Giá phân bón tăng cao trước thềm vụ đông xuân 2021 - 2022, địa phương kiến nghị khẩn một việc

Trần Quang Thứ bảy, ngày 02/10/2021 12:07 PM (GMT+7)
Đó là yêu cầu được đưa ra tại hội nghị trực tuyến "Sơ kết sản xuất trồng trọt vụ thu đông và mùa năm 2021; triển khai sản xuất vụ đông xuân 2021-2022 tại các tỉnh, thành phố Nam Bộ", do Bộ NNPTNT tổ chức ngày 1/10.
Bình luận 0

Sản xuất lúa cả năm 2021 đạt kết quả ấn tượng

Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết: "Mặc dù ảnh hưởng dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng với sự nỗ lực chung của ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương, nông dân… nên vụ lúa thu đông 2021 ở ĐBSCL đã xuống giống hơn 714.600ha, đạt 102% kế hoạch đề ra.

 Tính đến đầu tháng 10, đã thu hoạch hơn 200.000ha lúa thu đông, năng suất đạt 56 tạ/ha, tăng 0,4 tạ/ha, tổng sản lượng cả vụ ước đạt 4 triệu tấn".

Theo ông Tùng, vụ lúa mùa ở các tỉnh Đông Nam Bộ và ĐBSCL gieo sạ 258.600ha, giảm 6.000ha; năng suất ước đạt 49,7 tạ/ha, tăng 2,7 tạ/ha; tổng sản lượng cả vụ khoảng 1,28 triệu tấn, tăng 43.000 tấn so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, việc sản xuất lúa cả năm 2021 ở các tỉnh Đông Nam Bộ và ĐBSCL với diện tích đạt 4,16 triệu ha, giảm 58.700ha; tổng sản lượng hơn 25,7 triệu tấn (trong đó ở ĐBSCL là 24,3 triệu tấn), tăng 515.000 tấn so với cùng kỳ năm 2020.

 "Đây là kết quả ấn tượng của ngành nông nghiệp trong điều kiện sản xuất gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh" - ông Tùng nhấn mạnh.

Vụ đông xuân 2021 - 2022 tại ĐBSCL: Chủ động xuống giống sớm né hạn, mặn  - Ảnh 1.

Nông dân xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy (Hậu Giang) làm đất chuẩn bị gieo cấy lúa đông xuân 2021-2022. Ảnh: Kiều My

Cục Trồng trọt khuyến cáo, vụ đông xuân 2021 -2022 tại vùng Đông Nam Bộ và ĐBSCL xuống giống 300.000ha trong tháng 10. Nhu cầu lúa giống là 30.000 - 35.000 tấn. Nhu cầu phân bón: khoảng 30.000-36.000 tấn phân Urea, 27.000-32.000 tấn phân DAP và 10.000-12.500 tấn Kali

Dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Nam Bộ, trong các tháng cuối 2021 đầu 2022, sông rạch Nam Bộ chịu tác động mạnh của thủy triều.

 Xâm nhập mặn khu vực ĐBSCL khả năng cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không gay gắt như mùa khô năm 2019-2020

Theo kế hoạch, vụ đông xuân 2021-2022, toàn vùng Nam Bộ gieo sạ 1,6 triệu ha, tăng 2.000ha; năng suất: 71,89 tạ/ha, tăng 0,23 tạ/ha và sản lượng 11,5 triệu tấn, tăng 50.400 tấn so với đông xuân 2020-2021.

Trong đó, vùng Đông Nam Bộ gieo sạ gần 80.000ha, tăng 1.500ha; năng suất: 59,79 tạ/ha, tăng 0,82 tạ/ha; sản lượng 478.000 tấn, tăng 15.000 tấn so cùng kỳ.

 Vùng ĐBSCL gieo sạ 1.520.000ha, tăng 400ha; năng suất: 72,52 tạ/ha, tăng 0,21 tạ/ha và sản lượng 11,02 triệu tấn, tăng 35.200 tấn so cùng kỳ.

Vụ đông xuân 2021 - 2022 tại ĐBSCL: Chủ động xuống giống sớm né hạn, mặn  - Ảnh 3.

Theo dự báo của Tổng cục Thủy lợi, xâm nhập mặn mùa khô năm 2021-2022 ở mức sớm và sâu hơn so với trung bình nhiều năm. 

Theo đó, dự báo trong tháng 11 và tháng 12/2021, ranh mặn 4 g/lít xâm nhập ở mức từ 20-30km; sang tháng 1 và tháng 2/2022, ranh mặn 4g/l vào sâu từ 50-70km, cao hơn 7-15km so với trung bình nhiều năm...

Kiểm soát giá vật tư đầu vào

Trao đổi tại hội nghị, ông Nguyễn Sỹ Lâm - Giám đốc Sở NNPTNT An Giang cho hay: Vụ lúa đông xuân 2021 - 2022 sẽ đảm bảo 100% lượng lúa giống chất lượng cao phục vụ cho nông dân sản xuất trong tỉnh với diện tích trên 230.000ha. 

Trong đó An Giang phấn đấu có đến 85% diện tích sử dụng các giống lúa chất lượng cao nhằm phục xuất khẩu như OM 9582, Đài thơm 8, OM 5451...

Hiện nay tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, đầu ra nông sản khó và giá thấp. Trong khi đó, giá các loại phân bón không ngừng tăng cao ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, đội giá thành sản xuất của nông dân.

 Giám đốc Sở NNPTNT An Giang kiến nghị Bộ NNPTNT phối hợp Bộ Công Thương làm việc với các doanh nghiệp, tập đoàn sản xuất phân bón trong nước và đề nghị giảm xuất khẩu, ưu tiên phân bón phục vụ trong nước.

Nhiều địa phương cũng kiến nghị ngành nông nghiệp chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về chất lượng cũng như giá cả phân bón, thuốc BVTV tại các đại lý bán lẻ cho nông dân. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ các địa phương tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ giống, vật tư đầu vào để nông dân phục hồi sản xuất trong thời gian tới.

Ông Trần Mạnh Báo - Tổng Giám đốc ThaiBinh Seed cho rằng, việc sử dụng giống trên một đơn vị diện tích ở các vùng ĐBSCL vẫn rất cao. Thậm chí nông dân còn sử dụng lúa ăn để làm giống (tỷ lệ khoảng 20% sử dụng lúa ăn làm giống) gây lãng phí rất lớn ảnh hưởng đến năng suất.

Theo ông Báo, hiện nay việc quản lý giống tại ĐBSCL còn rất nhiều vấn đề và nhiều bất cập. Tổng Giám đốc ThaiBinh Seed kiến nghị, ngành nông nghiệp phải nên xây dựng riêng cho khu vực ĐBSCL một chương trình về giống nông nghiệp gồm cả giống lúa, cây ăn quả, thủy sản... để phát huy hết thế mạnh, tiềm năng của vùng này.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh cho biết, vụ đông xuân là vụ quan trọng nhất của nông dân tại vùng ĐBSCL. 

Theo đó, ông Doanh yêu cầu các địa phương cần bố trí thời vụ gieo sạ sớm hợp lý để né tránh hạn, xâm nhập mặn, nhất là khoảng 400.000ha tại 8 tỉnh ven biển phải cố gắng tập trung gieo sạ gọn trong tháng 10.

Trong tháng 11 chúng ta xuống giống khoảng 700.000ha, còn lại diện tích 700.000ha, các tỉnh bố trí làm gọn trong tháng 12 sẽ đảm bảo vụ sản xuất của bà con an toàn và hiệu quả.

Thứ 2, theo ông Doanh, khâu giống rất quan trọng. Các tỉnh cần khuyến cáo và hướng dẫn nông dân tăng sản xuất các giống lúa thơm, giống lúa đặc sản phục vụ xuất khẩu. Ngoài ra, các địa phương chỉ nên bố trí một số lúa nếp, lúa phục vụ chế biến hợp lý đáp ứng vừa đủ với thị trường. 

Tại các tỉnh ven biển, các địa phương cần chọn các giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn để né hạn mặn. 

Thứ 3, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh lưu ý các tỉnh cần tiếp tục mở rộng diện tích lúa áp dụng các giải pháp "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm" để giảm lượng vật tư đầu vào, giảm giá thành sản xuất. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem