Ngày 5/10 Tổng cục Du lịch đã có buổi họp trực tuyến với các địa phương bàn về giải pháp tái khởi động du lịch nội địa và du lịch quốc tế trong bối cảnh bình thường mới. Theo đó, tham dự có đầy đủ các Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Tổng cục Du lịch; lãnh đạo 13 Sở Du lịch và 12 Sở quản lý du lịch của các địa phương là trung tâm du lịch lớn trên toàn quốc.
Thứ trưởng Đoàn Văn Việt trong phát biểu khai mạc cho biết: “Bộ VHTTDL cũng đánh giá cao và biểu dương Sở quản lý du lịch một số địa phương đã chủ động sớm nghiên cứu, tham mưu lãnh đạo chính quyền địa phương chuẩn bị khôi phục các hoạt động du lịch, tạo tín hiệu tốt cho thị trường và cộng đồng doanh nghiệp du lịch.
Tuy nhiên, do tình hình ở mỗi địa phương mỗi nơi một khác hiện nay, Bộ VHTTDL muốn lắng nghe những đề xuất từ các địa phương về các nội dung liên quan nhằm thúc đẩy phục hồi hoạt động du lịch. Đặc biệt là cần nhận thức đầy đủ cả về thách thức và cơ hội khi mở cửa, với các biện pháp, lộ trình phù hợp, từng bước chắc chắn trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh”.
Báo cáo đề dẫn, Phó tổng cục trưởng Hà Văn Siêu cho biết: “Trong 9 tháng đầu năm 2021, khách du lịch nội địa tiếp tục giảm 16% so với cùng kỳ 2020, đạt 31,5 triệu lượt khách; tổng thu từ khách du lịch giảm 41%. Các doanh nghiệp du lịch gặp vô vàn khó khăn, hoạt động kinh doanh ngưng trệ, nhiều lao động mất việc hoặc chuyển nghề”.
“Ngành Du lịch đang tích cực chuẩn bị tái khởi động du lịch với lộ trình mở cửa an toàn. Trong đó, thống nhất khôi phục lại hoạt động du lịch với phương châm “an toàn đến đâu mở đến đó, mở cửa phải an toàn”, ông Hà Văn Siêu nói.
Thứ trưởng Đoàn Văn Việt yêu cầu cần nhận thức đầy đủ cả về thách thức và cơ hội khi mở cửa, với các biện pháp, lộ trình phù hợp, từng bước chắc chắn trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh
Việc khôi phục lại hoạt động du lịch sẽ được thực hiện tại các khu vực có nguy cơ thấp “cấp 1- điểm đến an toàn”, tiến tới “kết nối các điểm đến an toàn cho du lịch”, với lộ trình phù hợp, từng bước chắc chắn, có kiểm soát trong điều kiện thích ứng chủ động, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Đồng thời, tận dụng tốt các cơ hội an toàn nhằm sớm phục hồi hoạt động du lịch và các dịch vụ liên quan trên tinh thần vừa làm vừa hoàn thiện, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn.
Để tái khởi động du lịch nội địa và, Tổng cục Du lịch đã đề ra lộ trình mở cửa du lịch an toàn, cụ thể. Trong đó, ngay từ tháng 10, cần tổ chức tập huấn các quy định, biện pháp bảo đảm an toàn phòng chống dịch Covid-19, quy trình đón và phục vụ khách du lịch, ban hành tiêu chí dịch vụ du lịch an toàn. Xác định điểm đến an toàn; kết nối các điểm đến an toàn và triển khai các hoạt động thông tin, truyền thông. Chuẩn bị phương án, nguồn lực dự phòng cho các sự cố, rủi ro....
Triển khai đón khách nội tỉnh gắn với kiểm soát chặt chẽ quy trình phòng chống dịch. Đánh giá hiệu quả, quy trình bảo đảm an toàn, đúc rút kinh nghiệm.
Từ tháng 11.2021 triển khai đón khách nội địa từ các địa phương đã kiểm soát được dịch Covid-19 gắn với quy trình phòng chống dịch an toàn, bảo đảm sự linh hoạt, thuận lợi cho khách du lịch; xác định điểm đến an toàn với các yêu cầu liên quan về tiêm vắc xin, xét nghiệm RT-PCR/test nhanh, thực hiện nghiêm thông điệp 5K, khai báo y tế, quét mã QR, ứng dụng PC-Covid).
Thí điểm đón khách quốc tế vào Phú Quốc từ tháng 11.2021- 3.2022 và đánh giá hiệu quả, đúc rút kinh nghiệm, điều chỉnh mô hình thí điểm phù hợp yêu cầu thực tiễn. Sau đó mở rộng thí điểm đón khách quốc tế ra một số điểm đến khác đáp ứng yêu cầu từ tháng 12.2021- 6.2022 như Hạ Long (Quảng Ninh), Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng). Có thể mở cửa lại hoàn toàn đối với thị trường khách quốc tế từ tháng 6.2022.
Điều hành phiên thảo luận với lãnh đạo các Sở quản lý du lịch, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh ghi nhận, tiếp thu ý kiến đóng góp của các địa phương và sẽ tham mưu lãnh đạo Bộ VHTTDL làm việc với các Bộ, ngành, địa phương liên quan, báo cáo Chính phủ
Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh Phạm Ngọc Thuỷ cho biết: “Quảng Ninh đang thực hiện việc kích cầu du lịch nội tỉnh với phương châm an toàn đến đâu, mở cửa đến đó với sự vào cuộc của tất cả các Sở, ngành địa phương. Những ngày qua, vịnh Hạ Long đã bắt đầu đón khách trở lại. Riêng trong ngày 4.10 có hơn 600 khách tham quan vịnh Hạ Long. Cố gắng trong 3 tháng cuối năm 2021 đạt 900.000 lượt khách nội tỉnh. Quảng Ninh và Hải Phòng cũng đang xây dựng phương án phối hợp thí điểm mở lại hoạt động du lịch, trao đổi khách, phù hợp với tình hình kiểm soát dịch bệnh Covid-19 giữa 2 địa phương. Hiện nay tỉnh vẫn đang gấp rút hoàn thành việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho toàn dân, dự kiến hết tháng 10 này, người dân toàn tỉnh sẽ cơ bản được tiêm mũi 2”
17/25 ý kiến từ phía các địa phương tại Hội nghị đều đề xuất Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch làm việc với các cơ quan liên quan như Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao… để có các tiêu chí, quy định du lịch an toàn thống nhất trên toàn quốc. Ông Phạm Ngọc Thuỷ đề xuất Bộ VHTTDL thống nhất các tiêu chí du lịch an toàn, hướng dẫn các địa phương và các địa phương phải công bố các khu điểm du lịch an toàn, thống nhất quy trình đi lại, cách thức triển khai mở cửa đón khách an toàn.
Đồng tình với ý kiến này, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM Nguyễn Thị Ánh Hoa đề nghị Bộ VHTTDL ban hành “tiêu chí cứng” về an toàn du lịch trong tình hình mới để thực hiện thống nhất trên toàn quốc vì hiện nay mỗi địa phương có các quy định khác nhau, rất khó thực hiện.
Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hoà cho biết đặt tiêu chí an toàn lên trên hết. Khánh Hoà áp dụng đón khách nội tỉnh từ 1.10- 15.10 và khách du lịch phải có thẻ xanh và thẻ vàng Covid. Giai đoạn 2, từ 16.10 Khánh Hoà sẽ đón khách nội địa tại các cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh nếu đáp ứng các tiêu chí về an toàn phòng, chống Covid-19, khách cũng phải có thẻ xanh và thẻ vàng Covid. Giai đoạn 3 thực hiện từ 16.11- 31.12. Khánh Hoà cũng đề nghị Bộ VHTTDL báo cáo Chính phủ cho phép Khánh Hoà thí điểm đón khách quốc tế bằng hộ chiếu vắc xin từ cuối năm 2021.
Quảng Ninh đã đón khách du lịch nội tỉnh trở lại và đặt mục tiêu 3 tháng cuối năm 2021 đạt 900.000 lượt khách nội tỉnh. Ảnh MINH ĐỨC
Muốn mở lại phải an toàn, đạt miễn dịch cộng đồng với ít nhất 70% người dân được tiêm vắc xin đủ 2 mũi trở lên. Tuy nhiên, bên cạnh những địa phương có tỉ lệ tiêm mũi 1 lên tới 95% trong toàn dân thì cũng có những nơi mới chỉ đạt 20% tiêm mũi 1 cho nhân viên ngành Du lịch.
Ông Trần Trung Hiếu, Phó giám đốc Sở Du lịch Hà Nội đề xuất lãnh đạo Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch quan tâm hỗ trợ về chuyên môn và quy trình thực hiện chương trình chuyển đổi số trong ngành Du lịch ở các địa phương. Trong đó, nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách thu hút lực lượng lao động du lịch, đặc biệt là lực lượng có chuyên môn cao nhằm đáp ứng nhu cầu phục hồi và phát triển du lịch khi dịch bệnh đã được kiểm soát. Đề xuất Bộ VHTTDL tiếp tục kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế, chính quyền địa phương ưu tiên tiêm vắc xin cho đội ngũ lực lượng lao động du lịch toàn quốc.
Các địa phương và doanh nghiệp tiếp tục đề xuất với các bộ ngành liên quan về chính sách hỗ trợ du lịch như: xem xét tiếp tục gia hạn văn bản về việc giảm thuế, phí đối với các thủ tục thẩm định, cấp phép thuộc lĩnh vực du lịch; miễn giảm và giãn thời gian đóng các tiền thuế, phí, thuê đất đối với các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn. Xem xét sửa đổi hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính Chương trình xúc tiến du lịch quốc gia để hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch tham gia các Hội chợ quảng bá xúc tiến du lịch tại các thị trường tiềm năng, trọng điểm, hội nghị, hội thảo chuyên đề về xúc tiến du lịch, về phát triển sản phẩm du lịch...
Đề xuất việc xem xét điều chỉnh giá điện áp dụng lâu dài cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng mức giá điện sản xuất. Đồng thời mở rộng đối tượng được giảm tiền điện đối với các khu, điểm kinh doanh dịch vụ du lịch. Đề xuất việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nghiên cứu, xem xét khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi xuất cho vay đối với các doanh nghiệp du lịch đang có số dư nợ cao, đang gặp khó khăn thanh toán do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tạo điều kiện để các doanh nghiệp lữ hành có điều kiện tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi. Tiếp tục có các chính sách thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động trong ngành Du lịch…
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nhấn mạnh: “Các địa phương đã có những đề xuất rất cụ thể, Bộ VHTTDL lắng nghe và tiếp thu, sẽ tổng hợp báo cáo Chính phủ, kiến nghị ban hành các chính sách phù hợp trong thời gian tới. Để thích ứng với tình hình mới, chung sống với dịch bệnh thì cần chuẩn bị những bước đi dài. Trước tiên là mở lại hoạt động du lịch, đón khách nội tỉnh, nội vùng, nội địa và khách quốc tế”
Thứ trưởng đồng ý với các địa phương về sự chủ động đề xuất các giải pháp liên quan đến hoạt động của ngành. Bộ VHTTDL tiếp thu ý kiến của các địa phương và giao Tổng cục Du lịch nghiên cứu, tham mưu để ban hành Bộ tiêu chí đón khách du lịch nội địa an toàn, phù hợp với tình hình mới. Bộ VHTTDL sẽ làm việc với các Bộ, ngành liên quan như: Y tế, Giao thông vận tải, Ngoại giao, Công an… để thống nhất các tiêu chí và triển khai chung trên cả nước. Liên quan đến đón khách quốc tế trở lại bằng hộ chiếu vắc xin, hôm nay (6.10), Bộ VHTTDL sẽ làm việc với Bộ Ngoại giao và 16 Đại sứ quán các nước là những thị trường gửi khách đến Việt Nam đông nhất.