Miền Nam và Tây Nguyên: Trong làng chống dịch Covid-19, ngoài đồng chống dịch khảm lá mì, nông dân mệt bở hơi tai

Trần Khánh Thứ tư, ngày 28/07/2021 14:15 PM (GMT+7)
Bệnh khảm lá mì (sắn) vẫn lan rộng ở nhiều địa phương của tỉnh khu vực miền Nam và Tây Nguyên khiến năng suất mì giảm. Tình trạng giãn cách xã hội do dịch Covid-19 cũng khiến việc thu hoạch mì gặp khó khăn. Nhiều nông dân trồng mì đang rầu đứt ruột.
Bình luận 0

Dịch khảm lá mì vẫn lan rộng

Tại huyện Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai), bệnh khảm lá đang diễn ra trên diện rộng và ngày càng nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Đình Thuận ở xã Xuân Tâm kể, vụ hè thu này, gia đình ông trồng hơn 10ha mì.

Ruộng mì bị nhiễm bệnh khảm lá của nông dân Đồng Nai. Ảnh: Hải Đình

Ruộng mì bị nhiễm bệnh khảm lá của nông dân Đồng Nai. Ảnh: Hải Đình.

Thời gian đầu, cây sinh trưởng tốt nhờ xuống giống ngay đợt mưa sớm và dày công chăm sóc.

Nhưng khi cây mì được 2 tháng tuổi, cũng là lúc bắt đầu ra củ thì phát bệnh khảm lá với mật độ ngày một tăng. "Đến nay, bệnh khảm lá đã nhiễm rộng ra 90% diện tích", ông Thuận nói.  

Bà Nguyễn Thị Hồng Oanh, cán bộ nông nghiệp xã Xuân Tâm, cho biết, mì là cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng địa phương nên cho năng suất cao.

Nhưng dịch khảm lá kéo dài triền miên, khiến năng suất sụt giảm, người dân rất khó khăn.

Xã vẫn đang phối hợp với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp thăm đồng, tổ chức lựa chọn giống sạch bệnh và triển khai các biện pháp phòng trừ cho người dân.

"Điều mọi người mong muốn nhất vẫn là sớm có nguồn giống mới sạch bệnh để canh tác", bà Oanh nói.

Theo Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Xuân Lộc, tổng diện tích mì toàn huyện bị bệnh khảm lá đã tăng lên 2.400ha. Trong đó, trên 400ha có tỷ lệ nhiễm nặng.

Năng suất cây mì vụ này ước tính chỉ khoảng 4 tấn/ha, bằng khoảng 1/3 so với mọi năm.

Cây mì được 2 tháng tuổi là lúc bắt đầu phát bệnh khảm lá. Ảnh Trần Khánh

Cây mì được 2 tháng tuổi là lúc bắt đầu phát bệnh khảm lá. Ảnh Trần Khánh.

Vụ mì hè thu 2021, tỉnh Bình Thuận xuống giống hơn 22.000 ha. Đến nay, diện tích mì chủ yếu ở giai đoạn cây con và tạo củ.

Tuy nhiên, thống kê từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho thấy, Bình Thuận đang có hơn 140ha mì bị nhiễm bệnh khảm lá, tập trung ở các huyện Hàm Tân và Hàm Thuận Nam. 

Tại khu vực Tây Nguyên, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai cho biết, bệnh khảm lá mì vẫn liên tục gây hại hầu hết vùng trồng mì ở các huyện phía Đông và Đông Nam của tỉnh.

Tính đến cuối tháng 6, bệnh khảm lá mì gây hại với diện tích nhiễm trên 1.000 ha; tập trung nhiều nhất tại các huyện An Khê, Ia Pa, Krông Pa.

Còn tại Kon Tum, toàn tỉnh hiện đã có hơn 360 ha mì bị nhiễm bệnh khảm lá. Trong đó, thành phố Kon Tum là địa phương có diện tích mì nhiễm bệnh nhiều nhất với trên 315 ha. Số còn lại xảy ra ở các huyện Đăk Tô, Ngọc Hồi, Sa Thầy.

Covid-19 làm khổ người trồng mì

Nông dân trồng mì ở vùng bán ngập lòng hồ Dầu Tiếng. Ảnh: Trần Khánh

Nông dân trồng mì ở vùng bán ngập lòng hồ Dầu Tiếng. Ảnh: Trần Khánh.

Tại "thủ phủ" mì Tây Ninh, người trồng mì cũng đang sốt ruột mong ngành chức năng sớm có giải pháp xử lý dứt điểm. Bởi vì bệnh khảm lá ngày càng khó kiểm soát, gây ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng của cây mì.

Nhất là với việc thử nghiệm nhân giống mì sạch bệnh, bà con đề nghị ngành nông nghiệp tỉnh sớm có thông tin tốt lành.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Tây Ninh, các diện tích trồng giống mì kháng bệnh HN3 và HN5  đang được từ 1-3 tháng, vẫn chưa ghi nhận biểu hiện bệnh.

Ông Nguyễn Văn Hồng –  Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết Chi Cục đang đẩy nhanh tiến độ nhân giống. Dự kiến đến năm 2022, ngành nông nghiệp sẽ nhân rộng 50-70ha mì giống có thể kháng bệnh khảm lá.

"Việc nhân rộng giống mì kháng bệnh sẽ giúp người trồng hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tiết kiệm nhiều chi phí canh tác, và đảm bảo được năng suất cũng như chất lượng tinh bột mì", ông Hồng chia sẻ.

Cũng theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, từ đầu năm nay, tỉnh Tây Ninh đã xuống giống được hơn 42.700ha mì.

Trong 6 tháng đầu năm, ước khối lượng củ mì đưa vào chế biến khoảng 895.936 tấn; tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020, sản xuất được 223.984 tấn bột.

Tuy nhiên, dịch Covid-19 khiến nhu cầu tiêu thụ tinh bột mì thành phẩm tại Tây Ninh giảm 30% so với thời điểm trước khi bùng dịch. Đây là mức sụt giảm mạnh nhất ở mảng bột công nghiệp.

Người dân Tây Ninh tranh thủ thu hoạch để tránh ngập úng. Ảnh: Vũ Nguyệt

Người dân Tây Ninh tranh thủ thu hoạch để tránh ngập úng. Ảnh: Vũ Nguyệt.

Covid-19 cũng đang gây ra nhiều khó khăn cho bà con khi vụ thu hoạch mì đã cận kề mà không tìm ra nhân công nhổ mì.

Ông Trương Văn Tiến, người trồng hơn 3ha mì trên đất bán ngập lòng hồ Dầu Tiếng kể còn khoảng 10 ngày nữa là nước lòng hồ dâng lên, nhấn chìm vùng bán ngập.

Khu vực trồng mì trong lòng hồ Dầu Tiếng thường sử dụng nhiều công lao động từ các tỉnh miền Tây. Năm nay, công lao động từ Sóc Trăng, Trà Vinh, Đồng Tháp... không lên được Tây Ninh do giãn cách xã hội.

Ông Tiến kể, mọi năm, cứ tầm này, từng tốp công lao động lũ lượt kéo về. Cứ mỗi chiếc ghe chở theo một tốp 14 người. Công lao động ngồi trên 50-60 chiếc ghe như thế vào vùng bán ngập để nhổ mì thật nhanh.

"Chừng 10 ngày nữa là nước dâng lên, ngập bình địa luôn. Nhưng không có nhân công nhổ mì thì chỉ còn cách bỏ cho thối rữa. Nhiều nông dân trồng mì đang rầu đứt ruột", ông Tiến than thở.

Theo Cục Xuất Nhập Khẩu (Bộ Công Thương), thời gian gần đây, nguồn cung mì tươi nguyên liệu của Việt Nam có xu hướng giảm.

Nguồn cung nguyên liệu mì tươi ở khu vực miền Nam hiện không đủ để duy trì hoạt động sản xuất, khiến cho sản lượng tinh bột mì liên tục giảm.

Một số nhà máy sản xuất tinh bột mì tại khu vực phía Bắc đã ngừng sản xuất do nguồn cung mì tươi đạt thấp.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem