Dân Việt

Khủng hoảng nguồn cung, giá urê dự báo sẽ “nhảy múa”

Quốc Hải 05/10/2021 16:12 GMT+7
Các mức giá kỷ lục liên tiếp của phân urê được thiết lập khi có quá nhiều yếu tố bất lợi dồn dập đến với việc sản xuất và lưu thông mặt hàng này trên toàn thế giới. Các chuyên gia dự báo giá urê trong nước sẽ biến động.

Thông tin thị trường cho thấy, từ giá urê Cà Mau bán cho đại lý cấp 1 quay lại mức cao 11,3 triệu đồng/tấn. Điều đáng nói là cơn "bão giá" mới này lại ập đến khi vụ đông xuân ở miền Nam đang đến gần kề.

Giá urê tăng cao nhất trong 10 năm qua

Theo các bản tin của Argus và Fertecon (các công ty dự báo, phân tích thị trường uy tín quốc tế), thì nguồn cung urê trên toàn thế giới ngày càng khan hiếm, giá tiếp tục tăng tại tất cả các thị trường.

Tính đến cuối tháng 9/2021, thị trường urê thế giới đã chứng kiến nhiều kỷ lục được thiết lập.

 Tại Mỹ, giá urê đã tăng vượt mức 650 USD/tấn FOB NOLA, thiết lập một mức giá kỷ lục mới trong vòng 10 năm trở lại đây. 

Trong khi đó, tại Ai Cập, sau khi tăng 75 USD/tấn tuần trước, tuần này giá urê tiếp tục tăng thêm 80 USD/tấn và đạt mức kỷ lục 700 USD/tấn FOB cho hàng giao tháng 12/2021.

Khủng hoảng nguồn cung, giá phân urê dự báo sẽ “nhảy múa” - Ảnh 1.

Sản xuất phân đạm tại Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (DPM) - Ảnh: DNCC

Nhiều nhà máy sản xuất amôniắc (NH3) tại châu Âu dừng hoạt động

Thị trường NH3 tuần qua đã ghi nhận nhiều thông tin bất ngờ khi hàng loạt nhà máy tại châu Âu phải đóng cửa.

Chẳng hạn, Công ty Yara - Na Uy tuyên bố giảm công suất 40% trên toàn châu Âu; trong khi đó, Công ty BASF của Đức đã đóng cửa Nhà máy NH3 tại Antewerp và Ludwigshafen vì với mức giá khí mới.

Giá thành sản xuất NH3 tại châu Âu đã gần chạm ngưỡng 950 $/tấn, trong khi giá nhập khẩu về châu Âu là 670-700$/tấn CFR.

Giá urê tăng mạnh trong trạng thái nguồn cung thắt chặt tại châu Âu khi giá khí đốt tăng cao đã khiến nhiều nhà máy phải tạm dừng sản xuất, cùng với đó nguồn cung còn bị đe dọa khi chính sách hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc được đưa ra vào ngày 27/9 vừa qua. 

Chưa kể, giá tăng mạnh, nguồn cung hạn chế, nhu cầu đang tăng trở lại tại tất cả các thị trường do chuẩn bị bước vào vụ sản xuất, điển hình là các đấu thầu tại Ấn Độ, Tây Phi… sẽ là yếu tố tiếp tục hỗ trợ thị trường urê trong thời gian tới.

Cụ thể, ngày 1/10/2021, Công ty RCF Ấn Độ đã mở thầu mua 1,5 triệu tấn urê, các nhà cung cấp phải giao hàng trong tháng 10 và 11/2021. Kết quả mở thầu cho thấy Công ty Amber có giá chào thấp nhất là 665.5 USD/tấn CFR nhưng chỉ cung cấp được 65.000 tấn. 

Số lượng hàng còn lại có mức giá chào dao động trong khoảng 720 – 790 USD/tấn CFR. Như vậy, mức giá mới này đã lập kỷ lục trong 10 năm trở lại đây còn so với gói thầu mua urê trước đó vào cuối tháng 7/2021, đơn giá đã tăng thêm 150USD/tấn.

Nếu giá nhập khẩu tại Ấn Độ bình quân 730USD/tấn CFR thì giá thành nhập khẩu sau khi đóng bao 50kg tại cảng tương đương 17.000 đồng/kg.

Trong khi đó, tại khu vực Đông Nam Á lại càng "khô hạn" urê khi đến nay chỉ có 3 quốc gia chủ động được nguồn cung urê cho nội địa là Việt Nam, Indonesia, Malaysia trong khi các quốc gia còn lại phải nhập khẩu 100% urê vì không có nhà máy sản xuất. Trong đó, 2 quốc gia nhập khẩu nhiều nhất là Thái Lan (nhập khẩu 2,5 triệu tấn) và Philipines (1 triệu tấn/năm).

Giá urê sẽ ở mức cao trong 6 tháng đầu năm 2022?

Tuy chủ động được nguồn cung urê, nhưng do chi phí đầu vào tăng mạnh (giá dầu, giá khí, giãn cách ngừa Covid-19 thời gian dài…) khiến nhiều dự báo cho thấy, giá phân bón trong nước sẽ biến động trong thời gian tới, đặc biệt là urê.

Theo khảo sát của Dân Việt, giá urê Cà Mau và Phú Mỹ khu vực ĐBSCL có giá bình quân 655.000 đồng/bao, tăng 45.000 đồng/bao 50kg so với hồi cuối tháng 9. Còn nếu so với hồi đầu năm, giá các loại phân urê đều đã tăng từ 60% đến 80%.

Khủng hoảng nguồn cung, giá phân urê dự báo sẽ “nhảy múa” - Ảnh 3.

Phân bón Đạm Cà Mau được sắp xếp chuẩn bị vận chuyển đi các vùng, miền - Ảnh: DNCC

Giải thích giá phân urê tăng vọt, theo các doanh nghiệp và chuyên gia phân bón, do trong quý 3/2021, các khoản chi phí vận hành sản xuất đều tăng mạnh.

Theo bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (thương hiệu Đạm Cà Mau - Mã chứng khoán: DCM), kể từ khi làn sóng dịch Covid 19 lần thứ 4 bùng phát đến nay, chỉ riêng khoản chi cho sản xuất "3 tại chỗ", doanh nghiệp đã chi hơn 100 tỷ đồng để duy trì khoảng 1.000 lao động làm việc tại nhà máy.

Ngoài ra, còn phải kể đến các chi phí liên quan đến lưu thông, vận chuyển, chậm giải phóng tàu, giải phóng kho,… tăng 15% do phát sinh liên quan đến hoạt động xét nghiệm, thông chốt, thông quan, chuyển khẩu tại chỗ…

"Khoản chi cho "3 tại chỗ" này đã chiếm khoảng 1/5 tổng lợi nhuận dự kiến của DCM trong năm nay rồi. Chưa kể sắp tới đến kỳ bảo dưỡng, DN sẽ phải lo toàn bộ chi phí, thuê khách sạn cho nhà thầu..., Chúng tôi tổ chức sản xuất 3 tại chỗ đã 5-6 tháng nay rồi nên khoản chi phí tăng thêm là rất lớn", bà Hiền chia sẻ.

Một chuyên gia ngành phân bón đánh giá, Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau và một số doanh nghiệp phân bón khác đều là những doanh nghiệp có vốn chi phối của nhà nước, nên việc quản trị, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh luôn phải tuân thủ các quy định liên quan nhằm tối ưu hiệu quả hoạt động, cụ thể là việc định giá bán phải theo sát giá thị trường thế giới và khu vực. 

Chuyên gia này phân tích, giá FOB nếu muốn nhập về bán ở Việt Nam thành giá CIF thì cần cộng thêm 45-50 USD, chưa kể lợi nhuận của nhà nhập khẩu. Do đó, nếu không có doanh nghiệp sản xuất urê trong nước làm đối trọng, nông dân sẽ phải mua giá ure tối thiểu bằng giá FOB + 50 USD + lợi nhuận nhà nhập khẩu. Khi đó, giá phân bón đến tay nông dân sẽ càng cao hơn.

Theo đánh giá của các chuyên gia, sự thiếu hụt khí đốt trên toàn cầu và nguồn cung hạn chế từ Trung Quốc sẽ khiến giá urê tiếp tục ở mức cao trong 6 tháng đầu năm 2022. Trong khi đó, cả hai “ông lớn” ngành urê là Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau đều dự kiến giá mặt hàng phân bón này cũng sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới theo đà tăng của phân bón thế giới…