Phó giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An cho biết, thời gian đầu thực hiện giãn cách, tỉnh gặp rất nhiều khó khăn và lúng túng trong việc tổ chức lưu thông nông sản.

Về sau, những khó khăn đã dần được tháo gỡ tốt hơn. "Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất và vẫn đeo đuổi triền miên thời gian qua là việc các chợ truyền thống ở TP.HCM đóng cửa", bà Khanh nói.  

Long An có hơn 42 cơ sở giết mổ. Trước dịch, Long An cung cấp khoảng 4.500 con heo, 60.000 con gà và hơn 300 con trâu, bò đã giết mổ cho TP.HCM.

Từ khi thực hiện chỉ thị 16, 90% các cơ sở giết mổ đóng cửa hoặc giảm công suất. Theo bà Khanh, việc này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung thực phẩm cho TP.HCM mà còn ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm ngay tại Long An.

Nông dân tỉnh Long An thu hoạch lúa. Ảnh: Trần Đáng

Nông dân tỉnh Long An thu hoạch lúa. Ảnh: Trần Đáng

Bà Khanh cho biết, đã có nhiều kịch bản ứng phó đưa ra nhưng khi áp vào thực tế luôn có độ vênh vì diễn biến của dịch khó lường.

Giai đoạn đầu, các HTX có chuỗi liên kết tiêu thụ với TP.HCM không gặp nhiều khó khăn. Nhưng khi TP.HCM tăng cường giãn cách xã hội thì lại tiếp tục đứt gãy chuỗi cung ứng.

Việc đứt gãy này gây ra thiếu hoặc thừa cục bộ, vẫn thường xuyên diễn ra trong từng giai đoạn phòng chống dịch khác nhau.

"Các địa phương và TP.HCM cần thống nhất quan điểm hành động trong cung ứng nông sản vì dịch bệnh vẫn chưa biết đâu mà lường", bà Khanh đề nghị.

Tổ chức lại kênh phân phối truyền thống

Chia sẻ ý kiến của Sở NNPTNT tỉnh Long An, ông Đỗ Quốc Huy - Giám đốc Phòng kinh doanh Sài Gòn Co.op cho biết, có rất nhiều khó khăn phát sinh theo từng giai đoạn phòng chống dịch.

Ví dụ, sau ngày 23/8, lực lượng shipper ngừng hoạt động. Khâu phân phối phải thông qua tổ dân phố hoặc lực lượng bộ đội. Tuy nhiên, việc đi chợ hộ không thể giải quyết hết được nhu cầu của người dân.

Tuần trước, các sàn thương mại điện tử hoạt động trở lại. Người sản xuất và lực lượng shipper cũng đã kết nối, hoạt động trở lại thì giá cả hàng hóa không ổn định.

Lực lượng shipper giao hàng tại TP.HCM. Ảnh: Nguyên Vỹ

Lực lượng shipper giao hàng tại TP.HCM. Ảnh: Nguyên Vỹ

Một câu chuyện mà Sài Gòn Co.op thường xuyên gặp phải trong suốt 3 tháng qua là với ngành hàng thủy sản.

Sài Gòn Co.op có nhu cầu 500 tấn/tháng nhưng nông dân các tỉnh không thể giao hàng về TP.HCM.

Sài Gòn Co.op sẵn sàng đưa xe vận tải xuống thu mua thì tôm, cá của nông dân không được sơ chế. Trong khi đây là yêu cầu để sản phẩm có thể vào được siêu thị.

May nhờ một số đơn vị còn hoạt động đã hỗ trợ Sài Gòn Co.op khâu này. Tuy nhiên số lượng sản phẩm sơ chế còn ít vì hàng loạt nhà máy sơ chế nông sản đã ngừng hoạt động.

Trên thực tế đó, ông Huy đề xuất các bộ ngành có giải pháp hỗ trợ các nhà máy sơ chế, chế biến nông sản được hoạt động trở lại để có thể tiêu thụ nông sản nhiều hơn.

Ngành nông nghiệp cũng cần có quy hoạch vùng trồng để tránh dồn nguồn hàng quá lớn vào cùng một thời điểm.

Ông Huy kể trường hợp điển là trái nhãn đang rộ vụ ở nhiều nơi nhưng khâu cung ứng bị tắc nghẽn, khi các nơi đều đổ dồn sản phẩm về kênh phân phối hiện đại.

Chất lượng và khâu an toàn thực phẩm với thủy sản cũng cần được quan tâm. Vì theo Sài Gòn Co.op, vẫn còn tình trạng nông dân các tỉnh nuôi trồng thủy sản bằng nguồn nước ô nhiễm, hoặc sản phẩm tồn dư kháng sinh.

"Các địa phương cần có hướng dẫn lại cho nông dân đảm bảo chất lượng sản phẩm nuôi trồng. Có như thế, kênh siêu thị mới kết nối tiêu thụ tốt hơn nguồn nông sản về TP.HCM", ông Huy đề nghị.

Người dân mua hàng tại Sài Gòn Co.op. Ảnh: Nguyên Vỹ

Người dân mua hàng tại Sài Gòn Co.op. Ảnh: Nguyên Vỹ

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, do yêu cầu giãn cách xã hội, TP.HCM đã thay đổi hoàn toàn phương thức cung ứng hàng hóa cho người dân.

Thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tiếp tục hỗ trợ cho các kênh phân phối hiện đại kết nối nhiều hơn với nguồn nông sản các tỉnh. Từ đó giúp các hệ thống phân phối lựa chọn và trực tiếp thu mua.

Việc cung ứng hàng hóa thông qua "combo" nông sản cũng phát sinh khó khăn. Các nhà cung ứng chỉ tập trung vào những mặt hàng có khả năng lưu trữ lâu ngày.

Hệ thống phân phối rất khó tiếp cận những mặt hàng thực phẩm tươi sống như thủy sản để cung ứng cho người dân.

Các địa phương tổ chức được việc thu hoạch, đóng gói tôm cá theo quy cách 5 kg, 10 kg để giao trực tiếp cho lên TP.HCM là 1 giải pháp cần lưu ý.

Sở Công thương sẽ thông báo và hỗ trợ các quận, huyện, phường, xã, tổ dân phố có nhu cầu, đăng ký giúp người dân. Địa phương chỉ việc chở hàng trực tiếp tới thẳng điểm giao nhận.  

Người dân mua bán nông sản ở chợ đầu mối Thủ Đức trước khi đóng cửa phòng chống dịch. Ảnh: Nguyên Vỹ

Người dân mua bán nông sản ở chợ đầu mối Thủ Đức trước khi đóng cửa phòng chống dịch. Ảnh: Nguyên Vỹ

Với kênh bán lẻ, ông Phương cho biết, sắp tới đây lực lượng shipper sẽ được hoạt động liên quận. Việc này sẽ tạo điều kiện rất lớn cho người dân đăng ký mua hàng hóa trực tiếp, vừa giúp giải quyết đầu ra cho các tỉnh.

Theo đại diện Sở Công Thương, việc cần thiết lúc này là nhanh chóng tổ chức lại hệ thống phân phối truyền thống.

Kết quả cung ứng hàng hóa ở chợ đầu mối Bình Điền sau 7 ngày thí điểm đã có sự cải thiện rõ rệt. Nếu như ngày đầu tiên mở cửa, tổng sản lượng nông thủy sản chỉ đạt 28 tấn/ngày thì đến ngày hôm qua, 13/9 đã tăng lên hơn 100 tấn.

"Trong tuần này, Sở Công Thương sẽ tiếp tục làm việc với chợ đầu mối Hóc Môn và chợ đầu mối Thủ Đức để mở lại các điểm tập kết. Đồng thời dần dần mở lại các chợ truyền thống để tạo đầu ra phong phú và có số lượng lớn hơn", ông Phương nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem