Khu di tích Lam Kinh ẩn chứa nhiều điều kỳ bí, khó lý giải gây tò mò cho nhiều du khách

Hoài Thu - Hữu Dụng Thứ tư, ngày 06/10/2021 07:19 AM (GMT+7)
Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thanh Hóa) ẩn chứa nhiều điều kỳ bí khó lý giải, trong đó câu chuyện về cây ổi biết "cười", chuyện tình đa - thị cho đến nay vẫn gây tò mò cho nhiều du khách.
Bình luận 0

Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh nằm tại (huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) nằm cách TP Thanh Hóa khoảng 50km về phía Tây Bắc. Nơi đây đang lưu giữ nhiều tích chuyện huyền bí của một triều đại phong kiến được coi là hưng thịnh bậc nhất trong lịch sử Việt Nam.

Về khu di tích, du khách có thể đến viếng điện Lam Kinh và tham quan chụp ảnh với nhiều công trình bề thế, những cây cổ thụ có hàng trăm năm tuổi. Trong số này, có nhiều loài cây quý với những tích chuyện bí ẩn khiến du khách về đây không khỏi bất ngờ.

Thực hư chuyện cây ổi biết "cười"

Những câu chuyện khó tin về các "cụ cây" ở khu di tích Lam Kinh - Ảnh 1.

Cây ổi "cười" nằm trong khuôn viên khu lăng mộ vua Lê Thái Tổ tại Khu di tích Lam Kinh. Ảnh: Hoài Thu

Ngay phía sau chính điện Lam Kinh, đi khoảng 50m là đến nơi yên nghỉ của vua Lê Thái Tổ. Khu lăng mộ được bao bọc xung quanh là những tán cây rừng xanh tốt. Đặc biệt, ở trong khuôn viên khu lăng mộ có một cây ổi mang thế rồng chầu, được trồng từ năm 1933.

Theo quan sát của phóng viên Dân Việt, cây ổi này chỉ cao khoảng 3 mét, các cành, nhánh tỏa đều bốn hướng, thân cây sần sùi uốn lượn như con rồng, phía dưới gốc có chỗ lồi, lõm phủ một lớp rêu màu xanh.

Điều đặc biệt, cây ổi được mọi người truyền tai nhau là biết "cười". Chị Hà Minh Anh, một du khách tham quan nói: "Tôi nghe kể nhiều ở khu di tích Lam Kinh có cây ổi "cười", ban đầu cũng không tin nên muốn trực tiếp đến đây chiêm ngưỡng. Quả thật, khi chạm tay nhẹ vào các nách cây ổi, đoạn giữa thân và cành thì các đầu lá rung rinh. Còn nếu nắm tay vào một đoạn thân cây, nhắm mắt lại thì sẽ cảm giác lâng lâng khó tả".

Những câu chuyện khó tin về các "cụ cây" ở khu di tích Lam Kinh - Ảnh 2.

Du khách về đây đều thích thú chạm thử vào cây. Ảnh: Hoài Thu

Theo Ban Quản lý Khu di tích Lam Kinh, cây ổi này được phát hiện biết "cười" lần đầu tiên vào năm 2001. Từ đó trở đi, khi có người bất kỳ lấy ngón tay khẽ gãi nhẹ lên thân cây thì lá ổi rung lên bần bật như có gió nhẹ thoảng qua gây ngạc nhiên cho những người chứng kiến. Nhiều người tỏ ra thích thú và cho rằng đó là do dòng từ trường nằm ngay dưới gốc cây, nhưng không ít người sợ sệt, bàng hoàng chắp tay khấn vái.

Ban quản lý khu di tích cũng cho biết thêm, cây ổi kỳ lạ này do ông Trần Hưng Dẫn (quê Nam Định) cung tiến năm 1933. Ông Dẫn vốn hiếm muộn con nên đã đến cầu tự trước mộ vua Lê Thái Tổ, nhờ đó mà hạ sinh được quý tử. Để tỏ lòng thành, ông cung tiến 4 tượng voi, 2 cây Long não và cây ổi để trồng trong khu lăng mộ.

Từ khi cây ổi được phát hiện biết "cười" đến năm 2008, Bộ Khoa học - Công nghệ cũng đã có đề án nghiên cứu cấp quốc gia về dòng gen của cây ổi này, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.

Những câu chuyện khó tin về các "cụ cây" ở khu di tích Lam Kinh - Ảnh 3.

Một phần thân cây đã bị mục, phủ một lớp rêu xanh. Ảnh: Hoài Thu

Người dân địa phương gọi đây là "mộc tinh" bởi có lẽ do sống lâu năm nên cây cũng có linh hồn và cảm giác. Họ cũng cho rằng vùng đất đặt lăng mộ vua Lê Thái Tổ là nơi hội tụ linh khí của đất trời, vô cùng linh thiêng nên mới có hiện tượng như vậy bởi cây ổi này khi được chiết trồng nơi khác thì không hề có hiện tượng biết "cười".

Chuyện tình đa – thị, một gốc hai cây

Đến khu di tích Lam Kinh khi đi qua cây cầu đá dẫn vào chính điện, có 1 cây đa rất to ngay phía trái cổng vào nhìn ra hướng sân chầu. Theo quan sát của phóng viên, cây đa di sản hiện cao chừng 30 mét, cành tán tỏa rộng, bộ rễ gân guốc, vằn vện với những hình thù kỳ dị…

Theo Ban quản lý khu di tích Lam Kinh, "cụ" đa này là một trong những nhân chứng sống lâu nhất của lịch sử bi hùng ở vùng đất Lam Kinh. Cây đa có tuổi đời trên dưới 300 năm.

Những câu chuyện khó tin về các "cụ cây" ở khu di tích Lam Kinh - Ảnh 4.

Cây đa thị với bộ rễ khổng lồ đứng sừng sững trước sân chầu chính điện Lam Kinh. Ảnh: Hoài Thu

Những người gắn bó lâu năm với khu di tích kể lại rằng, cây đa này có tên là đa - thị bởi nó một gốc hai cây: cây đa và cây thị. Chỗ cây đa bây giờ, trước kia là một cây thị. Mùa hè quả thị chín, theo gió đưa hương thơm ngát một vùng, chim chóc thường kéo nhau về ăn quả, làm tổ. Quá trình chim đến ăn quả thị đã vô tình làm rơi hạt đa xuống đất và mọc thành cây.

Sau này, cây đa mọc lên xanh tốt, bộ rễ phát triển mạnh, dần ôm trọn lấy cây thị rồi hóa chung một gốc như đôi uyên ương. Cây thị sống trong lòng cây đa vẫn xanh tươi tốt lá, mỗi năm đều cho ra quả.

Người dân vô cùng thích thú trước hiện tượng thiên nhiên thú vị "một gốc hai cây" này. Người ta ví cây đa như một chàng trai trẻ sung sức, còn cây thị là người con gái cần được che chở nên được cây đa ôm trọn trong lòng.

Những câu chuyện khó tin về các "cụ cây" ở khu di tích Lam Kinh - Ảnh 5.

Cây đa thị được công nhận là Cây di sản Việt Nam vào năm 2013. Ảnh: Hoài Thu

Vì mọc trên vùng đất thiêng Lam Kinh nên cũng có nhiều câu chuyện ly kỳ được thêu dệt nên xung quanh cây đa - thị. Theo người dân địa phương, từng có thời gian đây được coi là biểu tượng của sự trường tồn của tình yêu, hạnh phúc. Các đôi tình nhân trẻ tìm đến gốc đa - thị cùng nguyện ước được chung bước trọn đời, còn các cặp vợ chồng ước được bên nhau đến đầu bạc răng long…

Theo các nhà sinh vật học, câu chuyện gọi là huyền thoại tình yêu của cây đa - thị thực chất chỉ là hiện tượng cây đa "bóp cổ" mà thôi. Cây đa là loài thực vật phụ sinh, thường mọc trên thân cây khác từ hạt do chim chóc, động vật mang đến. Hạt đa phát triển ra các rễ khí sinh, bao bọc cây chủ, hút khí và dưỡng chất của cây chủ nên gọi là cây đa "bóp cổ".

Những câu chuyện khó tin về các "cụ cây" ở khu di tích Lam Kinh - Ảnh 6.

Chuyện tình đa - thị vẫn được người dân địa phương lưu truyền tới ngày nay. Ảnh: Hoài Thu

Điều kỳ lạ là thông thường, quá trình "bóp cổ" thường diễn ra không lâu do cây đa nhanh chóng hút hết dưỡng khí của cây chủ khiến cây chủ phải chết khô. Thế nhưng ở Lam Kinh, cây đa và cây thị vẫn sống với nhau hàng trăm năm cho tới năm 2007, cây thị mới chết hẳn.

Năm 2013, cây đa - thị được Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là Cây di sản bởi tầm vóc, sự độc đáo và giá trị lịch sử của nó.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem