Dân Việt

Việt Nam mua 99% lượng hạt này của Campuchia về chế biến rồi xuất đi Mỹ, Trung Quốc

K.Nguyên 07/10/2021 12:15 GMT+7
Bất chấp tác động của dịch Covid-19, xuất khẩu điều trong 9 tháng năm 2021 vẫn tăng mạnh. Tuy nhiên, lượng điều nhập khẩu từ Campuchia tăng đột biến cũng cho thấy có nhiều bất ổn khi vấn đề chủ động nguồn nguyên liệu vẫn là điểm yếu của ngành điều từ trước đến nay.

Việt Nam xuất khẩu điều sang Mỹ, Trung Quốc, nhập khẩu nhiều từ Campuchia

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, điều đáng mừng là xuất khẩu điều trong tháng 9/2021 vẫn tăng.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu điều của Việt Nam trong tháng 9/2021 đạt 50.000 tấn, trị giá 340 triệu USD, tăng 6,2% về lượng và tăng 8,8% về trị giá so với tháng 8/2021. 

Ước tính, giá điều xuất khẩu bình quân của Việt Nam trong tháng 9/2021 đạt 6.800 USD/ tấn, tăng 2,5% so với tháng 8/2021 và tăng 14,1% so với tháng 9/2020.

Tính chung 9 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam ước đạt 425.000 tấn, trị giá 2,65 tỷ USD, tăng 16,6% về lượng và tăng 14,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. 

Đáng chú ý, theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), so với cùng kỳ năm 2020, xuất khẩu nhiều chủng loại hạt điều tăng cả về lượng và trị giá. 

Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu điều lớn nhất của Việt Nam, sau đó đến Trung Quốc, Hà Lan. 

Việt Nam mua 99% lượng hạt này của Campuchia về chế biến rồi xuất đi Mỹ, Trung Quốc - Ảnh 1.

Xuất khẩu điều của Việt Nam trong tháng 9/2021 đạt 50.000 tấn, trị giá 340 triệu USD, tăng 6,2% về lượng và tăng 8,8% về trị giá so với tháng 8/2021. Trong ảnh: Chế biến điều tại Công ty Hoàng Sơn 1 (Bình Phước). Ảnh: Hoàng Sơn 1.

Theo thống kê, trong 8 tháng năm 2021, xuất khẩu điều sang Mỹ đạt 117.505 tấn, trị giá 676 triệu USD; xuất khẩu điều sang Trung Quốc đạt 51.730 tấn, trị giá 384 USD.

Tuy nhiên, do tác động của dịch Covid-19, Việt Nam phải áp dụng biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt trên diện rộng và kéo dài nên trong 7 tháng năm 2021, dù Mỹ tăng khối lượng nhập khẩu hạt điều từ hầu hết các nguồn cung chính nhưng mức tăng từ Việt Nam là thấp nhất. 

Bên cạnh đó, giá cước phí vận chuyển ở mức cao cũng tác động tiêu cực lên hoạt động xuất khẩu điều của Việt Nam sang Mỹ.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, ngành điều Việt Nam chịu sự canh tranh từ thị trường Bờ Biển Ngà và Nigeria nhưng thị phần hạt điều của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Mỹ vẫn tăng nhẹ từ 89,08% trong 7 tháng đầu năm 2020 lên 89,26% trong 7 tháng đầu năm 2021. 

Hiệp hội Điều Việt Nam dự báo, xuất khẩu điều của Việt Nam sẽ tăng trong thời gian tới. Quý IV thường là mùa cao điểm tiêu thụ hạt điều, các thị trường như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc tăng cường nhập khẩu. Còn trong nước, tình trạng giãn cách đang dần được nới lỏng, giúp hoạt động sản xuất và vận chuyển thuận lợi hơn.

99% tổng lượng hạt điều của Campuchia xuất sang Việt Nam

Mặc dù xuất khẩu điều trong 9 tháng năm 2021 vẫn tăng dù tác động của dịch Covid-19 nhưng ở chiều ngược lại, nhập khẩu điều nguyên liệu cũng tăng đột biến, trong đó, lượng hạt điều nhập khẩu từ Campuchia là nhiều nhất.

Theo Bộ Nông nghiệp Campuchia, trong 8 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hạt điều của nước này đạt 876.531 tấn, tăng 350% so với 8 tháng đầu năm 2020. 

Trong đó, 99% tổng lượng hạt điều của Campuchia xuất khẩu sang Việt Nam, đạt gần 870.000 tấn. 

Việt Nam mua 99% lượng hạt này của Campuchia về chế biến rồi xuất đi Mỹ, Trung Quốc - Ảnh 2.

Xuất khẩu điều của Việt Nam tăng nhưng nguồn nguyên liệu nhập khẩu cũng rất lớn, trong khi diện tích điều trong nước chỉ đáp ứng được 350.000 tấn/năm. Ảnh: dihona.

Do nhu cầu cao nên hạt điều ở Campuchia đã có giá nhỉnh hơn trong năm nay với mức 4.000 riel/kg (khoảng 1 USD/kg), so với giá 3.500 riel/kg năm 2020. 

Trên thực tế, trước tình hình nhập khẩu điều nguyên liệu tăng đột biến, Bộ Công Thương từng đề xuất Bộ NNPTNT mở rộng diện tích điều.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho rằng, phải tính toán hiệu quả kinh tế của từng loại cây để mở rộng diện tích cho phù hợp, tránh việc cạnh tranh của từng loại cây trồng với nhau.

Thống kê của Bộ NNPTNT cho thấy, tổng diện tích điều trên cả nước năm 2020 đạt 300.000 ha, tổng sản lượng khoảng 350.000 tấn/năm, trong khi mỗi năm Việt Nam cần nhập khoảng 1,4 triệu tấn điều thô để chế biến.

Có một thực tế, cây điều đang phải cạnh tranh về lợi nhuận với các loại cây trồng khác như cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả,... do vậy, ông Cường cho rằng, người dân sẽ tính toán hiệu quả kinh tế của từng loại cây để mở rộng diện tích. 

Trước tình trạng lượng điều thô nhập khẩu tăng bất thường, đặc biệt từ thị trường được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu 0% là Campuchia, Tổng cục Hải quan cũng đã có Công văn gửi Cục Hải quan các tỉnh: Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang đề nghị tăng cường kiểm tra xuất xứ điều thô nhập khẩu từ Campuchia.