Như Dân Việt đã đưa tin, một khách hàng cho thuê mặt bằng kinh doanh tại tỉnh Bình Định "tố" Thế Giới Di Động của đại gia Nam Định Nguyễn Đức Tài tự ý giảm tiền thuê mặt bằng, không thông qua ý kiến của chủ cho thuê.
Đồng thời, chủ cho thuê mặt bằng cho biết, nếu Thế Giới Di Động tiếp tục không tôn trọng và tuân thủ hợp đồng thuê mặt bằng đã ký kết, ông sẽ chuyển hồ sơ khởi kiện đến tòa án nhân dân có thẩm quyền để giải quyết.
Thông tin đến PV Dân Việt, đại diện Thế Giới Di Động cho biết, công ty sẽ liên hệ trực tiếp với đối tác, tôn trọng quyền và lợi ích của 2 bên. Đồng thời, giải quyết mọi việc trên cơ sở hợp đồng đã ký kết.
Vị này cũng không đưa ra hay bình luận thêm bất cứ thông tin nào liên quan đến việc Thế Giới Di Động tự ý cắt giảm tiền cho thuê nhà của đối tác.
Sau sự việc lùm xùm tự ý giảm giá thuê nhà của đối tác, dù chưa nhận được "lời giải thích" nào từ "ông chủ" Thế Giới Di Động, song trên các trang mạng xã hội sự việc này đã thu hút không ít người quan tâm.
Nhiều ý kiến không tán thành với cách làm được cho là "trịch thượng" của Thế Giới Di Động, mặc dù cho rằng việc hỗ trợ cắt giảm các chi phí bao gồm cả chi phí thuê mặt bằng là cần thiết với doanh nghiệp.
Một Facebooker chia sẻ, "nước đi của Thế Giới Di Động là đúng bài, bây giờ nếu không cho Thế Giới Di Động thuê mặt bằng, chủ nhà khó tìm được người thuê khác. Nhưng Thế Giới Di Động đưa ra quyết sách hơi cứng".
Hàng loạt các ý kiến khác như: "Làm ăn thì cắt giảm chi phí tối đa là đúng, nhưng "cú" này Thế Giới Di Động chơi hơi quá tay"; hay "Deal giá thuê là chuyện thường tình; Nếu không hỗ trợ thì Thế giới Di động xin trả mặt bằng, nhưng việc tự động giảm tiền thuê nhà lại không đúng, hành động quyết liệt để cắt giảm chi phí, thậm chí cắt lỗ điểm bán là hoạt động cực kỳ bình thường của người làm kinh doanh nhưng không thích cách làm của Thế Giới Di Động"...
Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc công ty luật ANVI cho biết: Hợp đồng thuê nhà nói chung, điều khoản về giá cả nói riêng hoàn toàn do các bên thỏa thuận trên tinh thần tự nguyện và bình đẳng.
Vì vậy, mọi sự thay đổi cũng đều phải dựa trên sự thống nhất của hai bên, đặc biệt giá thuê là điều khoản cơ bản của hợp đồng.
Văn bản đơn phương hạ giá của bên cho thuê thì sẽ dễ dàng được bên trả tiền chấp nhận, nhưng nếu do bên đi thuê đưa ra theo kiểu áp đặt thì nó không có giá trị pháp lý gì với giá thuê, mà chỉ dừng lại ở thông điệp muốn được giảm giá.
"Xin giảm giá mà trịch thượng như vậy thì phản ứng đầu tiên của chủ nhà sẽ là cái lắc đầu", ông Đức nói.
Trường hợp này, đằng sau lý do khó khăn do dịch bệnh, thì có lẽ bên thuê còn toan tính rằng nếu họ không thuê nữa thì chủ cho thuê cũng chẳng cho ai thuê được. Nên hành động của Thế Giới Di Động thể hiện rằng, họ không phải là bên yếu thế, mà đang có thế mạnh.
"Kể cả đại dịch Covid-19 được xác định là sự kiện bất khả kháng hay thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, thì cũng chỉ được xem xét miễn tránh một số nghĩa vụ, chứ không đồng nghĩa với việc các bên đương nhiên được quyền phá vỡ hợp đồng hay bắt buộc phải giảm giá bao nhiêu phần trăm. Dịch bệnh chỉ là lý do chính đáng không thể bỏ qua để hai bên ngồi lại thương thuyết với nhau một cách thiện chí và hợp tác, chứ không phải để đơn phương áp đặt ý chí của một bên buộc bên kia phải chấp nhận", Luật sư Trương Thanh Đức nói.
Còn theo luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM), trong hợp đồng ký kết với hai bên nếu không có điều khoản thỏa thuận về trường hợp nào được phép cắt giảm tiền thuê, trong trường hợp này nếu công ty tự ý cắt giảm tiền thuê mà chưa được sự đồng ý của bên cho thuê thì công ty đã vi phạm hợp đồng.
Cũng theo ông Tuấn, muốn cắt giảm tiền thuê thì hai bên phải phải tiến hành thương lượng và phải được sự đồng ý của bên cho thuê. Trong trường hợp bên cho thuê không đồng ý, thì không được tự ý cắt giảm.
"Việc kinh doanh lỗ hay lãi doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm đối với việc kinh doanh của mình. Đừng đánh đồng việc kinh doanh thua lỗ hoặc dịch bệnh mà hành xử trên cả pháp luật hiện hành", ông Tuấn nhấn mạnh.
Việc cắt giảm chi phí nằm trong chiến lược của ông chủ Thế Giới Di Động kể từ năm 2020-"năm Covid" đầu tiên.
Trong một lần chia sẻ, đại gia Nam Định Nguyễn Đức Tài cho biết, Thế Giới Di Động áp dụng chính sách "thắt lưng buộc bụng", "cái gì cắt được thì cắt", bao gồm cả tiền thuê mặt bằng cửa hàng. Theo tính toán của ông Tài, tỷ lệ thuê mặt bằng trên doanh thu của Thế Giới Di Động vào khoảng 1,5-2%.
"Vì đây là khó khăn thật chứ không phải mình tung hỏa mù với đối tác của mình. Tôi đã khó khăn thật mà bạn còn làm khó tôi nữa thì thôi, tôi trả mặt bằng chứ làm gì bây giờ?", ông Tài nói.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào kết quả kinh doanh của Thế Giới Di Động trong năm 2020 và 8 tháng đầu năm 2021, doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp này vẫn tăng trưởng dương bất chấp những khó khăn từ dịch bệnh toàn cầu.
Cụ thể, năm 2020 lợi nhuận sau thuế của Thế Giới Di Động đạt hơn 108.500 tỷ đồng doanh thu và gần 3.920 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 6% và 2% so với năm 2019.
Còn theo báo cáo tình hình kết quả kinh doanh 8 tháng đầu năm nay, doanh thu thuần của Thế Giới Di Động vẫn tăng trưởng 8% so với cùng kỳ, đạt 8.495 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 12%.
Nếu nhìn tổng thể Thế Giới Di Động vẫn đang "ăn nên làm ra". Hơn nữa, cũng không thể nói vì doanh thu tháng 8 giảm mạnh, doanh nghiệp "bắt" chủ cho thuê mặt bằng giảm 70% tiền thuê. Vậy khi doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng mạnh, công ty có tăng tiền nhà cho chủ thuê không?
Thế Giới Di Động của ông Nguyễn Đức Tài đang dựa vào đâu khi tự ý cắt giảm tiền thuê mặt bằng của đối tác như phản ảnh của Dân Việt?