Theo Eurasia Review, vào ngày 8/10/2021, ít nhất 47 người đã thiệt mạng khi một kẻ đánh bom liều chết kích nổ thiết bị nổ giữa đám đông các tín đồ Hồi giáo tại nhà thờ Hồi giáo Sayyidabad ở khu vực Khanabad Bandar của thành phố Kunduz, thủ phủ tỉnh Kunduz.
140 người khác đã bị thương trong vụ tấn công. Taliban cho rằng, nhóm khủng bố khét tiếng - kẻ thù khôn đội trời chung với họ - Nhà nước Hồi giáo tỉnh Khorasan (ISIS-K) - đứng sau vụ tấn công.
Tuy nhiên, ISIS-K sau đó chỉ đích danh chiến binh Hồi giáo mang tên Muhammad al-Uyghuri là kẻ đánh bom. Muhammad al-Uyghuri thuộc cộng đồng Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ có nguồn gốc từ tỉnh Tân Cương, Trung Quốc.
Thông cáo của ISIS-K tuyên bố, cuộc tấn công nhắm vào cả người Shiite lẫn Taliban vì Taliban được cho là sẵn sàng trục xuất người Duy Ngô Nhĩ để đáp ứng yêu cầu của Trung Quốc.
Ông Michael Kugelman, Phó giám đốc Chương trình Châu Á tại Trung tâm Wilson có trụ sở tại Mỹ lưu ý rằng cuộc tấn công có thể là dấu hiệu phản ánh tình trạng bạo lực gia tăng nhiều hơn.
"Nếu tuyên bố của (ISIS-K) là đúng, thì những lo ngại của Trung Quốc về các chiến binh Duy Ngô Nhĩ ở Afghanistan sẽ gia tăng”. Hầu hết các chiến binh Duy Ngô Nhĩ thuộc Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM). ETIM là một nhóm cực đoan được thành lập bởi các phần tử thánh chiến người Duy Ngô Nhĩ ở miền Tây Trung Quốc và bị cấm bởi Bắc Kinh nhưng đã tìm thấy nơi trú ẩn an toàn ở khu vực biên giới Afghanistan-Pakistan.
Mục tiêu của ETIM là tìm cách để tạo ra nhà nước Đông Turkestan độc lập tại Tân Cương, Trung Quốc. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc chỉ định ETIM là một tổ chức khủng bố vào năm 2002 bởi các liên kết của nhóm này với Al-Qaeda.
Vụ tấn công nhà thờ Hồi giáo Sayyidabad là cuộc tấn công đầu tiên nhằm vào cộng đồng người Shia kể từ khi Taliban giành được quyền kiểm soát trên thực tế đối với thủ đô Kabul vào ngày 15/8.
Sau khi Taliban lên nắm quyền, Trung Quốc đã bày tỏ lo ngại rằng Afghanistan sẽ bị ETIM lợi dụng để làm căn cứ và phát động các cuộc tấn công vào Tân Cương. Vấn đề này đã được Ngoại trưởng Vương Nghị đưa ra trong cuộc gặp với các thành viên cấp cao của Taliban hồi tháng 7 vừa qua. Taliban cam kết sẽ “không bao giờ cho phép bất cứ lực lượng nào sử dụng lãnh thổ Afghanistan để thực hiện những hành động gây bất lợi cho Trung Quốc”.
Nhưng tờ Asia Times cho biết ETIM đang ra sức tăng cường năng lực hậu cần và tài chính, nhân lực, vũ khí kể từ khi Washington loại bỏ họ khỏi danh sách các tổ chức khủng bố năm 2020 và đặc biệt là sau khi Mỹ rút khỏi Afghanistan.
Một báo cáo gần đây của Hội đồng Bảo an LHQ xác nhận sự hiện diện của hơn 500 máy bay chiến đấu của ETIM ở nhiều nơi thuộc ở miền bắc Afghanistan, trong đó có tỉnh Badakhshan, Kunduz, và Takhar kết nối với tỉnh Tân Cương của Trung Quốc thông qua một hành lang hẹp, hành lang Wakhan.