Dân Việt

Hà Nội: 786 chuỗi cung ứng thực phẩm hoạt động tối đa công suất trong dịch Covid-19, hàng hóa không đủ bán

Minh Ngọc 05/10/2021 12:31 GMT+7
Trong giai đoạn 2021-2025, Bộ NNPTNT và TP.Hà Nội đặt mục tiêu nâng số chuỗi, quy mô chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn được truy xuất nguồn gốc tăng 10%/năm, 7 chuỗi được nâng cấp theo chuẩn mực quốc tế và số chuỗi giá trị ngành hàng được nhân rộng 200%/năm.

Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến góp ý dự thảo Chương trình phối hợp với TP Hà Nội về "Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản giao thương giữa TP Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong cả nước giai đoạn 2021-2025" được Bộ NNPTNT và UBND TP Hà Nội tổ chức ngày 5/10.

Hà Nội: - Ảnh 1.

Hội nghị trực tuyến góp ý dự thảo Chương trình phối hợp với TP Hà Nội về "Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản giao thương giữa TP Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong cả nước giai đoạn 2021-2025" ngày 5/10. Ảnh: Minh Ngọc

Thiết lập được 786 chuỗi liên kết giữa Hà Nội và 21 tỉnh, thành phố

Theo ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, từ năm 2015, Bộ NNPTNT đã hỗ trợ Hà Nội và 21 tỉnh, thành phố phía Bắc thực hiện Chương trình phối hợp giao thương, phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho Hà Nội.

786 chuỗi cung ứng thực phẩm giữa Hà Nội và 21 tỉnh, thành phố,  - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, sau 5 năm thực hiện Hà Nội đã thiết lập được 786 chuỗi liên kết giữa Hà Nội và 21 tỉnh, thành phố. Ảnh: Minh Ngọc

Sau 5 năm thực hiện đã thiết lập được 786 chuỗi liên kết giữa Hà Nội và 21 tỉnh, thành phố, chiếm 48% số chuỗi của cả nước. Các chuỗi đã thu hút được nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân tích cực hưởng ứng tham gia.

Nhiều chuỗi được tổ chức khép kín từ khâu sản xuất đến khâu phân phối tiêu thụ sản phẩm, tạo ra các thương hiệu sản phẩm mạnh trên thị trường, như: Hợp tác xã Hoàng Long, thịt lợn Oganic Green, trứng gà Công ty CP Tiên Viên, nấm công ty Kinoko Thanh Cao...

Trong khuôn khổ Chương trình, nhiều hoạt động kết nối giao thương giữa Hà Nội và các tỉnh được triển khai để giới thiệu quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông sản và đặc sản vùng miền, đồng thời hỗ trợ lưu thông hàng hóa trên địa bàn thành phố.

Hà Nội: - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến (ngoài cùng bên trái) kiểm tra thực tế chuỗi cung ứng rau, thịt an toàn của HTX Hoàng Long, huyện Thanh Oai (Hà Nội) ngày 31/12/2020. Ảnh: Minh Ngọc

Đặc biệt, trong thời gian Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, TP. Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với 45 tỉnh, thành phố (1.130 cơ sở) của cả nước để cung cấp cho Hà Nội trung bình trên 92.000 tấn rau, củ, trái cây, trên 13.000 tấn thịt gia súc gia cầm; trên 31 triệu quả trứng; trên 11 tấn thủy sản và gần 233 tấn gạo, nông sản thực phẩm khác trong 1 tháng.

"Từ sự phối hợp này đã góp phần đảm bảo nhu cầu thực phẩm nông lâm thủy sản của Hà Nội, đóng góp vào thành quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của thành phố", ông Quyền cho biết.

Hà Nội: - Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam phát biểu tại Hội nghị trực tuyến góp ý dự thảo Chương trình phối hợp với TP Hà Nội về "Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản giao thương giữa TP Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong cả nước giai đoạn 2021-2025" ngày 5/10. Ảnh: Minh Ngọc

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam, Hà Nội là trái tim của cả nước nên nhu cầu về thực phẩm là rất lớn. Hàng năm lượng lương thực thực phẩm Hà Nội sản xuất chỉ đủ đáp ứng 35% nhu cầu của người dân Thủ đô và phải liên kết với các địa phương.

Chính bởi vậy, để đẩy mạnh hợp tác, liên kết sản xuất với tiêu thụ, thúc đẩy giao thương thực phẩm nông lâm thủy sản giữa TP Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu thì trong giai đoạn 2021-2025 sẽ nâng số chuỗi, quy mô chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn, truy xuất nguồn gốc tăng 10%/năm và 7 chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn được thí điểm nâng cấp lên chuỗi giá trị ngành hàng bền vững theo chuẩn mực quốc tế (được chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến tại từng khâu tương ứng như GAP, HACCP/ISO 22000 hoặc tương đương; được bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu; được truyền thông quảng bá, kết nối và xúc tiến thương mại trong và ngoài nước...) và số chuỗi ngành hàng được nhân rộng 200%/năm.

Hà Nội cần phối hợp chặt chẽ hơn với các tỉnh, thành phố

Đóng góp vào dự thảo Chương trình phối hợp với TP Hà Nội về "Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản giao thương giữa TP Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong cả nước giai đoạn 2021-2025", đại diện các tỉnh, thành phố cho rằng Hà Nội cần có kế hoạch phối hợp chặt chẽ, cụ thể hơn về nhu cầu cũng như đầu ra sản phẩm.

Ông Lê Tân Phong, Phó Giám Sở NNPTNT Lào Cai cho biết, tỉnh có 80 chuỗi nông sản của 6 chuỗi ngành hàng; 92 sản phẩm OCOP; 63 sản phẩm được cấp chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể. Mỗi năm cung cấp trên 100.000 tấn nông sản phục vụ thị trường trong tỉnh và các tỉnh, thành phố khác.

Theo ông Phong, từ nay đến 2030 và tầm nhìn 2050, Lào Cai sẽ đẩy mạnh phát triển chế biển các sản phẩm nông sản để cung cấp cho Hà Nội và các tỉnh, thành phố như: chè, dứa, chuối và cây dược liệu.

Hiện nay, Lào Cai có 2 trung tâm giới thiệu sản phẩm nông sản ở thành phố Lào Cai và thị xã Sa Pa.

Ông Phong cho rằng, trong chương trình phối hợp ký kết các chương trình hợp tác giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố ngoài việc phối hợp tiêu thụ nông sản thì Hà Nội cần phối hợp xây dựng các vùng nguyên liệu và quản lý truy xuất nguồn gốc để quản lý, đảm bảo chất lượng nông sản trước khi đưa về Hà Nội.

Bên cạnh đó, cơ chế thông tin cũng được cần làm rõ và cụ thể hơn, Hà Nội cần có sự phản hồi lại về chất lượng sản phẩm, thị trường để thông tin trở lại cho Lào Cai để có sự phối hợp tốt hơn.

Ngoài nâng cao chất lượng sự phối hợp giữa Hà Nội với các địa phương, ông Phong cũng đề nghị, các doanh nghiệp, Hiệp hội nhà bán lẻ cần có trách nhiệm, gắn bó với các địa phương hơn. Trong đó, thực hiện phối hợp hỗ trợ cho các địa phương từ thị trường, bao bì, nhãn mác, cách thức vận chuyển.

786 chuỗi cung ứng thực phẩm giữa Hà Nội và 21 tỉnh, thành phố,  - Ảnh 5.

Dứa được trồng ở xã Bản Lầu, huyện Mường Khương (Lào Cai). Ảnh: Cao Oanh

Đại diện Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết, tỉnh định hướng phát triển ngành nông nghiệp theo hướng bền vững. Hiện nay, đã có nhiều sản phẩm chất lượng như: gạo, các loại cây có múi, các sản phẩm OCOP.

Trong thời gian tới, Đồng Tháp xác định đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc, cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi để từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm.

Kiến nghị vào dự thảo, đại diện Sở NNPTNT Đồng Tháp cho rằng, cần tăng cường đào tạo bồi dưỡng cán bộ về lĩnh vực an toàn thực phẩm.

"Cần có 1 buổi làm việc giữa các tỉnh, thành phố với Hà Nội để nắm bắt cụ thể được thị trường, nhu cầu của từng loại sản phẩm nông sản, thực phẩm", đại diện Sở NNPTNT Đồng Tháp cho biết.

Đại diện TP Hà Nội, bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công thương cho biết, nhu cầu thực phẩm cho khoảng 10 triệu dân là rất lớn, trong khi sản xuất nông nghiệp của TP không thể đáp ứng hết được. Hàng năm TP phải thu mua, kết nối nông sản với các tỉnh, thành phố, đặc biệt những tháng cuối năm và Tết Nguyên đán.

Theo bà Lan, trong thời gian tới Hà Nội phấn đấu xây dựng các vùng trồng được cấp mã số, tất cả các sản phẩm đều được xây dựng thương hiệu.

Trong thời gian qua, TP Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội do dịch Covid-19, một số chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Tuy nhiên đối với các chuỗi cung ứng thực phẩm đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm đều dễ tiêu thụ, thậm chí thiếu hụt, không đủ để bán.

Bà Lan cho hay, Sở Công Thương Hà Nội sẵn sàng kết nối giao thương với các địa phương. Qua đó nắm bắt được nhu cầu và chất lượng sản phẩm của các tỉnh. Mong muốn kết nối cụ thể từ vùng trồng đến các hệ thống phân phối, qua đó gửi đơn đặt hàng tới các địa phương, từng doanh nghiệp, từng mặt hàng, đảm bảo từ sản xuất tiêu thụ bền vững.

Khi tham gia chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm, các tỉnh, thành phố và doanh nghiệp cần đáp ứng được tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Từ đó nâng cao chất lượng các chuỗi, đa dạng hóa kênh kết nối. Bà Lan đề nghị tập trung hỗ trợ hệ thống người nông dân, vận tải được tiêm vaccine Covid-19.

Đại diện tỉnh Lâm Đồng, ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho hay, Lâm Đồng có 1 số nông sản đặc thù như rau, quả...Đặc biệt là 140 con bò Kobe, sản lượng 1,5 tấn/tháng. Tuy nhiên trên địa bàn tỉnh chỉ có 1 doanh nghiệp đầu mối, trong thời gian tới đề nghị cần nhân rộng lên 2-3 đầu mối tiêu thụ sản phẩm thịt bò.

Ông Phạm S cũng đề xuất, Hà Nội cần tổ chức thường xuyên diễn đàn kết nối sản phẩm nông sản giữa các tỉnh, thành phố.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.