Nhà ga Thủy phi cơ: Từ "biểu tượng của giới thượng lưu Hà Nội" đến "tàn tích" bên hồ Tây

Sông Bùi - Khôi Lâm Thứ bảy, ngày 02/10/2021 14:15 PM (GMT+7)
Nhà ga Thủy phi cơ (Tây Hồ, Hà Nội) từng có một quá khứ huy hoàng và là "biểu tượng của giới thượng lưu" Hà Nội tồn tại cả thế kỷ từ thời Pháp, nhưng đến nay chỉ còn lại là một "tàn tích" bị bỏ hoang, xuống cấp.
Bình luận 0

Nằm lặng bên hồ Tây (Tây Hồ, Hà Nội), công trình Nhà ga Thủy phi cơ đã nhuốm màu thời gian với những mảng tường cũ kỹ, các tấm kính được vẽ chi chít bỏi những bức hình nghệ thuật (tranh graffiti).

Ngược dòng lịch sử, đầu thế kỷ XX, người Pháp đã đưa Thủy phi cơ đến Việt Nam sử dụng làm phương tiện bay có thể hạ cánh trên mặt nước không đòi hỏi cao về hạ tầng.

Quá khứ huy hoàng, biểu tượng của giới thượng lưu Hà Nội

Nhà ga Thủy phi cơ: Từ quá khứ huy hoàng đến "tàn tích" bên hồ Tây - Ảnh 1.

Nhà ga thủy phi cơ nằm lặng lẽ bên bờ hồ Tây thời điểm hiện tại (tháng 10/2021). Ảnh: Khôi Lâm (chụp tháng 10/2021).

Trong thư số 841 ngày 5/10/1920 gửi Thống sứ Bắc Kỳ, Tư lệnh Không quân Pháp tại Đông Dương có viết: "Trong thời gian sắp tới, chúng tôi sẽ đưa thủy phi cơ sang Đông Dương" và xin được sử dụng đất ven hồ Tây để làm nhà ga Thủy phi cơ.

Hà Nội lúc đó, hồ Tây là một nơi hoang sơ với diện tích mặt nước rất rộng lớn. Là địa điểm lý tưởng để xây dựng sân bay Thủy phi cơ, bao gồm một kho chứa máy bay nằm ở vị trí mà ngày nay là sân vận động của trường Chu Văn An và một nhà ga nằm ngay sát bờ hồ.

Việc người Pháp lựa chọn hồ Tây do gần với trung tâm chính trị - hành chính của Đông Dương. Nên khi có ý định xây dựng Sở Thủy phi cơ, người Pháp đã nghĩ ngay đến Hồ Tây và đất ven hồ.

Nhà ga Thủy phi cơ: Từ quá khứ huy hoàng đến "tàn tích" bên hồ Tây - Ảnh 2.

Lối lên tầng 2 và tầng 3 Nhà ga thủy phi cơ đã được chặn lại để tránh người lên xuống tụ tập. Ảnh: Khôi Lâm (chụp tháng 10/2021).

Theo Trung tâm Lưu trữ quốc gia, Sở Thủy phi cơ thực chất là một sân bay bao gồm một kho chứa máy bay nằm ở địa điểm mà ngày nay là sân vận động của trường PTTH Chu Văn An.

Người Pháp đã cho san ủi mặt bằng của mỏm đất nhô ra hồ đối diện với khu nhà kho để xây một nhà ga hai tầng bằng bê tông.

Dự án xây khu nhà ga hai tầng kiên cố này được nêu ra từ năm 1922 nhưng do những khu đất mà Không quân Pháp yêu cầu được nhượng vĩnh viễn để xây dựng đều nằm trong đất quy hoạch mở rộng trường Trung học Bảo hộ (trường Chu Văn An ngày nay), nên mãi đến năm 1933 Hiệu trưởng Trường Trung học Bảo hộ mới đồng ý để chính quyền nhượng vĩnh viễn những khu đất trên.

Nhà ga Thủy phi cơ: Từ quá khứ huy hoàng đến "tàn tích" bên hồ Tây - Ảnh 3.

Từng là biểu tượng của giới thượng lưu tại Hà Nội, tuy nhiên do bị bỏ hoang từ lâu nên công trình này xuống cấp trầm trọng. Các rào chắn, bờ tường bị ẩm mốc, nứt vỡ và tồi tàn. Ảnh: Khôi Lâm (chụp tháng 10/2021).

Nhà ga thủy phi cơ rộng chừng vài chục mét vuông dựng trên mặt nước, xung quanh là kính để khách có thể bao quát không gian hồ và được sử dụng cho mục đích quân sự và dân sự.

Theo cuốn "Indochine Français. Section générale. Aéronautique militaire. Historique de l'aéronautique de l'Indochine" (Đông Dương thuộc Pháp. Phần tổng quát. Lịch sử không quân Pháp ở Đông Dương), xuất bản năm 1932 có đoạn ghi, vào ngày 20/12/1919, Trung úy Gaillard là người thực hiện thành công chuyến bay đầu tiên bằng thủy phi cơ từ sân bay Hà Nội đến Hải Phòng.

Người Pháp đã sử dụng Thủy phi cơ vào việc thám hiểm, nghiên cứu từ trên không và có rất nhiều ảnh được chụp từ thủy phi cơ phục vụ cho các quan chức Pháp hoặc những người thuộc giới thượng lưu trong xã hội thời đó.

Nhà ga Thủy phi cơ: Từ quá khứ huy hoàng đến "tàn tích" bên hồ Tây - Ảnh 4.

Thư của Tư lệnh Không quân Pháp ở Đông Dương xin đất ở ven Hồ Tây để làm nhà ga thủy phi cơ. Ảnh: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia.

Nhà ga Thủy phi cơ: Từ "biểu tượng của giới thượng lưu Hà Nội" đến "tàn tích" bên hồ Tây - Ảnh 5.

Ảnh chụp từ trên cao toàn cảnh khu kho chứa máy bay và nhà ga thủy phi cơ. Ảnh: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia.

Hồi tưởng lại ký ức, bà Trần Thị Ngờ (87 tuổi, trú tại Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng) thời trẻ buôn bán tại chợ Bưởi vẫn còn nhớ: Hồi bé mọi người thường "truyền tai" nhau câu chuyện, vua Bảo Đại đã mua lại cơ sở này vào thập niên 1930 để phục vụ cho thú chơi thủy phi cơ của mình.

"Mọi người thường nói, lúc sinh thời vua Bảo Đại từng sở hữu hai chiếc Thủy phi cơ hiện đại nhất thời đó, hiệu Sealand và Sea Otters, biến nơi đây thành nơi "ăn chơi" của giới thượng lưu. Từ "Dinh thự Bảo Đại" ở 186 Ngọc Hà có một "đường hầm bí mật" thông ra nhà ga thủy phi cơ Hồ Tây", bà Ngờ cho hay.

Về phần đường hầm bí ẩn được cho là có cơ sở khi trước đó, vào năm 2006, trong khi thi công tượng danh nhân Chu Văn An tại sân trường THPT Chu Văn An, đơn vị xây dựng bất ngờ phát hiện dấu tích của đường hầm được xây kiên cố theo lối kiến trúc cổ, cuốn vòm, có sử dụng gạch chỉ đỏ, không có cốt sắt, có thể thông tới tận núi Nùng (Bách Thảo) và vùng lân cận.

Chỉ còn lại "tàn tích"

Nhà ga Thủy phi cơ: Từ quá khứ huy hoàng đến "tàn tích" bên hồ Tây - Ảnh 5.

Tầng 2 của nhà ga thủy phi cơ hiện nay. Ảnh: Trọng Hiếu (chụp tháng 8/2020).

Vị trí Nhà ga Thủy phi cơ hiện nằm sát bờ hồ Tây trên đường Nguyễn Đình Thi (quận Tây Hồ), ngay đối diện trường THPT Chu Văn An, căn nhà này có một cầu thang lớn ở giữa, dẫn lên tầng hai, và một cầu thang nhỏ ở bên hông đi lên tầng thượng, rộng chừng vài chục mét vuông dựng trên mặt nước, xung quanh là kính để khách có thể bao quát không gian hồ. Từ đây, du khách sẽ bước lên những chiếc máy bay đang chờ ở "đường băng" – mặt nước mênh mông của Hồ Tây.

Do không được quan tâm, hiện Nhà ga Thủy phi cơ chỉ còn là một khối bê tông, sắt hoen gỉ, trống rỗng bên bờ hồ Tây. Tại đây, cầu thang dẫn lên các tầng nhỏ và dốc, những chiếc lan can bằng sắt tại đây đã rỉ sét.

Thậm chí còn lung lay nếu có tác động mạnh, gây mất an toàn cho những người tới địa điểm này và trên tầng 3, tất cả các lan can bảo vệ đều đã không còn.

Nhà ga Thủy phi cơ: Từ quá khứ huy hoàng đến "tàn tích" bên hồ Tây - Ảnh 6.

Các bức tường trống trải trở thành không gian để các nghệ sĩ đường phố trổ tài vẽ tranh graffiti. Ảnh: Trọng Hiếu (chụp tháng 8/2020).

Do nhuốm màu thời gian, công trình nay đã xuống cấp với những mảng tường cũ kỹ, các tấm kính được vẽ kín những bức hình nghệ thuật. 

Anh Nguyễn Khánh (trú tại Thuỵ Khuê, Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, toà nhà hiện nay đã bỏ hoang và tiềm ẩn trở thành "điểm đen" về tệ nạn xã hội cũng như vệ sinh môi trường. "Nhiều khi nơi đây biến thành chỗ ở của người vô gia cư, rác thải bừa bãi ở trên tầng 2. Bên cạnh đó, tiềm ẩn trở thành nơi của các đối tượng nghiện hút", anh Khánh cho hay.

Nhà ga Thủy phi cơ: Từ quá khứ huy hoàng đến "tàn tích" bên hồ Tây - Ảnh 7.

Bị bỏ hoang từ lâu nhưng giờ đây, nhà ga thủy phi cơ trở thành điểm săn hoàng hôn được nhiều bạn trẻ, người đam mê nhiếp ảnh yêu thích và tìm đến mỗi ngày. Ảnh: Trọng Hiếu (chụp tháng 8/2020).

Cũng theo anh Khánh, thời điểm trước khi chưa có dịch Covid-19 xảy ra trên địa bàn Hà Nội, vào những buổi chiều, nhà ga thủy phi cơ thường trở thành địa điểm "săn" hoàng hôn lý tưởng của giới trẻ Hà thành, bởi cứ khoảng 17h mỗi ngày khi trời nắng, mặt trời "ngả bóng" sẽ rục đỏ tạo nên khung cảnh hoàng hôn rất đẹp và thơ mộng.

Nhà ga Thủy phi cơ: Từ quá khứ huy hoàng đến "tàn tích" bên hồ Tây - Ảnh 8.

Hiện một số người dân vô gia cư "tạm thời trưng dụng" làm nơi ăn chốn ở trong khu Nhà ga Thủy phi cơ này. Ảnh: Khôi Lâm (chụp tháng 10/2021).

Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, sau năm 1954, nhà và đất của Sở Thủy phi cơ do nhà nước quản lý. Nhà ga thủy phi cơ đã từng được sử dụng làm phòng truyền thống của Hãng Phim truyện Việt Nam và cũng đã có một thời gian dư luận xôn xao với việc cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam, Nhà ga Thủy phi cơ cũ lại được nhắc đến như một tài sản của hãng phim.

Nhiều người dân cho rằng, cơ quan chức năng có thể khai thác thành điểm du lịch, thu hút du khách trong nước và quốc tế thay vì để công trình bỏ hoang phí như hiện nay.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem