Con người chúng ta sẽ cần một bộ đồ không gian để tồn tại trên một hành tinh khác, mặc dù vậy, có những sinh vật sống trên Trái đất có thể thoải mái tồn tại ở "một thế giới ngoài hành tinh" mà không cần sự trợ giúp nào cả.
Đầu tiên, xung quanh các miệng phun thủy nhiệt ở đáy đại dương là những cụm sinh vật sống phát triển mạnh ở nhiệt độ cao tới 464 độ C (867 độ F). Trong đó, có một loài ốc sên đặc biệt thuộc chi động vật chân bụng có vảy, được phát hiện vào năm 2001. Bề ngang hơn 2cm một chút, cơ thể của ốc sên chân vảy được bọc bằng các chi tiết kim loại lấy từ môi trường xung quanh dưới đáy đại dương.
Bên cạnh đó, còn một loài sinh vật được gọi là giun Pompeii, sống bằng cách bám bên ngoài những cột khói bốc lên từ miệng phun thủy nhiệt dưới đáy biển. Sinh vật này dài 12cm, khoác trên mình một lớp vi khuẩn giúp bảo vệ khỏi sức nóng khủng khiếp của môi trường, khiến nó có thể chịu được nhiệt độ lên đến 80 độ C (gần 180 độ F).
Tiến sĩ Maggie Georgieva, một chuyên gia về sinh thái học của các miệng phun thủy nhiệt, chỉ ra rằng rất ít sinh vật sống có thể chịu nổi mức nhiệt như vậy. Bà nói: "Hầu hết các loài động vật không thể đối phó với bất cứ thứ gì trên 40 độ C. Trong khi đó, các vi sinh vật có thể tồn tại trong nhiệt độ lên đến khoảng 120 độ C".
Trong số các vi sinh vật có khả năng chịu nhiệt cực cao này là một nhóm sinh vật nhỏ bé được gọi là Archaea. Những hóa thạch sống này không chỉ phát triển mạnh trong nhiệt độ cao mà còn trong môi trường axit đốt cháy da thịt.
Thêm vào đó, một loại vi sinh vật đặc biệt, thuộc giống Picrophilus, có thể tồn tại trong môi trường có tính axit mạnh từ các mỏ và được sử dụng để tái cân bằng độ chua của chất thải.
Các tế bào sống thậm chí còn được tìm thấy nằm cách đáy biển hàng dặm, ngoài khơi bờ biển Newfoundland, điều này đã gợi ý cho các nhà khoa học rằng sự sống có thể tồn tại ở độ sâu hơn nữa.
Vi khuẩn sống cũng xuất hiện tại các lõi khoan băng ở Nam Cực. Những sinh vật nhỏ bé này, được cho là đã lên đến nửa triệu năm tuổi, chứng minh rằng sự sống có thể tồn tại ngay cả trong tình trạng đóng băng sâu vĩnh viễn.
Thậm chí, khi tình hình trở nên nguy hiểm, một số sinh vật có thể "tạm dừng sống" cho đến khi mọi thứ trở nên tốt hơn. Năm 1995, các nhà nghiên cứu đã hồi sinh một loại vi khuẩn lấy từ ruột của một con ong đã được bảo quản trong hổ phách ít nhất 25 triệu năm.
Qua nghiên cứu này, các nhà khoa học tin rằng có thể có những nơi trong Hệ Mặt trời mà con người không thể sinh sống được, thì vẫn còn đó các vi sinh vật khác phát triển. Và liệu rằng, những vi sinh vật trên Trái đất của chúng ta có phải chính là người ngoài hành tinh đã tồn tại hàng triệu năm?