Khủng hoảng du lịch: Từ ông chủ một bước xuống thành người làm công

Hoàng Bình Phương (thực hiện) Thứ tư, ngày 06/10/2021 11:05 AM (GMT+7)
Báo Dân Việt có cuộc trò truyện với chuyên gia du lịch Nguyễn Văn Tài, Giám đốc Công ty du lịch VietSense, đồng thời cũng là người nhanh nhạy chuyển hoá từ dịch vụ lữ hành sang các dịch vụ ẩm thực, quà tặng để tìm hướng mới cho hoạt động du lịch.
Bình luận 0

Sau bốn lần bị dịch Covid-19 tàn phá suốt hai năm qua, hoạt động du lịch cơ bản bị "tê liệt" trên mọi phương diện. Nhiều "ông chủ" của các doanh nghiệp du lịch đã cởi bỏ những chiếc áo vest lịch lãm - vốn thường thấy ở những doanh nhân - để sẵn sàng vào vai shipper để mưu sinh, tìm cơ hội mới trong hoàn cảnh khó khăn.

Báo Dân Việt đã có cuộc trò truyện với chuyên gia du lịch, CEO Nguyễn Văn Tài, Giám đốc Công ty du lịch VietSense, người đã khởi xưởng Trung tâm đào tạo du lịch thực tế đầu tiên tại Hà Nội, đồng thời cũng là một trong những lãnh đạo doanh nghiệp du lịch nhanh nhạy trong việc chuyển hoá từ dịch vụ lữ hành sang các dịch vụ ẩm thực, quà tặng để tìm hướng mới cho hoạt động du lịch.

Khủng hoảng du lịch do bùng dịch lần 4: “ông chủ” doanh nghiệp trở thành shipper - Ảnh 1.

Giám đốc Công ty du lịch VietSense Nguyễn Văn Tài khởi xướng nhiều dự án về giáo dục, kinh doanh lương thực thực phẩm, quà tặng để bổ trợ cho hoạt động lữ hành khi du lịch hồi phục. Ảnh: Hoàng Bình Phương

"Ông chủ" kiêm bán hàng

Bốn lần chịu ảnh hưởng của làn sóng dịch Covid-19, có vẻ như lần này các doanh nghiệp du lịch đã bị… đánh gục?

- Đây là giai đoạn khó khăn cực điểm của các doanh nghiệp du lịch, gồm cả lữ hành, lưu trú, vận chuyển, điểm đến. Nếu như 3 đợt dịch trước, nhiều doanh nghiệp còn gắng gượng được thì lần này, chúng tôi đã kiệt quệ cả về tài chính, con người. Giấy phép lữ hành quốc tế đã được thu hồi lại để giải phóng khoản tiền ký quỹ ngân hàng...

Với những doanh nghiệp đòi hỏi lượng vốn cố định lớn như vận chuyển, lưu trú, nhà hàng thì có lẽ còn thê thảm hơn vì còn phải chịu áp lực từ các khoản lãi, nợ ngân hàng, chi phí duy trì bảo dưỡng phương tiện vận chuyển, tàu thuyền, cơ sở lưu trú, nhà hàng. Thật không quá khi nói rằng, một màu đen đang bảo phủ mọi loại hình doanh nghiệp du lịch lúc này.

Vậy những ông chủ dày dặn kinh nghiệm trong hoạt động du lịch đã phải đối mặt với khó khăn "chưa từng có" này như thế nào?

- Cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19 diễn ra quá bất ngờ và nhanh, chỉ trong 2 năm đã khiến cho 95% doanh nghiệp du lịch dừng hoạt động, hơn 90% lực lượng lao động tạm nghỉ việc hoặc chuyển sang lĩnh vực khác. Đã ngồi trên con thuyền lênh lênh trên biển rồi, khi gặp bão thì chẳng có cách nào khác là phải tìm cách vượt qua, chẳng thể né tránh hay dễ dàng mà nói rằng, quay vào bờ rồi tính tiếp.

Đối với doanh nghiệp lữ hành, chúng tôi coi đây là  một sự khởi đầu mới, startup lại hoàn toàn bộ máy với quy mô nhỏ gọn khi mà nguồn lực tài chính đã cạn kiệt. Đã có những câu chuyện bi hài trong đội ngũ chúng tôi, nhiều đơn vị lữ hành trước kia rất "hoành tráng", có đến mấy trăm nhân viên thì nay chỉ còn lại 1 ông chủ điều hành. 

Ngay cả với Công ty lữ hành VietSense tôi đang quản lý giờ cũng còn duy trì ban giám đốc và những nhân sự cốt cán, còn lại đều đã tạm ngừng nghỉ việc. Thời của các đơn vị lữ hành vừa và nhỏ bây giờ không khác gì giai đoạn đầu khởi nghiệp khi giám đốc kiêm luôn các việc: sale (bán hàng), marketing, điều hành tour, thậm chí còn kiêm luôn cả hướng dẫn viên.

Trong số muôn vàn khó khăn đang gặp phải, theo anh vấn đề lớn nhất mà các doanh nghiệp du lịch phải đối diện khi dịch Covid-19 được kiểm soát là gì?

- Tôi cho rằng, bên cạnh vấn đề tài chính thì khó khăn nhất lúc này là việc "chảy máu nhân lực" lao động. Thực tế, đến nay đã có rất nhiều nhân sự của ngành du lịch đã xoay sang những nghề khác như bảo hiểm, bất động sản, xe công nghệ, kinh doanh online, sale ô tô… Họ sẽ nhanh chóng tạo dựng công việc ổn định và có thể sẽ không quay trở lại nghề du lịch nữa. Tới đây, ngành Du lịch sẽ thiếu hụt nghiêm trọng đội ngũ nhân sự chất lượng cao, dày dặn kinh nghiệm.

Khủng hoảng du lịch do bùng dịch lần 4: “ông chủ” doanh nghiệp trở thành shipper - Ảnh 2.

CEO Nguyễn Văn Tài, Giám đốc Công ty du lịch VietSense đang thực hiện công việc của một shipper. Ảnh: Hoàng Bình Phương

Trong nguy có cơ

Bức tranh màu đen của ngành du lịch có vẻ đã chuyển màu khi đâu đó đã xuất hiện những tia sáng xanh đầy hy vọng. Nhiều doanh nghiệp bắt đầu chuyển đổi mô hình hoạt động, anh có nghĩ rằng, trong cái khó đang ló dần cái khôn?

- Trong khó khăn thì mỗi người phải tự vận động để ít nhất là giúp mình tồn tại. Đến nay, rất nhiều doanh nghiệp du lịch đã chuyển sang kinh doanh hàng thiết yếu như: Lương thực, thực phẩm, đồ uống, hàng gia dụng. Công ty do tôi điều hành cũng vừa ra mắt một nhà hàng giới thiệu đặc sản dê Ninh Bình và siêu thị trực tuyến – VietSensemart thiên về giới thiệu và kinh doanh đặc sản các địa phương, trước mắt tập trung cho sản vật nông sản vùng Tây Bắc. Những công việc mới không chỉ giúp các công ty duy trì hoạt động mà còn tạo công ăn việc làm cho nhân sự của mình, giữ chân lực lượng lao động nòng cốt để tính đến bài toàn phục hồi khi hoạt động du lịch trở lại.

Từ làm du lịch bỗng chuyển sang kinh doanh lương thực thực phẩm, anh và những ông chủ khác có gặp khó khăn?

- Bước đầu chúng tôi gặp không ít khó khăn vì phải tìm kiếm thị trường mới. Các ông chủ sẵn sàng cởi bỏ những bộ vest lịch lãm để vào vai shipper để chuyển hàng cho khách. Bên cạnh đó, chúng tôi phải đẩy nhanh ứng dụng số, thực hiện nhiều chiến lược quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên mọi nền tảng và ứng dụng trực tuyến như mạng xã hội, facebook, Zalo, Tiktok. T

rước kia, tôi cũng đã có ý tưởng xây dựng một chuỗi cung ứng hàng hóa, đồ lưu niệm, quà tặng cho du khách vừa là để quảng bá sản vật địa phương, tăng khả năng chi tiêu của khách đồng thời tạo ra chuỗi cung ứng khép kín giữa lữ hành, vận chuyển, lưu trú, mua sắm. Dịch Covid-19 khiến chúng tôi đẩy nhanh kế hoạch này hơn dự kiến.

Với diễn biến dịch còn nhiều biến động, liệu nghề "tay trái" này có thay thế nghề "tay phải"?

- Rất nhiều ông chủ vẫn đắm đuối với du lịch nên sẽ ít có khả năng nghề "tay trái" sẽ thay thế nghề "tay phải" mà chúng tôi sẽ duy trì song song các hoạt động. Dịch Covid-19 chắc chắn cũng khiến thói quen tiêu dùng, mua sắm của du khách thay đổi. Thay vì mua bán trực tiếp thì khách sẽ mua sản vật, quà tặng địa phương bằng hình thức trực tuyến để giảm nguy cơ, rủi ro khi đi du lịch. 

Chúng tôi sẽ giúp họ làm điều đó. Đúng là "trong nguy có cơ", hiện các doanh nghiệp du lịch đã tạo dựng cho mình thêm một nền tảng dịch vụ mới để bổ trợ cho hoạt động lữ hành. Tôi cho rằng, hoạt động du lịch sau dịch Covid-19 sẽ có thêm những diện mạo mới từ các doanh nghiệp.

Khủng hoảng du lịch do bùng dịch lần 4: “ông chủ” doanh nghiệp trở thành shipper - Ảnh 3.

Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, "ông chủ" doanh nghiệp sẵn sàng cởi bỏ vest lịch lãm để làm shipper để thích ứng với cuộc sống. Ảnh: Hoàng Bình Phương

Du lịch sẽ dần hồi phục vào cuối năm 2021

Với một người dày dặn kinh nghiệm trong hoạt động du lịch, anh dự đoán thị trường du lịch bao giờ có thể hồi phục?

- Dấu hiệu hồi phục đã rõ ràng hơn khi dịch Covid-19 đã dần được kiểm soát tại nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội. Nhiều tỉnh, thành phố đã phép cho hoạt động trở lại như Hà Giang, Quảng Ninh, Quảng Bình… Lúc này, du lịch nội địa vẫn là chủ đạo để giúp các đơn vị dần hồi phục vết thương.

Hiện nay, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đang phối hợp với các địa phương và doanh nghiệp kinh doanh du lịch để lên phương án cho "du lịch an toàn" cho du khách đã có đủ điều kiện tiêm vắc xin phòng Covid-19. Tôi dự đoán, thị trường du lịch sẽ bắt đầu hồi phục dần từ cuối năm nay.

Theo anh, xu hướng du lịch nào sẽ được ưa chuộng và phù hợp với bối cảnh "tình hình mới" khi du lịch xác định "sống chung với dịch"?

- Du lịch dần phục hồi nhưng chúng ta cũng chưa thể kỳ vọng quá nhiều vào việc sớm trở về thời hoàng kim như trước kia. Thực tế là khi dịch Covid-19 qua đi là lúc tài chính của các doanh nghiệp, gia đình và cá nhân cũng đã cạn kiệt. Điều này sẽ làm cho nhu cầu du lịch rất hạn chế. Tôi cho rằng, xu hướng du lịch tự túc bằng xe riêng, đi theo nhóm nhỏ gia đình, bạn bè thân thiết với phạm vi gần và thời gian ngắn sẽ là chủ đạo. Loại hình du lịch như caravan (tự lái xe), du lịch nghỉ dưỡng sẽ lên ngôi ở thời điểm này.

Khi du lịch khởi động, các đơn vị du lịch giải quyết việc khủng hoảng nhân sự ra sao để sẵn sàng hoạt động trở lại?

- Từ cuối năm 2020, 6 doanh nghiệp lữ hành gồm: VietSense Travel, MyTravel, Ascend Travel, AZA Travel, Ánh Dương Tour, Asia Land Travel đã cùng nhau thành lập Trung tâm Đào tạo du lịch thực tế đầu tiên tại Hà Nội - Prato (Practical Tourism). Trung tâm đang tổ chức những lớp đào tạo ngắn hạn miễn phí với mục đích chia sẻ, đưa các kỹ năng thực tế của các công ty để đào tạo thêm cho học viên, gồm: nhân viên, người lao động của chính các công ty du lịch, sinh viên đang theo học du lịch hoặc những người ở ngành nghề khác muốn làm du lịch.

Chúng tôi xác định, có thể nguồn nhân lực chất lượng cao, giàu kinh nghiệm có thể sẽ không quay lại với du lịch thì cơ hội lớn sẽ được trao cho những sinh viên du lịch đang chuẩn bị ra trường. Hiện chúng tôi đang phối hợp với các trường có khoa Du lịch để tào tạo, hướng dẫn miến phí với hy vọng đây có thể sẽ là lực lượng lao động chính bổ sung cho nguồn nhân lực đang bị thiếu hụt hiện nay của các công ty.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem