Cụ thể, thống kê trong ngày 1/10/2021, biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank – mã: EIB) đã được điều chỉnh giảm đối với các khoản tiền gửi kỳ hạn từ 15 đến 36 tháng 0,1 điểm % so với đầu tháng 9, xuống chỉ còn 6%/năm.
Đầu tháng 9, lãi suất tiết kiệm cao nhất tại quầy của Eximbank chỉ 6,1% với các khoản tiền gửi kỳ hạn từ 15 tháng trở lên.
LienVietPostBank (LPB) đứng thứ 2 theo thống kê của Dân Việt, với lãi suất tiết kiệm cao nhất là 6,99%, không đổi so với tháng 9.
Có mức lãi suất tiết kiệm cao nhất đứng trong TOP 3 là VietABank (VAB), với 6,9%/năm.
Các ngân hàng hiện đang có lãi suất cao nhất trên 6% khác có thể kể đến như SCB (6,8%/năm); Kienlongbank (6,75%/năm); Ngân hàng Bản Việt (6,7%/năm); BacABank (6,7%/năm); PVcombank (6,65%/năm); Oceanbank (6,6%/năm),...
Trong TOP các ngân hàng có lãi suất cao nhất dưới 6%, Sacombank(STB) của ông Dương Công Minh dẫn đầu với 5,7%/năm. Mức lãi suất này áp dụng với các khoản tiền gửi kỳ hạn 36 tháng. Biểu lãi suất của Sacombank được điều chỉnh vào giữa tháng 9 vừa qua, đến hôm nay 1/10 vẫn chưa thay đổi.
Trong nhóm ngân hàng quốc doanh, lãi suất tiết kiệm cao nhất vẫn giữ ở mức 5,6% tại VietinBank (CTG). 3 ngân hàng còn lại là Vietcombank (VCB), Agribank hay BIDV thấp hơn 0,1 điểm %.
Vị trí cuối cùng trong bảng xếp hạng lãi suất tiết kiệm cao nhất cũng biến động. Theo biểu lãi suất tiết kiệm thường tại quầy của Techcombank có hiệu lực từ 27/9, với người ít tiền hay nhiều tiền khi gửi tiết kiệm tại kỳ hạn 36 tháng có lãi suất cao nhất chỉ 5%/năm.
Trong khi đó, lãi suất tiết kiệm cao nhất tài VPBank vẫn được giữ tại 5,4%/năm.
Theo bản tin về thị trường tiền tệ mới nhất của Công ty Chứng khoán SSI, lãi suất tiết kiệm đã giảm khoảng 6 – 20 điểm cơ bản cho kỳ hạn 12 tháng trong 9 tháng đầu năm 2021.
Lãi suất thấp là lý do chính khiến nguồn tiền nhàn rỗi chảy vào ngân hàng chậm lại, trong khi một số kênh đầu tư khác đang hấp dẫn.
Chị Hoàng Thanh Thủy (An Khánh – Hoài Đức – Hà Nội) cho biết, khoản tiết kiệm của chị được gửi tại VIB kỳ hạn 6 tháng, trong 2 năm nay lãi suất tiết kiệm liên tục giảm từ mức 6,8% xuống chỉ còn hơn 4% (trong lần đáo hạn gần nhất). Nếu so với lạm phát, gửi kỳ hạn này cũng vẫn có lợi nhuận, nhưng so với mức chi tiêu hiện nay thì chẳng "bõ". Vì vậy, chị Thủy quyết định "bỏ trứng vào nhiều giỏ" và mạo hiểm đầu tư để mong có được mức sinh lời cao hơn từ số tiền nhàn rỗi của gia đình.
"Muốn lãi suất cao phải thật nhiều tiền, còn với các khoản tiết kiệm 100 đến vài trăm triệu như chúng tôi thì lãi suất tiết kiệm hiện nay quá thấp. Trong thời gian giãn cách xã hội, tôi vẫn gửi tiết kiệm 1 phần, còn lại rút 1 phần tiết kiệm ngân hàng để chơi chứng khoán. Chơi chứng khoán có lúc nọ lúc kia nhưng vẫn lãi hơn gửi tiết kiệm", chị Thủy nói.
Số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê vừa công bố cũng cho thấy, tính đến thời điểm 20/9/2021, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 4,28%, trong khi cùng thời điểm năm 2020 tăng 7,48%. Dù người dân "lười" gửi tiền vào ngân hàng song, kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố vẫn cho thấy, tỷ lệ các tổ chức tín dụng kỳ vọng mặt bằng lãi suất huy động - cho vay giảm trong quý IV/2021 và cả năm 2021 đạt cao hơn nhiều so với tỷ lệ tổ chức tín dụng dự báo mặt bằng lãi suất tăng, chỉ số cân bằng về thay đổi mặt bằng lãi suất đã điều chỉnh giảm mạnh.