Đây là thông tin được ông Nguyễn Đình Xuân – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Tây Ninh cho biết tại Hội nghị sơ kết sản xuất trồng trọt vụ thu đông, vụ mùa và cả năm 2021 tại các tỉnh thành phía Nam, tổ chức trực tuyến ngày 1/10.
Ở Việt Nam, bệnh khảm lá mì được phát hiện gây hại vào tháng 5/2017 trên địa bàn xã Tân Hà (huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh).
Sau đó, bệnh lây lan nhanh sang các huyện khác trong tỉnh, chủ yếu gây hại trên giống khoai mì HLS11.
Bệnh khảm lá mì lan truyền qua môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng và qua hom giống. Vì thế dịch khảm lá lây lan rất nhanh, gây hại nghiêm trọng các vùng trồng khoai mì ở khắp cả nước.
Theo ông Nguyễn Đình Xuân, người dân Tây Ninh đã và đang sống chung với dịch khảm lá mì suốt thời gian qua. Đến nay, việc sống chung này cơ bản thích ứng tốt.
Hiện nay, phần lớn diện tích sản xuất của tỉnh Tây Ninh nằm trong vùng xanh, an toàn với dịch Covid-19. Vì thế bà con đi lại sản xuất, thu hoạch đã thuận tiện hơn.
Việc xuất khẩu mì vẫn tăng trưởng tốt dù tình hình dịch Covid-19 gây ra nhiều khó khăn.
2 giống mì chủ lực ở Tây Ninh hiện nay là KM505 và KM140 vẫn đạt năng suất tốt, trên 30 tấn/ha; chữ bột đạt 27-30%.
Giá bán củ mì nguyên liệu đạt từ 3.000 đồng/kg trở lên, nên người dân trồng mì phấn khởi sản xuất.
"Đặc biệt là với 2 giống mì HN3 và HN5, qua thời gian thử nghiệm đã cho thấy tính kháng bệnh hoàn toàn với dịch khảm lá. Năng suất lại đạt cao, trên 30 tấn/ha", ông Xuân nói.
2 giống HN3, HN5 là kết quả nghiên cứu, trồng thử nghiệm của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tây Ninh với các cơ quan nghiên cứu của Bộ NNPTNT.
Dự kiến trong vụ tới, ngành nông nghiệp Tây Ninh sẽ đưa 70ha đầu tiên vào sản xuất và nhân giống nhanh từ 10-15 lần, thậm chí 20 lần.
Điều này mở ra triển vọng trong vòng vài năm tới, 2 giống khoai mì chủ lực HN3, HN5 sẽ được nhân rộng, đủ cung cấp cho người dân trong và ngoài tỉnh sản xuất.
Từ những lý do trên đây, ông Xuân cho biết: "Sở NNPTNT tự tin đề nghị UBND tỉnh giải thể ban chỉ đạo phòng chống dịch khảm lá mì trên địa bàn tỉnh".
Trước đó, đầu tháng 8/2021, UBND tỉnh Tây Ninh cũng đã ký ban hành quyết định công bố hết dịch rệp sáp bột hồng gây hại cây khoai mì.
Quyết định này cũng giao Sở NNPTNT khuyến cáo nông dân hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong phòng trừ côn trùng gây hại để bảo vệ các loài thiên địch.
Đồng thời Quyết định cũng đề nghị Sở NNPTNT có kế hoạch nhân nuôi và phóng thích ong ký sinh ngay khi phát hiện rệp sáp bột hồng có nguy cơ bùng phát trở lại.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, diện tích trồng khoai mì toàn vùng khoảng 73.385ha. Hiện nay, bệnh khảm lá hiện nhiễm ngoài đồng với diện tích 37.752ha
Ông Lê Văn Thiệt - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, điều đáng mừng là diện tích nhiễm bệnh khảm lá ngày càng nhẹ.
Trong số 37.752ha diện tích nhiễm bệnh thì tỷ lệ nhiễm nhẹ và trung bình chiếm khoảng 33.000ha, chỉ hơn 4.000ha nhiễm nặng.
Theo báo cáo từ Chi cục Trồng trọt và Bảovệ thực vật tỉnh Tây Ninh diện tích nhiễm bệnh nặng khiến năng suất mì giảm 10%.
"Tuy nhiên giá mì đang ở mức cao, khoảng 3.200 đồng/kg. Cùng với việc dịch khảm lá đang dần được khống chế, đây là điều kiện thuận lợi cho bà con trồng mì ở Tây Ninh cũng như cả vùng Đông Nam bộ".
Ông Lê Văn Thiệt - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật