Dân Việt

Khu đất xây Nhà ga Thủy phi cơ ở hồ Tây từng là nơi "mỹ nhân Bắc Hà" chờ ngày... kết thúc cuộc đời

Nam Phương 03/10/2021 19:01 GMT+7
Vị trí xây dựng Nhà ga Thủy phi cơ cũ ở Hồ Tây (Hà Nội), từng là nơi một "mỹ nhân Bắc Hà" thờ Phật, trồng hoa chờ ngày kết thúc cuộc đời buồn thảm của mình.

Trong bài viết: "Nhà ga Thủy phi cơ: Từ "biểu tượng của giới thượng lưu Hà Nội" đến "tàn tích" bên hồ Tây", đã đề cập đến "lai lịch" của Nhà ga Thủy phi cơ. Tuy nhiên, ít ai biết được, vị trí xây dựng Nhà ga Thủy phi cơ này, từng là nơi một "mỹ nhân Bắc Hà" sống cuộc đời buồn thảm của mình sau khi mắc tội "Đạo khuy thánh thể, thiệt thị long nhan" (Nhìn trộm mình thánh, nhìn trộm mặt rồng).

Theo Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến – chuyên gia nghiên cứu về Hà Nội, cách đây gần 200 năm, triều vua Minh Mạng xảy ra một câu chuyện khác ở chính vị trí ga của Sở Thủy phi cơ đầu thế kỷ 20 và Hãng Phim truyện Việt Nam hôm nay. Xưa chỗ này có doi đất ăn ra Hồ Tây có một cái am gọi là am Cô Son.

Khu đất xây Nhà ga Thủy phi cơ ở hồ Tây từng là nơi "mỹ nhân Bắc Hà" chờ ngày... kết thúc cuộc đời - Ảnh 1.

Thủy phi cơ của Pháp hạ cánh ở Hồ Tây. Ảnh Tư liệu.

Ngược dòng thời gian, khu vực này là nơi người Chăm sinh sống gọi là Châu Lâm viện.

Chính nơi đây một gia đình đã sinh ra một cô con gái mà lọt lòng môi đã đỏ như son nên họ đặt tên con là Son. Có thể vợ chồng này gốc Chăm. Càng lớn Son càng nõn nà.

Ở tuổi trăng tròn, Son nổi tiếng khắp Hà Nội vì xinh đẹp. Nhiều gia đình giàu có nhờ mai mối đánh tiếng cho Son về làm dâu nhưng cha mẹ Son chưa nhận lời, họ như muốn chờ ý trung nhân cho con gái có chỗ dựa ấm áp.

Về phần Son, cô lại có cảm tình với một khóa sinh nghèo tên là Hồng. Hai người tình cờ gặp nhau trong lễ hội đầu Xuân của làng. Họ ngầm cảm mến nhau nhưng khóa Hồng không dám nhờ mai mối vì biết gia cảnh mình nghèo khó.

Khu đất xây Nhà ga Thủy phi cơ ở hồ Tây từng là nơi "mỹ nhân Bắc Hà" chờ ngày... kết thúc cuộc đời - Ảnh 2.

Dấu tích Nhà thủy phi cơ trên Hồ Tây ngày nay. Ảnh: Khôi Lâm.

Lúc này, triều đình cho người đi khắp các vùng trong nước tuyển phi cho vua. Theo lời đồn, bọn họ đến phường Thụy Chương và bất ngờ trước vẻ đẹp của Son và cô được ghi tên đầu trong danh sách mỹ nhân Bắc Hà.

Bố mẹ Son mừng thầm vì con rơi vào nơi nhung lụa. Rồi cô rời xứ Bắc vào Huế. Mấy năm Son ở Huế, cha mẹ cô không có tin tức gì về con gái.

Nhưng một hôm triều đình báo tin về Thụy Chương, Son mắc trọng tội phải trả về nguyên quán. Giấy trả về quê ghi cô mắc tội "Đạo khuy thánh thể, thiệt thị long nhan" (Nhìn trộm mình thánh, nhìn trộm mặt rồng).

Khi Son về đến nhà, cha mẹ hỏi chuyện, cô chỉ khóc, không dám trả lời. Hàng xóm thấy Son ở cung vua nay lại về nhà đã xì xầm khiến cha mẹ cô ra đường phải cúi mặt, không dám nhìn ai.

Khu đất xây Nhà ga Thủy phi cơ ở hồ Tây từng là nơi "mỹ nhân Bắc Hà" chờ ngày... kết thúc cuộc đời - Ảnh 3.

Từng là biểu tượng của giới thượng lưu tại Hà Nội, tuy nhiên do bị bỏ hoang từ lâu nên công trình này xuống cấp trầm trọng. Các rào chắn, bờ tường bị ẩm mốc, nứt vỡ và tồi tàn. Trong ảnh: Lối lên tầng 2 và tầng 3 Nhà ga thủy phi cơ đã được chặn lại để tránh người lên xuống tụ tập. Ảnh: Khôi Lâm (chụp tháng 10/2021).

Mãi sau này, trong họ có người làm quan trong Huế cất công dò hỏi mới rõ ngọn nguồn.

Thì ra, vua là người có tính đa nghi. Lệ là cung nữ được đến hầu chăn gối thì đêm ấy đều phải buộc dải lụa đen ngang mặt để che mắt, không được phép nhìn rõ mặt vua.

Khi Son được vua vời, cô khấp khởi mừng thầm, sẽ đẻ con và được phong chức hậu. Nghĩ thế nên cô không kiềm chế được tính tò mò đã lén lút hé dải lụa che mắt ra nhìn. Và bất ngờ bị phát hiện, vua đã quy tội Son là "đại nghịch, bất kính" tức khắc truyền "bãi ngự", sai làm giấy tờ cho về quê.

Cung nữ bị thải coi như đồ bỏ đi vì quan địa phương không dám lấy, sợ đụng vào thứ từng là của vua. Còn khóa Hồng một thuở nay đã yên bề gia thất. Chàng biết chuyện, bụng nghĩ muốn nối lại thì Son cũng không thể vì cô cảm thấy bẽ bàng hổ thẹn, kể cả làm lẽ mọn. Chưa 30 tuổi nhưng Son dù không góa bụa cũng coi như góa bụa.

Chán cuộc đời đen bạc và bất công, cô Son bỏ nhà ra doi đất trán khỉ ở Hồ Tây lập một cái am nhỏ thờ Phật, trồng hoa chờ ngày kết thúc cuộc đời buồn thảm của mình. Dân trong vùng gọi là am Cô Son với niềm thương cảm, xót xa.

Khu đất xây Nhà ga Thủy phi cơ ở hồ Tây từng là nơi "mỹ nhân Bắc Hà" chờ ngày... kết thúc cuộc đời - Ảnh 4.

Bị bỏ hoang từ lâu nhưng giờ đây, nhà ga thủy phi cơ trở thành điểm săn hoàng hôn được nhiều bạn trẻ, người đam mê nhiếp ảnh yêu thích và tìm đến mỗi ngày. Ảnh: Trọng Hiếu (chụp tháng 8/2020).

Sau khi cô Son mất, cái am vẫn còn, đến thập niên 1920, khi quân đội Pháp xây Sở Thủy phi cơ họ đã phá am.

Thân phận của Son đã được nhiều người viết thơ, làm câu đối. Có những câu thơ câu còn lưu đến ngày hôm nay:

Thanh tịnh gửi thân đâu hơn trán khỉ

Phồn hoa tỉnh mộng còn gớm mặt rồng

Một nhà viết chèo lấy thân phận cô Son viết thành vở chèo tên là Cô Son. Vở này được nhiều đoàn dàn dựng và diễn từ những năm 1960 cho đến hôm nay.

"Sinh con gái đẹp trong chế độ phong kiến có khi là thảm họa. Son sinh ra không đúng thời. Nếu cô sinh ra ngày hôm nay thế nào cũng được gọi là hotgirl, đi thi nhan sắc mà giành vương miện, sẽ có đại gia sẽ săn đón. Cái thời hóa ra rất quan trọng!", Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến chia sẻ trên báo chí.

Từng là nhà ga sân bay cua vua Bảo Đại và tài sản của Hãng Phim truyện Việt Nam?

Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, sau năm 1954, nhà và đất của Sở Thủy phi cơ do nhà nước quản lý.

Nhà ga Thủy phi cơ đã từng được sử dụng làm phòng truyền thống của Hãng Phim truyện Việt Nam và cũng đã có một thời gian dư luận xôn xao với việc cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam, Nhà ga Thủy phi cơ cũ lại được nhắc đến như một tài sản của hãng phim.

Đáng chú ý, Nhà ga Thủy phi cơ từng được Hãng phim truyện cho thuê để người ta làm nhà hàng. Thế nhưng, sau đó, ngôi nhà thủy phi cơ từng được Hãng phim truyện cho thuê để người ta làm nhà hàng. Tới năm 2007, khi còn chưa hết hạn hợp đồng, ông Giám đốc Hãng khi đó đã ký cho thuê thêm hơn chục năm nữa, tới tận năm 2018 mà chẳng ai biết.

Được biết, đầu thế kỷ XX, người Pháp đã đưa thủy phi cơ đến Việt Nam sử dụng làm phương tiện bay có thể hạ cánh trên mặt nước không đòi hỏi cao về hạ tầng.

Sau đó, người Pháp xin và được cho phép sử dụng đất ven hồ Tây để làm nhà ga Thủy phi cơ.

Nhà ga thủy phi cơ rộng chừng vài chục mét vuông dựng trên mặt nước, xung quanh là kính để khách có thể bao quát không gian hồ và được sử dụng cho mục đích quân sự và dân sự.

Vị trí Nhà ga Thủy phi cơ hiện nằm sát bờ hồ Tây trên đường Nguyễn Đình Thi (quận Tây Hồ), ngay đối diện trường THPT Chu Văn An, căn nhà này có một cầu thang lớn ở giữa, dẫn lên tầng hai, và một cầu thang nhỏ ở bên hông đi lên tầng thượng, rộng chừng vài chục mét vuông dựng trên mặt nước, xung quanh là kính để khách có thể bao quát không gian hồ.

Do không được quan tâm, hiện Nhà ga Thủy phi cơ chỉ còn là một khối bê tông, sắt hoen gỉ, trống rỗng bên bờ hồ Tây. Tại đây, cầu thang dẫn lên các tầng nhỏ và dốc, những chiếc lan can bằng sắt tại đây đã rỉ sét.

Thậm chí còn lung lay nếu có tác động mạnh, gây mất an toàn cho những người tới địa điểm này và trên tầng 3, tất cả các lan can bảo vệ đều đã không còn.

Do nhuốm màu thời gian, công trình nay đã xuống cấp với những mảng tường cũ kỹ, các tấm kính được vẽ kín những bức hình nghệ thuật.

Theo người dân Hà Nội, mọi người thường "truyền tai" nhau câu chuyện, vua Bảo Đại đã mua lại cơ sở này vào thập niên 1930 để phục vụ cho thú chơi thủy phi cơ của mình. và lúc sinh thời vua Bảo Đại từng sở hữu hai chiếc Thủy phi cơ hiện đại nhất thời đó, hiệu Sealand và Sea Otters, biến nơi đây thành nơi "ăn chơi" của giới thượng lưu. Từ "Dinh thự Bảo Đại" ở 186 Ngọc Hà có một "đường hầm bí mật" thông ra nhà ga thủy phi cơ Hồ Tây.

Vào năm 2006, trong khi thi công tượng danh nhân Chu Văn An tại sân trường THPT Chu Văn An, đơn vị xây dựng bất ngờ phát hiện dấu tích của đường hầm được xây kiên cố theo lối kiến trúc cổ, cuốn vòm, có sử dụng gạch chỉ đỏ, không có cốt sắt, có thể thông tới tận núi Nùng (Bách Thảo) và vùng lân cận.