Ngày 4/10, ông Lê Văn Danh, Phó trưởng Ban quản lý các Khu công nghiệp Đồng Nai cho biết, đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp có nguyện vọng muốn hoạt động trở lại để ổn định sản xuất kinh doanh.
Theo đó, vào giai đoạn này, Đồng Nai đã phê duyệt cho 265 doanh nghiệp bổ sung lao động thực hiện và đăng ký mới "3 tại chỗ". Hiện vẫn còn có 600 doanh nghiệp chưa có phương án hoạt động.
Ngoài ra, địa phương cũng giải quyết cho 32 doanh nghiệp chuyên ngành giày, may mặc cho công nhân đi làm mỗi ngày bằng phương tiện cá nhân. Số người được giải quyết bổ sung đi làm mỗi ngày là 18.000 người.
Theo ông Danh, sắp tới, khi Đồng Nai đồng loạt mở cửa cho công nhân đi về hàng ngày thì có nguy cơ sẽ tăng F0. Do đó, Ban quản lý các Khu công nghiệp mong muốn các huyện sẽ phải tổ chức khu cách ly có quy mô để đề phòng rủi ro.
Ông Danh cũng đề nghị ngành y tế triển khai ngay các trung tâm y tế của khu công nghiệp, đặc biệt là TP.Biên Hòa và Nhơn Trạch. Như vậy sẽ phát huy được hiệu quả của việc bóc tách nhanh khi phát sinh F0.
"Các doanh nghiệp đã yêu cầu lãnh đạo tỉnh thông báo cụ thể kế hoạch lộ trình chấm dứt "3 tại chỗ" hoặc phương án cho công nhân chủ động di chuyển để đi làm trở lại. Bởi hiện nay càng để công nhân ở nhà lâu, công nhân không có thu nhập sẽ khó níu chân họ lại địa phương. Bên cạnh đó, việc cho lao động làm việc trở lại dựa theo hình thức phân vùng đỏ - cam - vàng - xanh cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Vì vậy, doanh nghiệp mong muốn địa phương cho lao động đi làm trở lại dựa theo tỷ lệ tiêm vaccine thay cho phân vùng. Doanh nghiệp "3 tại chỗ" cũng hi vọng nhà nước hỗ trợ 1 phần phí test Covid-19 cho công nhân", ông Danh nhấn mạnh.
Trong khi đó ông Đặng Tuấn Tú - Chủ tịch công đoàn công ty TNHH Changshin Việt Nam (huyện Vĩnh Cửu) cho biết, doanh nghiệp đang lên danh sách 2.000 lao động chuẩn bị trở lại sản xuất vào ngày 5/10 tới.
Số lao động này chỉ chiếm khoảng 5% tổng số lao động của doanh nghiệp. Dù chưa giải quyết được nhiều, song ông Tú cho rằng phải bắt đầu từ con số nhỏ, khi kiểm soát dịch tốt hơn mới tăng dần lượng công nhân đi làm lên.
Qua rà soát, công ty Changshin hiện có khoảng 16.000 lao động tại 3 nhà máy ở huyện Long Thành, Tân Phú và Vĩnh Cửu đáp ứng điều kiện trên. Trong đó, 3.800 lao động đã và chuẩn bị quay lại làm việc; số còn lại đang tiếp tục hoàn tất thủ tục bổ sung thời gian tới.
Dù vậy, số lao động này chỉ chiếm khoảng 38% tổng lao động của công ty (42.000 lao động), do đó khi chính quyền cho mở cửa hoàn toàn thì khả năng thiếu hụt lao động là rất lớn.
Đặc biệt, các đơn hàng cuối năm rất quan trọng với doanh nghiệp và được xem như "phao cứu sinh" để doanh nghiệp vớt vát phần nào thiệt hại sau hơn 3 tháng ngừng sản xuất.
Hiện nay, các chính sách cho công nhân tăng ca, tổ chức về địa phương đón lao động trở lại đã được tính đến nhưng trước mắt, doanh nghiệp vẫn mong được tiêm vaccine sớm cho công nhân.
Cũng là một doanh nghiệp lớn, hiện công ty TNHH Pousung Việt Nam (KCN Bàu Xéo, huyện Trảng Bom) đã chuẩn bị đưa hơn 5.200 lao động (hơn 21% tổng số lao động) trở lại sản xuất.
Ông Lê Nhật Trường, Chủ tịch công đoàn Pousung nói rằng trong giai đoạn đầu hoạt động trở lại, việc bố trí lại đội ngũ lao động cho phù hợp vị trí mới sẽ khó khăn và mất thời gian. Bởi hiện nay có nhiều lao động đã về quê, số khác vẫn chưa được tiêm vaccine nên việc quay lại sản xuất cũng không thể đạt 100%.
Theo thông báo từ Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai, hiện có 28 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng lao động với gần 5.000 việc làm tại sàn giao dịch tuyển dụng lao động trực truyến sáng 3/10.
Nhưng hiện chỉ có hơn 150 lao động tham gia tư vấn giới thiệu việc làm và các doanh nghiệp tiếp nhận hơn 100 hồ sơ xin việc của người lao động. Trong đó, chỉ có một số vị trí cần tuyển dụng đi làm ngay, còn lại đa phần doanh nghiệp tuyển dụng cho kế hoạch từ nay đến cuối năm, khi ổn định dịch mới đi làm.