Vụ 15 con chó bị tiêu hủy ở Cà Mau do chủ của chúng trong quá trình đi từ Long An về Cà Mau tránh dịch, qua xét nghiệm thấy họ dương tính với SARS-CoV-2 buộc phải đi cách ly đang gây xôn xao dư luận. Trên quan điểm của một chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Tất nhiên, khi dư luận chỉ mới đọc tin 15 con chó bị tiêu hủy do chủ của chúng phải đi cách ly do dương tính với SARS-CoV-2 về mặt tình cảm chắc chắn ai cũng cảm thấy đau xót.
Nhưng nếu bình tĩnh nhìn nhận thì bản thân mấy con chó đó hoàn toàn có thể có virus SARS-CoV-2 trên lông, da, thậm chí chúng cũng có thể nhiễm virus.
Chuyên gia y tế cũng từng khẳng định, có nguy cơ lây bệnh Covid-19 từ chó, mèo nếu như người mắc Covid-19 ôm ấp, chăm sóc chó, mèo.
Vì vậy, trong trường hợp 15 con chó kia cũng có virus SARS-CoV-2 nếu thả rông sẽ là tác nhân lây lan dịch bệnh.
Trong trường hợp này chỉ có 2 phương án, 1 là gom lại trông giữ cho đến khi chủ của chúng khỏi bệnh, hết thời gian cách ly và nhận lại và hai là tiêu hủy.
Trong điều kiện ngân sách, nguồn lực của địa phương còn hạn chế, trong khi họ vừa phải tiếp nhận một lượng lớn người dân rời TP.HCM về quê thì liệu họ có đủ điều kiện để trông, giữ đàn chó đó hay không?
Tất nhiên, về mặt tình cảm, đối với vợ chồng người dân đó, chủ đàn chó, họ gắn bó với nó, cũng có thể đàn chó còn là một nguồn sinh kế của họ.
Do vậy, trong trường hợp buộc phải tiêu hủy, nếu Nhà nước có thể hỗ trợ họ một khoản nhất định vì mất sinh kế là phù hợp nhất, nhưng tất nhiên mức hỗ trợ cũng không thể cao bởi nếu không sẽ gây bất bình đẳng với các đối tượng khác.
Có nghĩa, theo ông, trong trường hợp này, việc lựa chọn tiêu hủy 15 con chó có thể coi là một phương án buộc phải chấp nhận?
- Tôi nghĩ, chính quyền địa phương, ngành chức năng họ phải lựa chọn giải pháp phù hợp nhất. Như tôi đã nói, nếu có đủ nguồn lực, cho chúng ăn hàng ngày là giải pháp tốt nhất nhưng trong điều kiện thiếu nhân lực, thiếu nguồn lực, chỗ cách ly cho người còn thiếu thì họ buộc phải chọn cách tiêu hủy dù có thể trong thâm tâm họ không muốn thế.
Nếu đặt tất cả những yếu tố đó trên bàn cân thì tôi cho rằng giải pháp của chính quyền, ngành chức năng huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) có thể hiểu được.
Tuy nhiên, về mặt tình cảm, sự việc 15 con chó bị tiêu hủy đang gây bức xúc trên mạng xã hội?
- Tôi nghĩ đó là phản ứng bình thường của những người yêu động vật, bất kỳ ai khi đọc thông tin đó cũng sẽ có phản ứng như vậy.
Nhưng như tôi đã nói có những trường hợp họ buộc phải lựa chọn dù tôi tin những cán bộ phải đi tiêu hủy đàn chó họ cũng chẳng muốn làm việc này.
Ngay cả việc tiêu hủy động vật như thế nào cũng phải có quy tắc, ví dụ, họ tiêu hủy một cách dã man thì xã hội hoàn toàn có lý do để lên án.
Nhưng nếu người ta tiêu hủy nó theo hình thức nhân đạo, không gây đau đớn thì cũng có thể chấp nhận.
Theo tôi, cộng đồng cần có cái nhìn bình tĩnh, khách quan hơn với cách xử lý của cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau trong vụ việc này.
15 con chó bị tiêu hủy trong vụ việc là của vợ chồng anh P.M.H. Trước đó, khoảng 13h ngày 8/10, vợ chồng anh H. cùng vợ chồng người em vợ từ Long An về Cà Mau.
Theo anh H., anh quê quán ở Bình Dương nhưng đi làm hồ ở Long An, do dịch bệnh phải nghỉ việc nên vợ chồng anh dắt díu nhau về quê của người em (ở xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) để tránh dịch.
Khi gia đình anh H. về đến Cà Mau thì được đưa về cách ly ở xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời. Sau đó, được chuyển đến Bệnh viện đa khoa Trần Văn Thời vì dương tính với Covid-19.