Dân Việt

Mỹ chi 6,4 tỷ USD chỉ để mua đồ gỗ của Việt Nam, lại còn đạt được một thỏa thuận mới

P.V 03/10/2021 13:17 GMT+7
9 tháng năm 2021, vượt Trung Quốc, Việt Nam cung cấp lượng lớn gỗ và sản phẩm từ gỗ cho Mỹ. Việc Việt Nam và Mỹ đạt được thỏa thuận mới trong kiểm soát gỗ bất hợp pháp được đánh giá sẽ thúc đẩy xuất khẩu gỗ sang thị trường này.

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ sang thị trường Mỹ tăng trưởng bất chấp dịch Covid-19

Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT), xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ trong 9 tháng năm 2021 đạt 11,14 tỷ USD, tăng 30,9% so với cùng kỳ năm 2020; lâm sản ngoài gỗ đạt 832 triệu USD, tăng 46,4%. Trong đó, xuất siêu ước đạt 9,699 tỷ USD, tăng 45%.

Các thị trường xuất khẩu gỗ và lâm sản chính của Việt Nam là Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc.

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ sang 5 thị trường này hiện chiếm trên 90% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản của Việt Nam.

Trong đó, xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ sang thị trường Mỹ đạt 6,4 tỷ USD, tăng tới 57,2% so với cùng kỳ năm 2020, bất chấp trong tháng 8/2021, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Mỹ chỉ đạt 447,97 triệu USD, giảm 38% so với tháng 8/2020. 

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ sang thị trường Trung Quốc đạt 1 tỷ USD, tăng 23,8%; Nhật Bản đạt 931,4 triệu USD, tăng 13,7%; Hàn Quốc đạt 603,5 triệu USD, tăng 15%... 

Có thể thấy, dù xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ trong tháng 8/2021 giảm mạnh do tác động của dịch Covid-19 nhưng nhu cầu đang tăng cao từ thị trường Mỹ, Nhật Bản,... nên xuất khẩu gỗ vẫn tăng trưởng ấn tượng. 

Vượt Trung Quốc, Việt Nam bán lượng khổng lổ sản phẩm này cho Mỹ, lại còn đạt được thỏa thuận mới - Ảnh 1.

Vượt Trung Quốc, Việt Nam hiện là thị trường cung cấp đồ gỗ lớn nhất cho Mỹ. Xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ của Việt Nam sang thị trường Mỹ 8 tháng năm 2021 đạt 6,4 tỷ USD, tăng tới 57,2% so với cùng kỳ năm 2020. Ảnh: Cao Cẩm.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tháng 8/2021 ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong hoạt động xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, do nhiều công ty sản xuất tại Việt Nam đã buộc phải đóng cửa hoặc giảm công suất hoạt động do tác động bởi dịch Covid-19. 

Hoạt động xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tiếp tục gặp khó khăn khi dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh, thành phố phải kéo dài thời gian giãn cách xã hội khiến cho hoạt động sản xuất tại nhiều doanh nghiệp bị giảm sản lượng, giao thông vận tải, hậu cần và logistics bị gián đoạn, đặc biệt tại các khu vực sản xuất gỗ chính của cả nước như Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh. 

Vượt Trung Quốc, Việt Nam cung cấp nhiều nhất sản phẩm gỗ cho Mỹ

Trung Quốc cũng là một trung tâm xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ lớn của thế giới. Trong 7 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Trung Quốc đạt 14,04 tỷ USD, tăng 51,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Tuy nhiên, tại thị trường Mỹ, sản phẩm gỗ của Việt Nam đang tỏ ra có nhiều lợi thế khi kim ngạch xuất khẩu ngày càng tăng.

Cụ thể, xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Trung Quốc sang Mỹ đạt 4,5 tỷ USD, tăng 64,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong khi đó, Mỹ chi tới 6,4 tỷ USD mua đồ gỗ của Việt Nam. 

Theo Cục Xuất nhập khẩu, trong giai đoạn từ năm 2009 – 2020, Việt Nam vượt Trung Quốc là thị trường cung cấp số 1 về mặt hàng đồ nội thất phòng ngủ cho Mỹ với tốc độ tăng trưởng bình trong giai đoạn này là 9,5%/năm.

Tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam tăng từ 30,7% trong năm 2009 lên 50% trong năm 2020.

Trong khi đó, tỷ trọng nhập khẩu từ Trung Quốc trong năm 2009 là 28,7% và giảm xuống còn 7,02% trong năm 2020.

Ngày 01/10/2021 Bộ Trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan thay mặt cho Chính phủ Việt Nam đã ký thỏa thuận với Trưởng đại diện thương mại (USTR) của Chính phủ Mỹ Katherine Tai về kiểm soát khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp.

Thỏa thuận này là kết quả của nỗ lực không ngừng nghỉ của Bộ NNPTNT và các cơ quan liên quan dưới sự chỉ đạo của Chính phủ Việt Nam trong đàm phán với Mỹ để khép lại vụ Điều tra 301 của Chính phủ Mỹ về khai thác và thương mại gỗ của Việt Nam.

Việc ký thỏa thuận thể hiện tinh thần thiện chí và hợp tác của 2 bên, là cơ sở để Chính phủ Mỹ khép lại vụ điều tra theo hướng không gây bất lợi cho việc xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vào thị trường Mỹ, góp phần nâng cao uy tín của ngành gỗ Việt Nam, làm nền tảng cho phát triển lâm nghiệp bền vững, phục vụ lợi ích cho người dân và doanh nghiệp 2 nước.