Trong báo cáo công tác năm 2021 gửi Quốc hội mới đây, Kiểm toán Nhà nước cho biết một số doanh nghiệp kê khai xác định giá giao dịch liên kết theo phương pháp lợi nhuận chưa phù hợp, không lập hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết (tỉnh Bình Dương).
Cá biệt, có trường hợp hạch toán vào chi phí hợp lý để xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp một số khoản không hợp lý, không có căn cứ, làm giảm lớn số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp ngân sách nhà nước.
Cụ thể, cơ quan kiểm toán phát hiện, tại tỉnh Bình Thuận, công ty TNHH khu đô thị du lịch biển Phan Thiết (công ty du lịch biển Phan Thiết) ký hợp đồng với 2 công ty môi giới bất động sản tại TP.HCM với tỷ lệ 19,5%/giá trị bất động sản môi giới thành công, trong khi mức phí môi giới bất động sản phổ biến hiện nay trên thị trường là 1-2% giá trị bất động sản…
Theo Kiểm toán Nhà nước, việc công ty ký các hợp đồng môi giới với mức chi phí cao bất thường (gấp khoảng 10 lần so với mức chi phí môi giới phổ biến trên địa bàn tỉnh Bình Thuận) đã làm tăng chi phí hợp lý và làm giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp rất lớn.
Do đó, Kiểm toán Nhà nước đã chuyển cơ quan cảnh sát điều tra để điều tra, làm rõ và xử lý hành vi có dấu hiệu trốn thuế thu nhập doanh nghiệp của công ty TNHH khu đô thị du lịch biển Phan Thiết.
Công ty TNHH khu đô thị du lịch biển Phan Thiết được thành lập vào tháng 7/1993, có trụ sở tại số J45 Tôn Đức Thắng, phường Xuân An, TP.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
Tại lần đăng ký thay đổi mới nhất ngày 27/1/2021, người đại diện pháp luật kiêm Tổng Giám đốc của doanh nghiệp là ông Lê Hoàng Ngân. Trước đó, vị trí này do ông Nguyễn Văn Đông đảm nhiệm.
Dữ liệu Dân Việt cho thấy, trong giai đoạn những năm gần đây, công ty TNHH khu đô thị du lịch biển Phan Thiết có kết quả kinh doanh với tỷ suất lợi nhuận/doanh thu cực kỳ ấn tượng, năm 2017 là 76,21%, năm 2018 là 15,39%; năm 2019 là 18,27%, cá biệt năm 2020 lên đến 193,07%.
Cụ thể, năm 2017 doanh thu thuần của công ty du lịch biển Phan Thiết chỉ đạt 2,6 tỷ đồng, thế nhưng 1 năm sau đã nhảy vọt lên mức 1.466 tỷ đồng, đạt đỉnh ở ngưỡng 1.747 tỷ đồng vào năm 2019, trước khi giảm sâu xuống còn 25,9 tỷ đồng năm 2020.
Tương ứng với sự "bất định" của doanh thu, lãi ròng doanh nghiệp cũng biến động thất thường trong cùng giai đoạn. Năm 2017, công ty du lịch biển Phan Thiết lãi 2 tỷ đồng, năm 2017 lãi 225,7 tỷ đồng, năm 2019 lãi 319,1 tỷ đồng và năm 2020 lãi 50,1 tỷ đồng - gấp đôi so với doanh thu đạt được trong năm (25,9 tỷ đồng).
Ở bên kia bảng cân đối, tổng tài sản công ty du lịch biển Phan Thiết cũng "nở rộng" theo kết quả kinh doanh, năm 2016, tổng tài sản doanh nghiệp có hơn 1.945 tỷ đồng; tăng lên gấp 2,5 lần, đạt 4.157 vào năm 2017, tiếp tục tịnh tiến đạt ngưỡng 4.984 tỷ đồng năm 2018, rồi giảm sâu về 3.636 tỷ đồng năm 2019. Năm 2020, tổng tài sản công ty du lịch biển Phan Thiết ở mức 4.481 tỷ đồng.
Cuối năm 2020, nợ phải trả của doanh nghiệp ở mức 3.915 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 566,1 tỷ đồng, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu gấp 7 lần.
Liên quan đến công ty TNHH khu đô thị du lịch biển Phan Thiết, mới đây, Sở Tư pháp tỉnh Bình Thuận đã ban hành văn bản gửi đến các tổ chức hành nghề công chứng đề nghị tạm dừng giao dịch, mua bán, chuyển nhượng nhà đối với 4 công ty và 3 dự án, trong đó có công ty TNHH khu đô thị du lịch biển Phan Thiết.
Các dự án bị tạm dừng gồm: Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết; khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2; dự án lấn biển, bố trí sắp xếp lại dân cư và chỉnh trang đô thị phường Đức Long.
Đây là 3 dự án tại tỉnh Bình Thuận có dấu hiệu vi phạm pháp luật mà Bộ Công an đề nghị UBND TP.Phan Thiết cung cấp hồ sơ, tài liệu.
4 doanh nghiệp gồm: Công ty cổ phần Rạng Đông; công ty TNHH khu đô thị du lịch biển Phan Thiết; công ty cổ phần Tân Việt Phát và công ty TNHH đầu tư xây dựng Trường Phúc Hải.
Sở Tư pháp Bình Thuận cho biết việc tạm dừng giao dịch đối với "4 chủ sở hữu tại 3 dự án" trên theo chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Thuận nhằm thực hiện yêu cầu của cơ quan cảnh sát điều tra - Bộ Công an để điều tra dấu hiệu sai phạm.