Kiên trì là một khái niệm mà nói thì dễ hơn làm. Ai cũng có thể đưa ra mục tiêu của đời mình, nhưng thực sự lại rất ít người kiên trì để đạt được điều cuối cùng đó. Ở Hàn Quốc, có một họa sĩ huyền thoại như vậy, người đã kiên trì vẽ những giọt nước trong nửa thế kỷ, để ghi tên mình trong trí nhớ của hàng triệu khán giả. Tên họa sĩ huyền thoại ấy là Kim – Tschang Yeul.
Kim Tschang Yeul sinh ra tại huyện Maengsan, tỉnh Bình Nhưỡng, Hàn Quốc vào tháng 12 năm 1929. Ông thích hội họa từ khi còn nhỏ và bắt đầu theo học tại Học viện Mỹ thuật của Đại học Quốc gia Seoul vào năm 1948.
Ban đầu, ông định học liền một mạch, nhưng bị gián đoạn vì chiến tranh, buộc phải dừng việc học của mình vào năm 1953.
Tuy nhiên, ngay cả khi không thể tiếp tục việc học của mình, điều đó cũng không ngăn được Kim Tschang Yeul kiên trì với hội họa. Để tránh chiến tranh, ông đã chọn rời Hàn Quốc, sống ở châu Âu và châu Mỹ, và cuối cùng định cư ở Pháp.
Kim Tschang Yeul trẻ trung như chiếc lá trước gió ở vào thời điểm đó, phiêu bạt vô định, không tìm được điểm đến và mục tiêu trong một thời gian dài.
Nhưng ngay sau đó, cơ hội của ông đã đến. Trong thời gian ở Pháp, ông đã gặp gỡ nhiều nghệ sĩ đến từ Hàn Quốc, dưới ảnh hưởng của những người bạn này, ông bắt đầu sáng tạo với phong cách riêng của mình vào năm 1960.
Những bức tranh trừu tượng độc đáo này đã khiến Kim Tschang Yeul được mọi người biết đến. Nhưng thứ thực sự khiến Kim Tschang Yeul trở nên nổi tiếng trong giới nghệ thuật chính là những giọt nước. Từ lần đầu tiên bắt đầu vẽ những giọt nước, ông đã kiên trì một chặng đường dài với đề tài này trong 50 năm, một khoảng thời gian tròn nửa thế kỷ khiến khán giả vô cùng kinh ngạc.
"Tranh giọt nước"của Kim Tschang Yeul cũng giống như câu chuyện "Da Vinci vẽ trứng gà để bắt đầu hội họa" vậy. Phản ứng đầu tiên của nhiều người là: Những họa sĩ tài giỏi thì vẽ gì chẳng đẹp, sao cứ phải vẽ những giọt nước, chẳng có một chút kỹ thuật gì?
Trên thực tế, yếu tố "giọt nước" không chỉ không hề đơn giản mà còn có ảnh hưởng và ý nghĩa sâu sắc đối với Kim Tschang Yeul.
Một buổi sáng, khi Kim Tschang Yeul đang bắt đầu vẽ tranh, ông định vẩy một ít nước lên vải để chuẩn bị. Nhưng không ngờ một đường vẩy tay của ông lại tạo ra một "bức tranh" mà ông chưa từng thấy trước đây: những giọt nước lớn nhỏ khác nhau đọng trên tấm vải, dưới ánh nắng phản chiếu từ cửa sổ bỗng trở nên long lanh kì diệu.
Sau đó, trong một cuộc phỏng vấn, Kim Tschang Yeul nhớ lại: "Lúc đó, tôi đã bị rung động. Cảm giác này là điều tôi muốn. Tôi muốn thử dùng nó như một chủ đề sáng tạo nghệ thuật".
Chính những giọt nước tinh khiết và đơn giản nhất này đã dẫn lối cho người nghệ sĩ. Đối với một người đã sống trong những năm tháng chiến tranh như Kim Tschang Yeul mà nói, ông đã hơn một lần chứng kiến và trải qua cái chết cũng như sự ly biệt.
"Vẽ giọt nước có thể chữa lành mọi ký ức, nỗi đau và sự lo lắng của tôi. Những giọt nước này thực sự không có ý nghĩa biểu tượng rõ ràng đối với tôi, nhưng chúng thực sự có thể giúp tôi xóa bỏ nhiều ký ức đau buồn và bất an trong quá khứ."
Một số người có thể cho rằng họa sĩ này liệu có quá đơn điệu nếu chỉ vẽ một thứ trong nửa thế kỷ. Tuy nhiên, những giọt nước trong tranh của Kim Tschang Yeul không hề đơn điệu, theo sự khác biệt của ánh sáng và bóng tối, bố cục và phông nền, những giọt nước trong mỗi bức tranh ông đều là độc nhất. Tổng hợp hầu hết các tác phẩm của Kim Tschang Yeul, các sáng tạo của ông có thể được chia thành ba giai đoạn theo thời gian.
Trong những năm đầu sáng tác, trong bức tranh của ông chỉ có một giọt nước. Nhìn tưởng đơn giản, nhưng để vẽ được giọt nước vô cùng đẹp này, Kim Tschang Yeul đã dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu cách vẽ nó như thật.
Kiểu vẽ tranh này được duy trì trong vài năm, sau đó số lượng giọt nước trên tranh của ông bắt đầu tăng lên. Độ mạnh và điểm yếu của mỗi giọt nước, thực tế và sự biến đổi của ánh sáng và bóng tối, đều có sự khác nhau.
"Quá trình vẽ giọt nước giống như hòa tan mọi tạp chất và trả giọt nước về trạng thái thuần khiết nhất giống như "vô". Khi tất cả giận dữ, lo lắng và sợ hãi đạt đến mức "vô", chúng ta sẽ cảm thấy bình yên". Quá trình vẽ của mỗi bức tranh đối với Kim Tschang Yeul mà nói đều có tác dụng chữa lành tất cả những gì ông đã trải qua trong những năm đầu đời.
Những giọt nước này đã đưa tên tuổi của Kim Tschang Yeul ngày càng nổi tiếng trong giới hội họa Châu Âu, so với tên thật, người ta thích gọi ông là "họa sĩ giọt nước" hơn.
Năm 2008, sau khi đã vẽ tranh giọt nước trong gần 40 năm, Kim Tschang Yeul trở về Hàn Quốc. Từ Pháp trở về Hàn Quốc, lần "trở về" này cũng đồng nghĩa với việc sáng tạo của ông đã trở về với văn hóa phương Đông đích thực.
Trong các bức tranh của ông, bắt đầu xuất hiện một số chữ Hán giống như thư pháp làm nền cho hình ảnh những giọt nước: Đôi khi nó là những nền tranh dày đặc chữ viết, đôi khi lại là những bộ chữ Hán rời rạc, những giọt nước hữu hình hòa lẫn cùng những văn tự trừu tượng, thể hiện trường phái hội họa phương Tây tỉ mỉ vừa đối lập nhưng cũng lại hòa quyện cùng trường phái mặc thủy hữu ý của phương Đông.
Do học thư pháp khi còn nhỏ và chịu ảnh hưởng sâu sắc của Nho giáo và sau đó là ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, những sáng tạo của Kim Tschang Yeul luôn có thể tích hợp hoàn hảo văn hóa và triết lý của những nơi khác nhau và thể hiện chúng trong các tác phẩm của mình một cách uyển chuyển.
Trong nửa thế kỷ qua, ông chưa bao giờ ngừng sử dụng chiếc bút lông sáng tạo của mình, và sự kiên trì của ông cũng đã nhận được những thành quả tương ứng. Năm 1996, Pháp trao tặng huân chương cho ông. Tới năm 2013, chính phủ Hàn Quốc trao huân chương cho ông. Và đến năm 2016, bảo tàng mang tên ông chính thức được khai trương ở phía nam đảo Jeju.
Nhiều tổ chức nghệ thuật bao gồm Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Quốc gia Hàn Quốc, Bảo tàng Nghệ thuật Samsung, Trung tâm Pompidou ở Paris, Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở Tokyo, Nhật Bản, Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại Quốc gia ở Nhật Bản và Bảo tàng Mỹ thuật ở Boston, Hoa Kỳ đã sưu tập tranh của ông.
Ngoài ra còn có nhiều bức tranh đã được bán đấu giá và thu về với giá siêu cao: Bức tranh giọt nước năm 1973 đã được bán với giá khoảng 2,38 triệu NDT (khoảng hơn 8 tỷ đồng) tại Sotheby's vào năm 2017; tác phẩm giọt nước năm 1978 được bán với giá 1,48 triệu đô la Hồng Kông (khoảng hơn 4 tỷ đồng) tại Christie's năm 2013.
Sohu
Kim Tschang Yeul đã hơn một lần nói rằng ông sẽ tiếp tục vẽ tranh về những giọt nước cho đến ngày không thể vẽ được nữa. Tuy nhiên, vào ngày 5/1/2021, chiếc bút vẽ trên tay người nghệ sĩ vĩ đại này đã vĩnh viễn dừng lại. Sự ra đi của ông đã khiến cả giới nghệ thuật bàng hoàng, thậm chí tờ "Thời báo New York" bên kia bờ đại dương đã dành nhiều thời gian để đưa tin về sự ra đi của nghệ sĩ này.
"Mặc dù những giọt nước có thể trong suốt, lấp lánh rồi lập tức trở thành hư không, nhưng những giọt nước của Kim Tschang Yeul luôn có thể khiến người ta cảm động." Một người quản lý đã từng giám tuyển các bức tranh của Kim Tschang Yeul đã nói như vậy sau khi biết về sự ra đi của nghệ sĩ lừng danh này.
Dù "họa sĩ giọt nước" đã rời xa chúng , nhưng những giọt nước trong ngòi bút của ông và câu chuyện 50 năm bền bỉ đằng sau giọt nước ấy, chắc chắn sẽ còn khiến khán giả nhớ về ông trong một thời gian dài nữa.